|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP.HCM: năm 2017 sẽ áp dụng nhiều chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước

15:05 | 30/12/2016
Chia sẻ
Ngày 30.12, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết năm 2017, TP sẽ dung nhiều chính sách mở để hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển thành phố.

Báo cáo tình hình đầu tư trong và ngoài nước năm 2016, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết năm 2016, vốn đầu tư trong nước tại khu vực ngoài nhà nước trên 200.000 tỷ đồng, tăng trên 12%. Thành phố thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp qua đó tạo niềm tin để doanh nghiệp đầu tư phát triển, kết quả ước có 36.500 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 293.610 tỷ đồng (so cùng kỳ tăng 15,87% về số lượng doanh nghiệp và tăng 42,18% về vốn đăng ký). Ngoài ra, có 59.045 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 204.000 tỷ đồng (so cùng kỳ tăng 35,69% về số lượt doanh nghiệp và tăng 28,07% về vốn bổ sung). Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung là 497.610 tỷ đồng, tăng 36,04% so với cùng kỳ.

Đối với loại hình doanh nghiệp thành lập mới đã có nhiều tăng trưởng, trong đó Công ty TNHH một thành viên chiếm tỷ trọng cao nhất (56,5%) với 20.343 doanh nghiệp; tiếp theo là Công ty TNHH hai thành viên trở lên chiếm 30,4% với 10.947 doanh nghiệp; Công ty cổ phần 4.057 doanh nghiệp chiếm 11,3%; Doanh nghiệp tư nhân 646 doanh nghiệp chiếm 1,8%; công ty hợp danh 7 doanh nghiệp chiếm 0,02%.

tphcm nam 2017 se ap dung nhieu chinh sach thu hut dau tu trong va ngoai nuoc

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết năm 2017 Thành phố sẽ áp dụng nhiều chính sách mở để hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh Gia Huy

Hoạt động doanh nghiệp thành lập mới phân theo ngành nghề kinh doanh chính cũng nhiều phát triển, trong đó kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất (39,8%) với vốn đăng ký 97.221,9 tỷ đồng (tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ); tiếp theo là Buôn bán, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy chiếm 18,7% với vốn đăng ký 45.638 tỷ đồng (giảm 8,5% so với cùng kỳ); Xây dựng với vốn đăng ký 31.088,7 tỷ đồng chiếm 12,7% (giảm 23,6% so với cùng kỳ); …

Đối với đầu tư trực tiếp ngước ngoài, ông Anh cho biết vốn đầu tư nước ngoài đưa vào thực hiện đạt trên 47.000 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2015. Các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ước có 820 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 940 triệu đô-la Mỹ (so cùng kỳ tăng 45,3% về số dự án); Có 185 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 560 triệu đô-la Mỹ.

Ngoài ra, Thành phố cũng chấp thuận cho 1.950 trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các doanh nghiệp Thành phố với tổng vốn góp đăng ký ước đạt 1,5 tỷ đô-la Mỹ. Theo thủ tục góp vốn, vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp (vốn điều lệ) thường thấp hơn rất nhiều so với tổng vốn đầu tư của dự án theo cách thống kê trước đây.

Thành phố đã tiến hành xây dựng trình tự thủ tục và biểu mẫu để thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư. Đến nay, đã thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án với 25 nhà đầu tư với tổng số tiền ký quỹ là 25.781.106.815.350 đồng.

Dự án FDI cấp mới phân theo ngành nghề/lĩnh vực hoạt độngcũng tăng cao, hoạt động kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nhiều nhất (40,9%) với 326,8 triệu đô-la Mỹ (giảm 77,7% so với cùng kỳ); tiếp theo là Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy chiếm 30,8% với 245,8 triệu đô-la Mỹ (tăng 69,7% so với cùng kỳ); Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 10,6% với 85,04 triệu đô-la Mỹ (giảm 86,2% so với cùng kỳ); Thông tin và truyền thông chiếm 5,6% với 45,05 triệu đô-la Mỹ (tăng 97,6% so với cùng kỳ).

