|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM đẩy mạnh chống thất thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử

00:13 | 29/12/2021
Chia sẻ
Đại dịch COVID-19 khiến thói quen tiêu dùng của người dân thay đổi và đây cũng là cơ hội cho thương mại điện tử lên ngôi.

Nhận thấy đây là đối tượng ít chịu tác động nhất của đại dịch, ngành Thuế TP HCM đã hướng trọng tâm vào đối tượng này trong việc chống thất thu thuế.

Tại hội nghị triển khai công tác năm 2022 của Cục Thuế TP HCM tổ chức chiều 28/12, ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế thành phố cho biết: Trong năm 2022, ngành thuế thành phố sẽ tăng cường các biện pháp quản lý thu thuế, chống thất thu thuế đối với hộ kinh doanh.

Trong đó, tập trung vào lĩnh vực có rủi ro cao về thuế, lĩnh vực có dư địa thu lớn, tập trung lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử; cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng vốn, bất động sản, thừa kế, cổ phiếu….

Thời gian qua, Cục Thuế đã tập trung quản lý, khai thác thu từ hoạt động thương mại điện tử với một số giải pháp chính. 

Cụ thể, Cục Thuế đã xây dựng cơ chế cung cấp thông tin của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, dịch vụ giao hàng, nhất là các doanh nghiệp có cung cấp giao hàng có thu hộ tiền bán hàng (COD) của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo… cho cơ quan thuế.

Đơn vị này cũng đã phối hợp với Sở Công thương, Sở Thông tin truyền thông, các ngân hàng thương mại để lấy thông tin của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử bán hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử. 

Phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn đề nghị cung cấp dữ liệu dòng tiền giao dịch chuyển từ nước ngoài về cho các tổ chức, cá nhân trong nước có nhận thu nhập từ các tổ chức nước ngoài như Google, Apple, Netflix… do cung cấp dịch vụ trên các nền tảng số.

Song song đó, ngành thuế cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại có trách nhiệm khấu trừ thuế phải nộp của các tổ chức nước ngoài là các trang mạng xã hội nước ngoài có phát sinh thu nhập tại Việt Nam do cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google (dịch vụ quảng cáo…); Apple (dịch vụ lưu trú dữ liệu đám mây, dịch vụ nghe nhạc trực tuyến…); Netflix (dịch vụ xem phim trực tuyến); Agoda, Booking.com… dịch vụ đặt phòng trực tuyến trước khi chuyển tiền ra nước ngoài theo quy định.

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Chí Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng lưu ý trong năm 2022 ngành thuế thành phố cần đẩy mạnh công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế ở lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh qua mạng; đảm bảo các nhà cung cấp nước ngoài kê khai, nộp thuế đầy đủ vào ngân sách nhà nước. Qua đó, tạo sự công bằng giữa những người sản xuất, kinh doanh, tạo nên một môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Theo Cục Thuế TP HCM, tính đến hết tháng 6/2021, Cục Thuế thành phố đã thu thập được dữ liệu của các tổ chức cá nhân kinh doanh thương mại điện tử thuê giao hàng có thu hộ tiền hàng trong năm 2017 và 2018 là 14.686 tổ chức và cá nhân, với tổng số tiền thu hộ lên tới 15.090 tỷ đồng. 

Cục Thuế thành phố hiện đang triển khai xác định tình trạng kê khai, nộp thuế của các tổ chức, cá nhân trong dnah sách và sẽ yêu cầu giải trình và xử lý theo quy định đối với những trường hợp chưa kê khai nộp thuế.

Trong năm 2020 và 3 tháng đầu năm 2021, 4 ngân hàng thương mại cung cấp cho cơ quan thuế 4.784 tổ chức, cá nhân có thu nhập phát sinh từ Google, Facebook, YouTube, Netflix, Apple với tổng số tiền từ nước ngoài là 48 triệu USD và 20 tỷ đồng.

Cục Thuế đã làm việc với các công ty đối tác tại Việt Nam (thường gọi là MCN - Multi Channel Network, hệ thống mạng lưới đa kênh) làm nhiệm vụ quản lý các kênh YouTube tự sản xuất nội dung số và có chi hộ tiền của Google cho các cá nhân là các YouTuber tại Việt Nam. Kết quả số lượng cá nhân MCN đã khấu trừ 3.101 người với tổng doanh thu 379 tỷ đồng, số tiền thuế đã khấu trừ là 20 tỷ đồng.

Tại các địa bàn trọng điểm, công tác chống thất thu thuế đối với doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cũng được đẩy mạnh thực hiện trong thời gian gần đây.

Đại diện Chi cục Thuế Quận 1 cho biết, qua thống kê, cơ quan thuế đã xác định 2/7 công ty vận hành các ứng dụng giao đồ ăn lớn và 1/5 công ty điều hành các sàn thương mại điện tử trên địa bàn quận; đồng thời xác định 1.600 đơn vị có website kinh doanh thương mại điện tử có đăng ký với Bộ Công thương. Đơn vị này đã đưa 470 công ty vào kế hoạch chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và yêu cầu 3 đơn vị vận hành các ứng dụng cung cấp dữ liệu liên quan cá nhân, tổ chức phát sinh doanh thu bán hàng.

Đáng chú ý, tại 2 đơn vị ứng dụng đặt món ăn ghi nhận có 5.247 cá nhân, tổ chức có địa chỉ trên địa bàn Quận 1 trong năm 2020 có phát sinh doanh thu 663 tỷ đồng; trong năm 2021 có 4.635 cá nhân, tổ chức phát sinh doanh thu 515 tỷ đồng.

Trong quá trình triển khai, Chi cục Thuế Quận 1 ghi nhận việc phát sinh doanh thu từ các ứng dụng vượt quá 50% so với doanh thu mà hộ kinh doanh đã kê khai các niên độ trước. Cơ quan này vừa có công văn đề nghị Cục Thuế TP HCM hướng dẫn việc kê khai bổ sung với các hộ kinh doanh. Đồng thời, kiến nghị việc triển khai đồng bộ trên địa bàn thành phố nhằm tránh chuyển địa bàn khi bị cơ quan thuế kiểm tra.

H.Chung