|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc đổ bộ của các hãng xe Trung Quốc

17:11 | 25/07/2023
Chia sẻ
Trong những năm gần đây, các hãng ô tô Trung Quốc cho thấy sự nghiêm túc khi tiếp cận thị trường Việt Nam.

Trong giai đoạn 2020-2022 là khoảng thời gian nhiều hãng thích nghi với hoàn cảnh khi cho ra mắt nhiều mẫu xe và sản phẩm bằng phương thức online. Trong đó nửa cuối 2021 đầu 2022 chứng kiến sự bùng nổ của những mẫu xe mới có mặt tại Việt Nam.

Trong năm 2023 do hạn chế về chi phí và lượng sản phẩm mới không còn nhiều khiến nhiều hãng đẩy kế hoạch truyền thông vào các sự kiện lái thử và khuyến mại. 

Tuy nhiên, báo cáo từ oto.com.vn nhận định giai đoạn 2023-2024 sẽ chứng kiến sự tham gia của nhiều hãng xe đến từ Trung Quốc. Trong đó, nửa cuối năm 2023 dự kiến sẽ có 4 thương hiệu từ Trung Quốc gia nhập thị trường Việt Nam là Wuling, Haval, Haima, Jaecoo & Omoda (Chery). 

Ở lần tham gia này, dù là mới hoàn toàn hay trở lại sau một thời gian vắng mặt, các thương hiệu Trung Quốc đều cho thấy được sự nghiêm túc với thị trường Việt Nam. 

Đơn cử, Wuling mang mẫu xe điện giá rẻ bán chạy nhất Trung Quốc đến Việt Nam, mở ra phân khúc mới hoàn toàn. Trong khi đó, Haval mang H6 vốn là mẫu xe đứng đầu về doanh số tại Trung Quốc, H6 cũng là mẫu xe đã tạo tiếng vang tại Thái Lan khi doanh số vượt mặt đối thủ lâu đời tại thị trường này là Honda CR-V.

Hay như MG, một hãng ô tô có vốn xuất phát từ Vương quốc Anh, hiện thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc, chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam từ năm 2021 đến nay. Mẫu xe đáng chú ý nhất của hãng này là MG5, có giá từ 523 đến 588 triệu đồng, nằm ở phân khúc xe hạng C cạnh tranh với các đối thủ như Hyundai Elantra và Kia K3.

Đầu năm ngoái, hãng xe Trung Quốc Hongqi (Hồng Kỳ) cũng đã có màn giới thiệu ra mắt thương hiệu tại Việt Nam. Hongqi là thương hiệu ô tô trực thuộc FAW Group Trung Quốc. Hãng xe này giới thiệu tới thị trường Việt Nam hai mẫu xe hoàn toàn mới là Hongqi H9 (giá 1,508 – 2,688 tỷ đồng) và xe điện Hongqi E-HS9 (giá 2,768 - 3,688 tỷ đồng). 

Trong đó, mẫu sedan hạng sang cỡ lớn Hongqi H9 cạnh tranh với Mercedes-Benz S-Class hay BMW 7-Series tại Việt Nam.

 Omoda 5, một mẫu xe Trung Quốc dự kiến sẽ được mở bán tại Việt Nam. (Ảnh: Paultan).

Thực tế, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, Trung Quốc cũng là quốc gia xếp thứ ba về số lượng xe nhập khẩu về Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay với 5.849 chiếc, đạt giá trị 224,7 triệu USD.

Hiện tại, doanh số thị trường ô tô Việt Nam đang bị thống trị bởi các thương hiệu xe đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Đa số các hãng xe trên thị trường đều có những mẫu xe chủ lực đóng góp phần lớn vào doanh số. 

Trong khi Toyota có Vios, Corolla Cross thì hãng xe Hàn Hyundai doanh số tập trung rải đều ở các mẫu xe như Accent, i10 hay Tucson và Santa Fe. Một số hãng xe tuy ít sản phẩm hơn những vẫn có một sản phẩm chiến lược như Ford có Ranger hay Mitsubishi có Xpander. Điểm giống nhau, các sản phẩm này cũng đứng đầu trong phân khúc của nó. 

Tại Việt Nam, Kia là thương hiệu hiếm hoi có dải sản phẩm dàn trải với nhiều mẫu xe doanh số không quá chênh lệch. Những hãng còn lại chỉ có một hoặc hai mẫu xe làm nhiệm vụ đóng góp doanh số chính. 

Trong 6 tháng đầu năm, với hai cái tên lớn của Hàn Quốc, các mẫu xe chủ lực có sự thay đổi khi Hyundai có sự góp mặt của cái tên mới là Creta vươn lên trở thành mẫu xe bán chạy thứ hai của hãng này thay thế cho SantaFe hay Grand i10. 

Trong khi đó Kia có sự vươn lên của hai mẫu xe gầm cao cỡ A và B là Sonet và Seltos thay vì K3 như trước đây. Việc này cũng cho thấy nhóm xe cỡ nhỏ gầm cao đang dành được nhiều sự quan tâm hơn từ thị trường.

Với Toyota, Vios sau một thời gian đã nhường vị trí chủ lực cho gương mặt mới là Corolla Cross. Thậm chí hai mẫu xe gầm cao khác của Toyota là Veloz và Avanza có doanh số tổng còn vượt cao hơn cả Vios, điều này một lần nữa chứng minh sức nóng của phân khúc gầm cao - đa dụng.

Đức Huy