|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM đang bị lún trên diện rộng

10:29 | 05/08/2019
Chia sẻ
TP HCM đang phải đối mặt với nguy cơ lún đất mặt tăng nhanh. Hệ quả của vấn đề này không những khiến cho hạ tầng thành phố kém bền vững mà còn tăng nguy cơ ngập lụt, nhất là trong bối cảnh lượng mưa của thành phố đang diễn biến bất thường, vũ lượng lớn cộng với mức triều cường tăng cao.

tphcm

Khai thác nước ngầm sử dụng sinh hoạt tại huyện Bình Chánh. Ảnh: THÀNH TRÍ.

Lo với tốc độ lún đất mặt tăng nhanh

Phân tích về tốc độ lún bề mặt đất trên địa bàn TPHCM, nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đều khẳng định, bề mặt đất lún trên diện rộng và không đồng đều tại các quận. Cụ thể, nghiên cứu do TS Lê Văn Trung thực hiện đã chỉ rõ, khu vực các quận 2, 7 và Bình Thạnh, bề mặt đất lún biến dạng khoảng hơn 20cm. Ở mức 15 - 20cm là các quận 1, 3, 4, 5, 8, 12, Gò Vấp và huyện Bình Chánh. 

Thấp hơn ở mức 10 - 15cm là các quận 6, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Thủ Đức. Huyện có mức biến dạng bề mặt ít nhất là huyện Hóc Môn với mức lún 5 - 10cm. Riêng huyện Củ Chi thì có hiện tượng bồi đắp cao hơn.

Kết quả này khá tương đồng với nhiều kết quả nghiên cứu do các cơ quan chức năng trong và ngoài nước đã thực hiện. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là kết quả nghiên cứu gần đây do Tập đoàn CLS của Pháp thực hiện từ năm 2015 đến 2017 cho thấy việc lún bề mặt đất trên địa bàn thành phố hiện không có dấu hiệu dừng lại.

Thậm chí, tốc độ lún còn tiếp tục tăng nhanh theo từng năm. Tùy theo khu vực mà tốc độ lún bề mặt đất giao động 0,04 - 6,87cm/năm, trung bình lún là 1,11cm/năm.

Ở góc độ khảo sát của Bộ TN-MT, tốc độ lún còn được chi tiết hơn cho từng quận. Trong đó, khu vực có tốc độ lún trung bình cao nhất là phường An Lạc, quận Bình Tân với 6,8cm/năm. Kế đến là các quận 2, 6, 8, Thủ Đức, các  huyện Bình Chánh, Nhà Bè.

Lý giải nguyên nhân vấn đề này, ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, cho biết nguyên nhân một phần là do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, kết hợp với tình trạng khai thác nước dưới đất quá mức. 

Trên địa bàn TPHCM, hầu hết bề mặt đất đều phủ hạ tầng giao thông, tòa nhà và các công trình xây dựng khác. Điều này đã làm hạn chế rất lớn khả năng thẩm thấu nước mặt, nhất là nước mưa xuống lòng đất nhằm bổ cập lại cho nguồn nước ngầm.

Trong khi đó, lượng nước ngầm lại đang bị khai thác quá mức để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và xây dựng. Tác động kép này đã khiến cho nguồn nước ngầm ngày càng kiệt quệ, tạo khoảng rỗng trong lòng đất và làm đất mặt lún nhanh. 

Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khách quan là do kiến tạo địa chất của thành phố vốn nền đất yếu, đầm lầy và hệ thống kênh rạch chằng chịt.

Dừng cấp phép khai thác nước ngầm theo lộ trình

Trước tình trạng đó, để góp phần giảm nguy cơ lún bề mặt đất của thành phố, Bộ TN-MT đã khuyến cáo TPHCM thực hiện điều tra, khoanh vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. Trước hết, tập trung khoanh định các khu vực cần hạn chế khai thác quá mức. 

Ngoài ra, để từng bước hạn chế khai thác nước dưới đất, cần tập trung đầu tư xây dựng đủ hệ thống cấp nước khai thác từ nguồn nước mặt đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất cho người dân và doanh nghiệp. Ở góc độ công trình, cần phải nâng cấp xây dựng hệ thống giám sát hoạt động khai thác nước dưới đất để theo dõi, phát hiện các công trình khai thác nước dưới đất bị suy giảm quá mức và kịp thời xử lý.

Liên quan đến vấn đề này, Sở TN-MT TPHCM cho biết, hiện tổng lượng nước ngầm trên địa bàn thành phố khai thác trung bình hơn 700.000m³/ngày đêm. Theo đó, hộ dân khai thác hơn 300.000m³, còn lại là doanh nghiệp sản xuất và các đơn vị cấp nước của thành phố.

Thời gian qua, để hạn chế việc khai thác nước dưới đất, sở đã tham mưu cho UBND TP ban hành kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố đến năm 2025. 

Theo đó, tập trung giảm khai thác nước ở các nhóm đối tượng chính là hộ gia đình, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp hoạt động trong và ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp và các công trình khai thác của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco).

Hiện các đối tượng trên đã được hướng dẫn xây dựng lộ trình giảm sử dụng nước ngầm và chuyển sang sử dụng nguồn nước khác thay thế. Với những doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, nếu hết hạn được cấp phép khai thác nước dưới đất thì sẽ không được cấp phép lại. 

Riêng với các nhà máy khai thác của Sawaco, đến năm 2025 chỉ được cấp phép khai thác ở lưu lượng nhất định là 30.000m³/ngày (phục vụ các trạm cấp nước an toàn của thành phố) và 28.000m³/ngày (phục vụ tưới tiêu và chăn nuôi của các hộ dân tại các huyện ngoại thành). 

Tuy nhiên, về lâu dài sẽ cấm khai thác nước dưới đất để bảo vệ địa tầng khi hệ thống cấp nước thành phố được hoàn thiện hơn, giúp giảm thiểu nguy cơ sụt lún và ngập lụt trên địa bàn TPHCM.

Minh Xuân