Các nhà đầu tư ngoại hào hứng đón đầu phát triển công nghệ ở Việt Nam
Một buổi chiều, Thanh Thuỷ, một cư dân 38 tuổi tại chung cư Kosmo Tây Hồ, bước ra khỏi quán cà phê ven đường để nhận hàng từ một nhân viên Giaohangnhanh. Cô không mang theo ví.
"Tôi chỉ mang theo smartphone khi ra ngoài thời gian gần đây", cô chia sẻ.
Thuỷ nằm trong số hàng triệu người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu ở Việt Nam. Với họ, thương mại điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.
"Chuyển đổi từ trả tiền khi nhận hàng (COD) sang nền kinh tế phi tiền mặt là một trong những cơ hội lớn nhất hiện hữu ở Việt Nam", ông Eddy Hong đến từ Nextrans, một nhà đầu tư Hàn Quốc vào công ty chuyển tiền Payway, nói.
Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, khoảng 70% trong số này dưới 35 tuổi, cùng tốc độ tăng trưởng GDP năm đạt gần 7%. Được đánh giá là một trong những thị trường nóng nhất Đông Nam Á của năm 2019, Việt Nam đón nhận một làn sóng các nhà đầu tư quan tâm để đón đầu tăng trưởng.
Nhà đầu tư ngoại ồ ạt xuất hiện
Yotaro Tokuo, một nhà đầu tư của công ty quỹ tư nhân Advantage Partners, nhìn nhận Việt Nam như một trong những điểm đến hấp dẫn nhất khu vực.
"Nền kinh tế của Việt Nam đã chạm đến một điểm cong quyến rũ để thu hút các nhà đầu tư quốc tế, song vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng nhanh trong tương lai. Cơ chế điều hành và văn hoá cũng rất cởi mở với các nhà đầu tư trực tiếp từ nước ngoài", ông nhận định.
Hạ tầng Internet tại Việt Nam cũng phát triển nhanh với mức độ phổ cập smartphone đạt 148% cùng thời lượng dùng dịch vụ di động lớn, theo GSMA Intelligence.
Đáng chú ý nhất trong hoạt động thu hút vốn tư nhấn là mảng công nghệ. Theo thống kê của DealStreetAsia, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào các công ty công nghệ trong 12 tháng qua đạt gần 500 triệu USD.
Các thương vụ đáng chú ý trong đó có thể kể đến Warburg Pincus rót đầu tư vào Momo, trong khi đó SoftBank và quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC đầu tư gần 300 triệu USD vào nền tảng thanh toán số VNPay.
"Ở quy mô khu vực, chúng tôi thấy nhiều quỹ tư nhân đang ngày càng quan tập đến lĩnh vực này", ông Trần Nhật Khanh, một đối tác của VinaCapital Ventures, nhánh đầu tư công nghệ của VinaCapital, nhận định.
"Công nghệ là một lĩnh vực phi biên giới khi nhiều ông lớn trong khu vực có thể tiếp cận thị trường Việt Nam dễ dàng hơn nhiều so với các ngành truyền thống. Vì thế, các nhà đầu tư trong nước có thể sẽ cảm thấy sức nóng trên chính sân nhà", ông nói thêm.
2019 là năm đánh dấu những thương vụ đầu tư của các công ty quỹ tư nhân quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.
Advantage Partners mở màn bằng vốn rót vào hãng bán lẻ thời trang Elise, và sau đó là TA Associates đầu tư cho MISA JSC và Kaizen Private Equity đầu tư vào YOLA. Baring Private Equity Asia cũng có dấu ấn đầu tiên ở Việt Nam bằng thương vụ mua lại Vietnam USA Society English Centres.
Những nhà đầu tư mạo hiểm lần đầu vào Việt Nam trong năm 2019 cũng khi nhận Mirae-Naver Growth Fund, InnoVen Capital, Golden Equator Capital, GGV Capital và RTP Global.