Dự án FDI cấp mới phân theo quốc tịch Nhà đầu tư lớn nhất là Đài Loan có vốn đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất (32,5%) với 259,7 triệu đô-la Mỹ; tiếp theo là Nhật Bản chiếm 15,5% với 123,4 triệu đô-la Mỹ; Singapore chiếm 13,6% với 108,5 triệu đô-la Mỹ.

Quận có dự án FDI cấp mới nhiều nhất là Quận 7 có vốn đầu tư nhiều nhất (37,6%) với 300,3 triệu đô-la Mỹ; tiếp theo là Quận 1 chiếm 23,3% với 186,2 triệu đô-la Mỹ; Quận 2 chiếm 11,5% với 91,7 triệu đô-la Mỹ; huyện Củ Chi với 40,2 triệu đô-la Mỹ chiếm 5%.

Đối với Vốn viện trợ phát triển (ODA), ông Anh cho biết hiện tại, Thành phố đang theo dõi 20 dự án đang triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư là 114.244,961 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 97.801,617 tỷ đồng, vốn đối ứng là 16.443,344 tỷ đồng. Ước giải ngân vốn ODA trong năm 2016 đạt khoảng 3.200 tỷ đồng.

Đối với chính sách thu hút đầu tư năm 2017, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, năm 2017 thành phố sẽ có nhiều chính sách mới trong đó sẽ chú trọng tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.

Tổ chức các hoạt động thu hút đầu tư, đặc biệt đối với ngành công nghiệp hỗ trợ; phổ biến các chính sách thu hút đầu tư của Thành phố; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam, nâng cao chất lượng hoạt động để tăng hiệu quả đầu tư nước ngoài và giúp phát triển các ngành quan trọng của thành phố.

Hoàn chỉnh các thủ tục hành chính theo hướng rút ngắn quy trình, thời gian giải quyết các thủ tục cho người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện mô hình giải quyết thủ tục hành chính theo “cơ chế một cửa, một cửa liên thông” tại các cơ quan hành chính các cấp, các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố theo Quyết định số 09/2015/QĐ-UBND ngày 23 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp theo nguyên tắc khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung đối với mỗi bộ hồ sơ. Thông báo phải nêu rõ yêu cầu sửa đổi, bổ sung và lý do của việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung.

Cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế. Khai thuế điện tử và nộp thuế điện tử cho cá nhân kinh doanh. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hoàn thuế, tiến tới hoàn thuế điện tử nhằm rút ngắn thời gian hoàn thuế; công khai dữ liệu hoàn thuế.

Bố trí vốn theo khả năng cân đối ngân sách, tập trung, khắc phục tình trạng dàn trải, không để nợ đọng, nợ phát sinh mới trong xây dựng cơ bản. Tập trung vốn cho các dự án thuộc 7 Chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X; phát triển hạ tầng trọng điểm, tạo sức lan tỏa và kết nối phát triển. Thực hiện khoán chi hành chính, sử dụng xe công; triển khai các loại hình dịch vụ cho thuê tài sản đối với các trang thiết bị, tài sản cố định phục vụ công tác chuyên môn, đặc biệt là các thiết bị công nghệ thông tin, đi đôi với việc tạo cơ sở pháp lý để khu vực tư nhân tham gia cung cấp các dịch vụ này cho các cơ quan nhà nước.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Nghiên cứu, bổ sung chính sách khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, đặc biệt chú ý khai thác nguồn vốn từ mặt bằng, nhà xưởng, quyền sử dụng đất để có thêm nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Đẩy mạnh kêu gọi và tập trung thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức hợp tác công - tư (PPP).

Tranh thủ tối đa các nguồn vốn ODA để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quy mô lớn. Đẩy mạnh thu hút và nâng cao chất lượng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả của đầu tư, đặc biệt là chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư nhà nước nhằm tránh thất thoát, lãng phí, đồng thời tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước để bảo đảm huy động cao nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Gia Huy