|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

TP HCM muốn có thêm ít nhất 1.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chiếm khoảng 5,12% sản phẩm nội địa

10:36 | 30/12/2019
Chia sẻ
Hiện nay năng suất lao động của ngành công nghệ thông tin - truyền thông so với năng suất chung của TP HCM gấp 1,96%, đóng góp vào sản phẩm nội địa TP HCM là 4,44%.

Tại Ngày hội doanh nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo TP HCM 2019 với chủ đề "Nhận thức mới, thay đổi nhanh, sáng tạo đột phá" do UBND TP HCM chủ trì tổ chức ngày 28/12, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM, nói thành phố hiện được xem là điểm sáng trong bức tranh khởi nghiệp sáng tạo của cả nước.

Nơi hội tụ của gần một nửa startup của đất nước

40% - 45% trong khoảng 3.000 startup của cả nước có trụ sở ở TP HCM. Nhiều startup Việt đã gọi vốn thành công với tổng giá trị hơn 670 triệu USD cho khoảng 50 thương vụ, riêng TP HCM chiếm gần một nửa với 23 thương vụ, tương ứng hơn 300 triệu USD.

Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp khởi nghiệp của TP HCM cũng đã xuất ngoại, tham gia các đấu trường quốc tế.

Đặc biệt trong số các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đến 70% doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin. Con số cho thấy tiềm năng của phát triển doanh nghiệp công nghệ thông tin thông qua các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rất lớn.

TP HCM muốn có thêm ít nhất 1.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chiếm khoảng 5,12% sản phẩm nội địa - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM, chia sẻ về sự phát triển của ngành CNTT thành phố HCM hôm 28/12. Ảnh: Như Huỳnh.

Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP HCM,  tính đến cuối năm 2018 số doanh nghiệp hoạt động chuyên ngành điện tử - công nghệ thông tin tại TP HCM vào khoảng 5.636, tăng 23% so với năm 2016. 

Mặc dù phát triển nhanh và sử dụng lực lượng lao động có trình độ cao hơn so với các ngành khác, điện tử - công nghệ thông tin vẫn chiếm tỉ trọng khiêm tốn trong nền kinh tế thành phố.

Số liệu năm 2017 cho thấy doanh nghiệp và lao động điện tử - công nghệ thông tin chiếm khoảng 3% toàn thành phố. Nhưng doanh thu của điện tử - công nghệ thông tin chỉ bằng 7,1% công nghiệp chế biến, 23,6% ngành xây dựng, 30,9% ngành vận tải và 62% ngành ngân hàng.

Doanh nghiệp lớn chưa đủ khả năng dẫn dắt thị trường

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ TP HCM cho rằng môi trường để thử nghiệm các sản phẩm công nghệ mới hiện còn rất thiếu. Hoạt động công nghệ thông tin tại TP HCM hiện nay thiếu các doanh nghiệp dẫn dắt thị trường, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn. 

"Việt Nam hiện tại có những doanh nghiệp lớn nhưng chưa thể dẫn dắt, điều đó làm cho phần lớn startup công nghệ thông tin chưa có phương hướng. Nếu tạo được một đô thị con, trong đó những ứng dụng mới đều có thể thử nghiệm một cách hài hòa sẽ tạo điều kiện cho các nghiên cứu và startup công nghệ phát triển", ông Dũng nói.

Đồng quan điểm, ông Phong thừa nhận trong quá trình phát triển, TP HCM đối mặt với nhiều những thách thức như kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng không thật sự bền vững, gia tăng dân số cơ học nhanh chóng, qui hoạch, quản lí đô thị và kết nối hạ tầng thành phố chưa đáp ứng sự phát triển của kinh tế đô thị.

Do đó, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng với trọng tâm dựa vào đổi mới sáng tạo, công nghệ tiên tiến là yếu tố bắt buộc với sự phát triển, nhằm đảm bảo cho thành phố giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.

TP HCM muốn có thêm ít nhất 1.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chiếm khoảng 5,12% sản phẩm nội địa - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP HCM phát biểu tại tại Ngày hội doanh nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo TP HCM 2019. Ảnh: Như Huỳnh.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP HCM, cho rằng công nghệ thông tin là một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển đột phá của TPHCM.

Hiện nay năng suất lao động của ngành công nghệ thông tin - truyền thông so với năng suất chung của TP HCM gấp 1,96%, đóng góp vào sản phẩm nội địa TP HCM là 4,44%, chiếm tỉ lệ xấp xỉ 3% số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố.

Nếu tăng thêm 1.000 doanh nghiệp cùng với khoảng 17.000 lao động công nghệ thông tin, ngành sẽ chiếm khoảng 5,12% sản phẩm nội địa TP HCM và sẽ trở thành ngành kinh tế chủ lực của thành phố.

Cũng theo ông Nhân, thành phố đang khuyến khích doanh nghiệp công nghệ thông tin phát triển, tạo ra các sản phẩm có giá trị, góp phần xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh và sáng tạo.

"Việc phát triển doanh nghiệp công nghệ thông tin là rất quan trọng. Sắp tới, thành phố xác định sự đóng góp của các ngành kinh tế gắn với khoa học công nghệ và có một cơ chế chính sách đặc thù là hình thành Khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố", ông Nhân cho hay.

TP HCM muốn có thêm ít nhất 1.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chiếm khoảng 5,12% sản phẩm nội địa - Ảnh 3.

Các sản phẩm công nghệ thông tin của doanh nghiệp tại Ngày hội doanh nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo TP HCM 2019. Ảnh: Như Huỳnh.

Chiếm 10% diện tích, 10% dân số, đây sẽ là nơi có mật độ cao nhất về công nghệ, nghiên cứu khoa học và đào tạo, vì có Khu công nghệ cao Đại học Quốc gia TP HCM và hơn 100.000 sinh viên.

Khu đô thị này sẽ dành 200 ha để xây dựng "thành phố tương lai" - nơi thử nghiệm các công nghệ mới chưa được lưu hành chính thức trong đời sống xã hội như xe bay, xe tự động. Đây cũng là nơi giới trẻ có thể dùng để phát triển những ý tưởng", ông Nhân chia sẻ.

Ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin truyền thông TPHCM nhấn mạnh thành phố đang có nhiều điều kiện tốt để phát triển ngành công nghệ thông tin như việc nỗ lực xây dựng, phát triển thành phố trở thành một đô thị thông minh, đẩy mạnh triển khai khu đô thị sáng tạo, nguồn nhân lực dồi dào, năng suất lao động cao.

Do đó, việc đưa công nghệ thông tin lọt vào nhóm ngành kinh tế trọng điểm của TP HCM là một nhiệm vụ quan trọng và mục tiêu có thêm ít nhất 1.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực này là khả thi, ông Đức nhận định.

Như Huỳnh

Vì sao thị trường chứng khoán Việt Nam bất ngờ giảm sâu phiên 24/5?
Theo nhà phân tích, hiện các yếu tố rủi ro có thể tác động trọng yếu đến thị trường chứng khoán là áp lực tỷ giá và lãi suất. Việc rung lắc tại vùng đỉnh cũ là bình thường. Quán tính giảm điểm của VN-Index có thể tạm thời chưa kết thúc, ngưỡng hỗ trợ gần quanh 1.240 – 1.250 điểm.