|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

TP HCM kêu gọi người Thủ Thiêm ở Hà Nội về đối thoại

06:52 | 05/07/2019
Chia sẻ
UBND TP HCM vừa kiến nghị Thanh tra Chính phủ (TTCP) và Ban Tiếp công dân Trung ương giải thích, thuyết phục các hộ dân trở về địa phương làm việc với cơ quan chức năng về các khiếu nại liên quan dự án Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm, quận 2.

Chính quyền thành phố đang phối hợp TTCP để kiểm tra, làm rõ các nội dung này. Dự kiến cuối tháng 7 thành phố tổ chức đối thoại với các hộ dân.

Động thái này được đưa ra sau 3 tháng Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo UBND TP HCM phối hợp TTCP và các bộ ngành giải quyết khiếu nại của người dân. Họ cho rằng phần đất tại 5 khu phố thuộc phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh (quận 2) nằm ngoài ranh quy hoạch; chứ không chỉ khu 4,3 ha (thuộc khu phố 1, phường Bình An) như quan điểm của TTCP trong thông báo 1483 năm 2018.

TP HCM kêu gọi người Thủ Thiêm ở Hà Nội về đối thoại - Ảnh 1.

Nhiều hộ dân cho rằng cả 5 khu phố thuộc 3 phường đều nằm ngoài ranh quy hoạch chứ không chỉ 4,3 ha. Ảnh: Hữu Khoa.

Dù TP HCM tổ chức nhiều đợt tiếp xúc các hộ dân để trao đổi về hướng giải quyết các sai phạm từ thời kỳ trước, song khá đông người không đồng ý với quan điểm của TTCP, yêu cầu chính quyền thành phố khắc phục.

Họ thường xuyên đến nhà riêng của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và trụ sở các cơ quan Trung ương tại Hà Nội căng biểu ngữ, phát loa khiếu kiện, yêu cầu TTCP công khai quy hoạch; thành phố xây dựng Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm không đúng ranh quy hoạch 770 ha; không thực hiện xây dựng khu tái định cư 160 ha đã được Thủ tướng phê duyệt năm 1996.

Những hộ dân này cũng cho rằng, trong quá trình làm việc, tổ kiểm tra của TTCP không đối thoại với họ; không làm rõ nội dung diện tích đất thu hồi tại 5 khu phố thuộc phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh (quận 2); đề nghị Thủ tướng thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra toàn diện dự án và làm rõ nội dung khiếu nại tố cáo của công dân liên quan các sai phạm trong quy hoạch và thu hồi đất.

Ngoài ra, người dân cũng tố cáo một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo UBND thành phố và UBND quận 2 có nhiều sai phạm trong việc thực hiện dự án; đề nghị giải quyết sớm quyền lợi cho 115 hộ dân ra Hà Nội khiếu kiện từ trước đến nay để ổn định cuộc sống.

TP HCM kêu gọi người Thủ Thiêm ở Hà Nội về đối thoại - Ảnh 2.

Người dân Thủ Thiêm trong những lần đối thoại với chính quyền TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa.

Bắt đầu triển khai quy hoạch từ năm 1996KĐTM Thủ Thiêm tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện quận 1 (cách 300 m đường chim bay), được kỳ vọng đẹp nhất Đông Nam Á. Đây là trung tâm hiện đại và mở rộng của TP HCM với có các chức năng về tài chính, văn hoá, thương mại, dịch vụ cao cấp, nghỉ ngơi, giải trí...

KĐTM Thủ Thiêm với quy mô 930 ha (trong đó: Khu đô thị mới 770 ha, Khu tái định cư 160 ha), dân số khoảng 200.000 người, khu tái định cư khoảng 45.000 người. Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm được chia làm 5 khu vực chính gồm: Khu vực "lõi trung tâm" chính, khu dân cư phía Bắc, khu dân cư dọc đại lộ Mai Chí Thọ, khu dân cư phía Đông và khu châu thổ phía Nam.

Hiện, dự án đã giải phóng hơn 99% mặt bằng nhưng vẫn còn hơn 100 hộ dân khiếu nại từ thành phố đến Trung ương gần 10 năm qua.

Ngày 15/5/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao TTCP làm rõ khiếu nại của người dân với tinh thần "sai thì cương quyết sửa".

Ngày 7/9/2018, TTCP có thông báo 1483 công bố hàng loạt sai phạm của UBND TP HCM và các bộ, ngành liên quan trong quá trình triển khai dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm như thu hồi sai 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch; giao đất trong khu vực được quy hoạch tái định cư cho 51 doanh nghiệp làm dự án...

Mới đây, hôm 26/6, TTCP tiếp tục chỉ ra một loạt sai phạm khác về kinh tế của chính quyền TP HCM và các sở ngành tham mưu; yêu cầu thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng bị cho là tạm ứng sai quy định, duyệt tổng mức đầu tư các dự án hạ tầng BT không đúng quy định...

Hữu Nguyên

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.