|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM: Kỳ vọng 'bứt phá' trong triển khai dự án hạ tầng giao thông

02:45 | 30/01/2022
Chia sẻ
Trong 10 dự án trọng điểm ở TP HCM dự kiến khởi công năm 2022, nút giao An Phú, Quốc lộ 50, tuyến nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa là những dự án lớn được thành phố kỳ vọng.

Trong năm 2021, TP HCM chịu tác động mạnh mẽ của dịch COVID-19. Nhiều công trình giao thông trên địa bàn gặp khó khăn do phải dừng thi công; công tác tập trung nhân lực, vận chuyển nguyên vật liệu tại các công trường cũng bị đình trệ.

Dù vậy, thành phố cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông trọng điểm, tạo động lực triển khai các dự án lớn trong năm 2022.

TP HCM: Kỳ vọng 'bứt phá' trong triển khai dự án hạ tầng giao thông - Ảnh 1.

Người dân di chuyển trên đường Cộng Hòa, khu vực cầu vượt Hoàng Hoa Thám. (Ảnh: Xuân Tình/TTXVN).

Những điểm sáng

Năm 2021, thành phố đạt chỉ tiêu đề ra về phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, với mật độ đường giao thông đạt 2,26 km/km2, tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 12,76%. 

Ngành giao thông vận tải đã hoàn thành, đưa vào khai thác các công trình như: xây dựng cầu Phước Lộc; đường Nguyễn Hữu Cảnh; nâng cấp, mở rộng đường Bùi Đình Túy (từ hẻm 304 đến đường Phan Văn Trị); sửa chữa, nâng cấp đường Phạm Văn Cội; xây dựng các cầu Cây Da, Chuối Nước, Rạch Kè, Rạch Kinh, cầu Bưng (nhánh 1); đưa vào hoạt động tuyến phà biển Cần Giờ-Vũng Tàu...

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số dự án chưa được đưa vào khai thác đúng như kỳ vọng. Tại huyện Hóc Môn, dự án mở rộng đường Đặng Thúc Vịnh từ 8m lên 30m đang được các nhà thầu thi công gấp rút những ngày giáp Tết.

Đây là tuyến đường huyết mạch kết nối Bình Dương với vùng ven TP HCM và đi vào khu vực trung tâm thành phố. Hiện nhiều đoạn tuyến đã được thảm nhựa, lát vỉa hè giúp người dân di chuyển dễ dàng trong những ngày Xuân.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, trú tại xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng đường Đặng Thúc Vịnh sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán như thông báo trước đó, nhưng dự án không "về đích" kịp do dịch bệnh phải dừng thi công thời gian dài. 

Dù vậy, những ngày giáp Tết, các đơn vị vẫn nỗ lực thi công, lát gạch vỉa hè, di dời cột điện, phủ một lớp nhựa mặt đường… nên cơ bản đi lại thuận lợi. Hy vọng với con đường mới, năm Nhâm Dần chúng tôi kinh doanh, buôn bán sẽ thuận lợi hơn.”

Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP HCM, ông Lương Minh Phúc cho biết, dù tiến độ các dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn của đơn vị năm vừa qua đạt 95,2% (tương đương các năm 2019, 2020). 

Đơn vị cũng đã khắc phục các ảnh hưởng này, đẩy nhanh tiến độ thi công sau giãn cách, hoàn thành và đưa vào khai thác, phục vụ người dân 19 gói thầu, dự án.

Cùng với những dự án hoàn thành, ngành giao thông cũng đã khởi công xây dựng tuyến đường gom thuộc đường dẫn cao tốc TP HCM -Trung Lương; cầu Mỹ Thủy 3 thuộc dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy; xây dựng công viên Thanh Đa; mở rộng, nâng cấp Tỉnh lộ 8 (đoạn từ cầu kênh N31A đến ngã tư Tân Quy); cầu Kênh Lộ; dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất khu đô thị thủ thiêm...

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, điểm nổi bật được ngành giao thông thực hiện trong năm vừa qua là tham mưu UBND TP trình Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua chủ trương đầu tư nút giao thông An Phú, mở rộng Quốc lộ 50; thông qua Nghị quyết đồng thuận đề xuất thực hiện dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài. 

Ngoài ra, sở cũng đã tham mưu, đề xuất UBND thành phố cơ chế, chính sách và kế hoạch huy động các nguồn lực để đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách thuộc lĩnh vực giao thông.

Nhiều công trình lớn sẽ được triển khai

Trong năm 2022, thành phố sẽ thực hiện công tác chuẩn bị khởi công nhiều dự án lớn cho giai đoạn 2022-2025. Trong 10 dự án trọng điểm ở TP HCM dự kiến khởi công năm 2022, nút giao An Phú, Quốc lộ 50, tuyến nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa là những dự án lớn được thành phố kỳ vọng.

