TPHCM: đề xuất cho Vingroup xây sân golf 36 lỗ tại Cần Giờ
|
Dự án Cần Giờ Gofl Club do Công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ thuộc Tập đoàn Vingroup đầu tư nghiên cứu triển khai với tổng mức đầu tư khoản 900 tỉ đồng (chưa gồm kinh phí giải phóng mặt bằng, lãi vay…).
Theo báo cáo của UBND thành phố, dự án sân golf Cần Giờ dự kiến xây dựng trên địa bàn xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ với phần đất thực hiện dự án là đất tạo lập mới do lấn biển, không phải đất nông nghiệp, không thuộc đất quy hoạch để xây dựng khu công nghiệp, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
Chính quyền thành phố nhận định dự án khi đi vào hoạt động sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, tạo việc làm cho lao động địa phương và vùng lân cận, là điểm đến của du khách quốc tế và du khách trong nước; đồng thời, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh tại huyện Cần Giờ. Cụ thể, dự án giúp giải quyết công việc thường xuyên cho khoảng 300-400 lao động; góp phần phát triển du lịch và kinh tế huyện Cần Giờ; tạo ra được môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hút tiền vốn đầu tư của nhiều thành phần.
Công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ cam kết tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành, có giải pháp cụ thể cũng như kế hoạch và cam kết bố trí, sử dụng lao động địa phương, ưu tiên sử dụng lao động thuộc diện đã bị thu hồi đất để xây dựng sân golf; áp dụng các giải pháp kỹ thuật hiện đại trong quá trình hoạt động kinh doanh, đặc biệt là các công trình xử lý nước thải, phun thuốc, chăm sóc cây cỏ, đảm bảo môi trường và đặc biệt sẽ triển khai các thủ tục đầu tư theo quy định và bảo đảm tiến độ thực hiện dự án trong 24 tháng ngay sau khi được bàn giao đất.
Được biết, toàn khu đô thị lấn biển Cần Giờ tại TPHCM có tổng diện tích lên đến 1.080 héc ta (tăng thêm 480 héc ta), và dự kiến sẽ có thêm sân golf, phim trường, sân đậu trực thăng ... theo đề xuất mới đây của chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ.
Với hơn 70.000 héc ta rừng đước, dừa nước, sông và kênh rạch, Cần Giờ được xem như một lá phổi của TPHCM, trong đó, một nửa diện tích là khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận vào năm 2000 với hệ động, thực vật đa dạng, độc đáo điển hình của vùng ngập mặn.