Đây cũng là một năm bận rộn cho các đơn vị quản lí quỹ, trong đó có thể kể đến quỹ đầu tư tập trung vào Việt Nam với dung lượng 250 triệu USD mang tên Mekong Enterprise Fund IV của Mekong Capital.
Cùng với đó là các quỹ được quản lí bởi Excelsior Capital Asia, ACA Investments, DT&Investments và FEBE Ventures. Hai cái tên sau cùng tập trung vào lĩnh vực công nghệ.
Một số công ty quỹ tư nhân vốn vẫn ưu tiên đầu tư truyền thống lại đang để ý đến ngành công nghệ của Việt Nam. "Chúng tôi đang lựa chọn các khoản đầu tư công nghệ mà chúng tôi tin rằng sẽ phát triển mạnh tại Việt Nam", Tokuo từ Advantage Partners chia sẻ.
TMĐT, fintech và logistic – ba cột trụ của ngành kinh tế Internet – nhận đầu tư mạnh.
Phần lớn đầu tư chính trong năm 2019 đổ vào thương mại điện tử, công nghệ tài chính và logistic. Dung lượng thị trường TMĐT ở Việt Nam trong năm 2019 ước đạt 4,6 tỉ USD, trước khi chạm mốc 23 tỉ USD vào năm 2025, theo báo cáo của Google, Temasek và Bain.
Việt Nam vẫn đang ở trong những ngày đầu của thương mại điện tử, ông JJ Ang, Giám đốc tài chính của Sendo, nhận định. Trong năm qua, Sendo và Tiki, công ty nhận được đầu tư của Northstar, thay nhau dành vị trí số hai trong bảng xếp hạng các sàn TMĐT được truy cập nhiều nhất tại Việ Nam sau Shopee.
Còn nhiều dư địa để phát triển, TMĐT được dự báo sẽ tiếp tục thu hút vốn và chủ yếu đến từ các tay chơi "trường vốn".
Ông Ang nói có những nhà đầu tư mạnh giúp Sendo tiếp tục tạo được sức ảnh hưởng. Sendo mới đây gọi thành công 61 triệu USD trong vòng Series C. Trước đó, Sendo gọi được 51 triệu USD trong năm 2018.
Cùng thời điểm, đầu tư vào logistics cũng tăng mạnh dù việc phát triển hạ tầng ví dụ như kết nối cảng với nhà kho hay các trung tâm logistics vẫn cần nhiều đầu tư mạnh hơn nữa.
Theo bà Phạm Khánh Linh, người đồng sáng lập và CEO của Logivan, sự phân mảnh và thiếu hiệu quả của ngành logistics truyền thống đang mang đến nhiều cơ hội. Năm 2019, Logivan và đối thủ EcoTruck đã nhận được 3,5 triệu USD đầu tư, theo số liệu công khai.
Trong năm nay, có 10 thương vụ vào startup giao hàng chặng cuối, dịch vụ theo yêu cầu và hệ thống quản lí logistics. Trong đó có thương vụ đầu tư của Temasek vào Giaohangnhanh và AhaMove của Scommerce. Giá trị thương vụ không được tiết lộ song DealStreetAsia nói rằng nó có thể chạm mốc 100 triệu USD.
Kì vọng đón đầu tăng trưởng trong giao dịch TMĐT, Scommerce bắt tay vào xây dựng cơ sở lưu trữ tự động hoá thứ hai với khả năng xử lý kỉ lục 40.000 đơn hàng mỗi giờ.
"Tăng đầu tư vào logistics, đặc biệt là logistics điện tử cho giao hàng chặng cuối, đi song hành với đầu tư và tăng trưởng ở mảng TMĐT", Jack Nguyen, người đứng đầu GrabExpress Vietnam, nói.
"Logistics điện tử rất quan trọng với thương mại điện tử bởi nó tương tác trực tiếp với khách hàng", ông nói thêm.
Dịch vụ giao hàng theo yêu cầu của Grab đã tích hợp nhà cung cấp dịch vụ giao hàng chặng cuối Ninja Van vào nền tảng ở Indonesia và Philippines. Kế hoạch tương tự sẽ sớm được thực hiện tại Việt Nam. Trong khi đó, startup Hong Kong GoGoVan cũng đã thành lập văn phòng tại Việt Nam và sẵn sàng đi vào hoạt động trong năm 2020.
