|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Toyota sa thải 1.000 lao động tại Trung Quốc

18:02 | 25/07/2023
Chia sẻ
Tình hình thị trường ảm đạm là nguyên nhân chính khiến Toyota cắt giảm 1.000 việc làm tại nhà máy ở Trung Quốc.

Tờ Nikkei Asia cho biết hãng ô tô Nhật Bản Toyota Motor đã cắt giảm 1.000 việc làm tại công ty con của mình ở Trung Quốc. Việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm tốc đã dẫn tới doanh số bán xe tại thị trường này trở nên yếu ớt, khiến các hãng xe càng thêm khó khăn.

GAC Toyota, công ty con của Toyota tại Trung Quốc, cũng là một liên doanh với tập đoàn ô tô Quảng Châu, cho biết họ đã chấm dứt hợp đồng lao động của khoảng 1.000 nhân viên trước thời hạn. 

Toyota giải thích rằng quyết định này được đưa ra dựa trên "tình hình sản xuất hiện tại”. Tính đến cuối tháng 6/2023, GAC Toyota có 19.000 nhân viên. Số nhân viên bị sa thải chiếm khoảng 5% lực lượng lao động của doanh nghiệp.

Toyota cho biết sẽ bồi thường cho những người bị sa thải theo đúng pháp luật và giúp họ tìm công việc mới.

 Nhà máy Toyota tại Trung Quốc. (Ảnh: Yusuke Hinata/Nikkei).

Ngày 6/7, Toyota cho biết doanh số bán hàng luỹ kế trong 6 tháng đầu năm của hãng tại Trung Quốc giảm gần 3% so với cùng kỳ năm trước, xuống 879.400 chiếc. Trong nửa cuối năm ngoái, Trung Quốc áp dụng chính sách hỗ trợ giảm một nửa đối với một số loại thuế dành cho xe xăng. Đây được coi là động lực tăng trưởng lớn cho các nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản như Toyota.

Tuy nhiên, sang đến năm nay, chính sách này đã hết hiệu lực và ảnh hưởng tới doanh số bán hàng của Toyota. Trong khi đó, nhu cầu về xe điện đang tăng nhanh ở Trung Quốc, một phần do chính sách vĩ mô của nước này và thị trường trở thành chiến trường khốc liệt giữa những gã khổng lồ trong nước như BYD và các đối thủ nước ngoài như Tesla của Mỹ.

Các nhà sản xuất Nhật Bản đã chậm chân trong cuộc đua điện khí hóa, do đó giờ đây họ phải thay đổi dòng sản phẩm cũng như cải cách cơ cấu chi phí là điều không thể tránh khỏi.

Đức Huy

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.