Nút giao An Phú ở thành phố Thủ Đức là nơi giao nhau giữa ba trục giao thông lớn gồm cao tốc TP HCM-Long Thành-Dầu Giây, đại lộ Mai Chí Thọ và đường Lương Định Của. 

Dự án có tổng vốn đầu tư 3.926 tỷ đồng, quy mô ba tầng gồm hầm chui hai chiều nối cao tốc TP HCM-Long Thành-Dầu Giây qua tuyến Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống; mặt đất xây đảo, tiểu đảo; trên cao làm hai cầu vượt.

Dự án mở rộng Quốc lộ 50, đoạn qua huyện Bình Chánh với tổng đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, sẽ triển khai trên đoạn tuyến dài gần 7km, mở rộng lên 34m. 

Dự án chia làm hai đoạn, với đoạn một dài hơn 4,3 km xây tuyến đường mới song hành với Quốc lộ 50, đoạn còn lại dài hơn 2,5 km mở rộng đường hiện hữu. Công trình này sẽ góp phần giải quyết điểm đen giao thông tại khu vực này.

TP HCM: Kỳ vọng 'bứt phá' trong triển khai dự án hạ tầng giao thông - Ảnh 2.

Dự án đường nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa được quy hoạch đầu tư đồng bộ với Nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN).

Trong khi đó, đường nối Trần Quốc Hoàn-Cộng Hoà (quận Tân Bình) có tổng vốn đầu tư 4.800 tỷ đồng, dự kiến khởi công quý II năm nay. Đây là dự án được mong chờ giải quyết áp lực giao thông quanh sân bay Tân Sơn Nhất, đặc biệt khi nhà ga T3 đưa vào khai thác. Đường nối dài 4km, tuyến chính rộng 25-48 m cho 6 làn xe, vận tốc 50km/h.

Cùng với công trình trên, năm 2022 ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất, các đơn vị cũng nỗ lực khởi công mở rộng đường Hoàng Hoa Thám và cải tạo đường Cộng Hòa.

"Tới đây có niềm vui rất lớn là khởi động các dự án như Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP HCM-Mộc Bài, cũng như các dự án  trọng điểm Quốc lộ 50, nút giao An Phú, đường nối Trần Quốc Hoàn, tuyến xe buýt xanh... 

Ban Giao thông quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ này, lấy ứng dụng công nghệ thông tin, giải phóng mặt bằng, kiểm tra giám sát làm khâu đột phá," ông Lương Minh Phúc chia sẻ.

Bên cạnh đó, 5 dự án giao thông khác sẽ được chủ đầu tư khởi công sắp tới là mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý; mở rộng, nâng cấp đường Trần Văn Mười; xây cầu Rạch Kinh; kè chống sạt lở bờ sông khu vực cầu Giồng Ông Tố. Ban Giao thông sẽ hoàn thành cầu Bưng mới; đường và kênh Nước Đen; xây dựng hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất ở khu Thủ Thiêm...

Tại buổi triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Sở Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Hòa Bình đề nghị ngành giao thông vận tải tập trung chỉ đạo hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng; phấn đấu khởi công một số công trình trọng điểm là đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, Quốc lộ 50, nút giao thông An Phú...

"Năm 2022 là một năm ngành giao thông vận tải cần nỗ lực 200% để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI thông qua," ông Bình nhấn mạnh.

Trên cơ sở này, Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết, sẽ rà soát, tham mưu trình UBND, Hội đồng Nhân dân thành phố bổ sung, điều chỉnh kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn năm 2022 đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng giao thông và khả năng nguồn vốn của thành phố. 

Tổ chức thực hiện tốt việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển (bắt đầu thu phí từ ngày 1/4). Đây được xem là nguồn lực quan trọng tái đầu tư cho hạ tầng giao thông khu vực kết nối cảng biển.

Ngoài ra, Sở sẽ chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư các công trình giao thông trọng điểm. Quan tâm đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy để kết nối liên hoàn với hệ thống giao thông đường bộ, trở thành một trong những bộ phận chủ yếu của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Năm 2022, ngành giao thông vận tải thành phố đặt mục tiêu phát triển tăng thêm khoảng 41 km chiều dài đường, tăng thêm 18 cầu, diện tích đường tăng thêm khoảng 682.000 m2... Trong điều kiện nguồn lực đầu tư hạn chế, ngành giao thông vẫn được kỳ vọng "đi trước mở đường", để cùng thành phố phục hồi kinh tế và phát triển.

Tiến Lực