|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

TP HCM chặn tình trạng dùng căn hộ đã bán để thế chấp ngân hàng

20:22 | 21/03/2017
Chia sẻ
TP HCM vừa chấp thuận đề xuất của Sở Tư pháp về các biện pháp để ngăn chặn tình trạng một số chủ đầu tư dùng các căn hộ đã bán cho khách hàng để thế chấp các khoản vay ngân hàng.
tp hcm chan tinh trang dung can ho da ban de the chap ngan hang
Ảnh minh họa.

Theo Văn phòng UBND TP HCM, trường hợp chủ đầu tư chưa thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung thế chấp (rút bớt tài sản) trước khi bán nhà ở đã thế chấp, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ yêu cầu chủ đầu tư có văn bản thỏa thuận về việc thay đổi nội dung thế chấp với tổ chức tín dụng.

Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP HCM sẽ tạo điều kiện cho các bên đàm phán rút bớt tài sản thế chấp để hỗ trợ người mua nhà được cấp giấy chứng nhận.

Sau khi có kết quả đăng ký thay đổi nội dung thế chấp, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với UBND quận, huyện thực hiện cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà đã thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính đối với chủ đầu tư và nhận bàn giao nhà.

Trường hợp chủ đầu tư có tài sản riêng chưa được chứng nhận sở hữu, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ xem xét, cấp giấy chứng nhận đối với phần tài riêng này.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM sẽ yêu cầu tổ chức tín dụng và chủ đầu tư sử dụng tài sản riêng khác để thay thế cho căn hộ mà chủ đầu tư đã bán, nhằm giải chấp, tạo điều kiện cho việc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

Trường hợp chủ đầu tư cố tình không thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi (rút bớt tài sản thế chấp), Sở Xây dựng sẽ kiểm tra việc kinh doanh bất động sản của chủ đầu tư và xử lý đối với các vi phạm hành chính.

Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với UBND các quận, huyện hướng dẫn cá nhân, tổ chức khởi kiện chủ đầu tư, yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc hủy hợp đồng.

Linh Lê

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.