2019 cũng là một năm vàng của fintech. Việt Nam theo đó đứng thứ hai trong khu vực về thu hút vốn đầu tư ở mảng này với tỉ trọng 36% vốn, chỉ xếp sau Singapore với 51% vốn, theo báo cáo của ngân hàng United Overseas Bank (UOB).
Thị trường thanh toán di động ở Việt Nam được dự đoán chạm mốc 70,9 tỉ USD cho tới năm 2025, tăng mạnh từ con số 16 tỉ USD của năm 2016, cũng theo UOB. Dân số chưa được ngân hàng phục vụ và tỉ lê người dùng di động cao khiến Việt Nam hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
Trong khi vốn vẫn dành nhiều cho mảng thanh toán, các mảng còn lại trong nhánh fintech như cho vay, tài chính cá nhân, công nghệ đầu tư, blockchain và công nghệ kế toán cũng thu hút nhiều chú ý.
"Chúng tôi thấy nhiều mô hình kinh doanh ở Hàn Quốc có thể có ý nghĩa ở Việt Nam". Martin Kim, phó giám đốc Shinhan Future's Lab Vietnam, nhận định. "Hệ sinh thái chúng tôi muốn xây dựng không chỉ dành cho startup mà còn hướng đến các tập đoàn và công ty vừa và nhỏ khi họ muốn phát triển nền tảng fintech riêng".
Sẽ có những hoài nghi
Dù vậy, ở các vòng gọi vốn tiếp theo, startup có thể đối mặt với sự hoài nghi lớn hơn của các nhà đầu tư. Các startup từng được rót đậm vốn như WeWork hay Uber đang khiến các nhà đầu tư thua lỗ khi định giá bay hơi.
"Sau cú sốc WeWork, chúng tôi thấy nhiều công ty ở Việt Nam thiếu vốn", ông Nguyễn Hoà Bình, chủ tịch NextTech Group và quỹ Next100, nói. "Tôi nghĩ khẩu vị đầu tư sẽ ưu tiên các mô hình có dòng tiền hiệu quả hoặc đã có lợi nhuận".
Bà Lê Hoàng Uyên Vy đến từ ESP Capital thì tỏ ra lạc quan hơn. Bà nói các startup Việt Nam bị định giá thấp so với những cái tên khác trong khu vực. "Chúng tôi không phủ nhận nhiều startup đang nhận được các vòng đầu tư lớn hơn trước. Tôi tin rằng nó thể hiện đúng giá trị thật của họ", bà nhấn mạnh.
Định giá cao có thể khiến các nhà đầu tư nhỏ, lẻ mất đi cơ hội nhưng nhiều người vẫn tin rằng hệ sinh thái công nghệ trẻ của Việt Nam ẩn chứa nhiều cơ hội.
"Mọi thứ đang chuyển đổi ở Việt Nam và có cơ hội lớn ở đây", Eddy Hong từ Nextrans nói. Công ty này đang mở rộng đầu tư ở các lĩnh vực B2B, TMĐT, marketing, bán lẻ và tuyển dụng.
Ở tương lai gần, công nghệ sức khoẻ, giáo dục, phân tích dữ liệu và công nghệ tích hợp cho các ngành truyền thống có thể là các xu hướng đầu tư công nghệ tiếp theo.
Hồi tháng 7, Kaizenvest đầu tư 10 triệu USD vào YOLA, một nhà cung cấp dịch vụ dạy ngoại ngữ của Việt Nam.
"Tốc độ tăng trưởng của ngành giáo dục ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất trong khu vực", Raj Shastri, một đối tác của Kaizenvest, nói. "Chúng tôi nhận ra sự cần thiết phải giới thiệu các công cụ giáo dục công nghệ vào các mô hình giáo dục truyền thống, vì thế chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm các công ty trong lĩnh vực này".