|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Top10 tăng/giảm tuần 19 - 23/10: Nhóm penny, midcaps nổi sóng

08:45 | 25/10/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán tuần qua (19 - 23/10) chứng kiến mã AMD cùng cổ phiếu "họ FLC" nổi sóng trên HOSE. Trong khi đó, tâm điểm về sự tăng giá trên sàn HNX là các cổ phiếu vốn hoá nhỏ và siêu nhỏ.

Thị trường chứng khoán tuần qua (19 - 23/10) tiếp tục có khởi sắc, đặc biệt là VN-Index bật tăng 11 điểm trong hai phiên cuối tuần. Đóng cửa phiên 23/10, VN-Index dừng tại mốc 961,26 điểm, tương đương tỉ lệ tăng 1,9% và đánh dấu tuần thứ 6 tăng liên tiếp. Trong khi đó, HNX-Index tăng 1,34% lên 141,7 điểm so với tuần trước.

Cổ phiếu AMD nổi sóng trên HOSE, MCP có dấu hiệu phân phối

Xu hướng cổ phiếu tăng giá chiếm ưu thế trên sàn HOSE. Cụ thể, sàn này ghi nhận 249 mã tăng giá, áp đảo so với 161 mã giảm giá và 59 mã đứng giá tham chiếu.

Kéo dài chuỗi phiên tăng trần từ tuần trước, cổ phiếu TTE của Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh dẫn đầu về tỉ lệ tăng giá với 4/5 phiên tăng trần, chốt phiên 23/10 tại 11.000 đồng/cp. 

Trước đó, mã này đã trải qua nhịp lao dốc từ vùng đỉnh 19.000 đồng/cp hồi giữa tháng 8 xuống còn 7.700 đồng/cp cùng khối lượng khớp lệnh chỉ vài chục đơn vị mỗi phiên.

Cùng với nhóm cổ phiếu "họ FLC", mã AMD của Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone nổi sóng trên HOSE, đặc biệt tăng kịch trần lên 3.020 đồng/cp và trắng bên bán trong phiên giao dịch cuối tuần. 

Một số cổ phiếu pennny khác như VAF, TVB, CMV, TCO cũng ghi nhận tuần giao dịch tích cực với tỉ lệ tăng giá dưới 20%. Tại nhóm vốn hoá trung bình, CSM và CSV là hai cổ phiếu cuối cùng lọt top tăng giá với tỉ lệ tăng lần lượt là 13,07% và 12,57%. 

Top10 tăng/giảm tuần 19 - 23/10: AMD gây ấn tượng, nhiều cổ phiếu bước vào giai đoạn phân phối - Ảnh 1.

Nguồn: LG tổng hợp từ FiinPro

Sau thời gian tăng nóng lên vùng đỉnh lịch sử 35.200 đồng/cp, cổ phiếu MCP của In và Bao bì Mỹ Châu có dấu hiệu bước vào giai đoạn phân phối khi giảm 24,58% tuần qua với ba phiên giảm và hai phiên giảm sàn. 

Diễn biến tương tự, cổ phiếu DTL của Đại Thiên Lộc cũng mất tới 11,39% giá trị sau khi đứng đầu top tăng giá trên HOSE trong tuần trước. Ngoài ra, cổ phiếu PTB và TDP đã bắt đầu hạ nhiệt sau khi tăng mạnh trước đó. 

Cổ phiếu SZC của Sonadezi Châu Đức tiếp tục phân phối khi giá liên tục giảm trong ba tuần gần đây, tỉ lệ giảm 5,5% tuần qua.

Top 10 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trên HOSE còn có các cổ phiếu khác như PIT, FDC, chứng chỉ quĩ FUCVREIT, HT1 và VNE.

Cổ phiếu vốn hoá nhỏ và siêu nhỏ lên ngôi trên HNX

Tương tự trên HOSE, số cổ phiếu tăng giá áp đảo trên sàn HNX với 87 mã, trong khi 62 mã đứng giá tham chiếu và 68 mã giảm giá.

Top10 tăng/giảm tuần 19 - 23/10: AMD gây ấn tượng, nhiều cổ phiếu bước vào giai đoạn phân phối - Ảnh 2.

Nguồn: LG tổng hợp từ FiinPro

Ngoại trừ SEB, những mã tăng giá trên HNX không có nhiều nổi bật khi đây đều là những cổ phiếu có vốn hoá nhỏ hoặc siêu nhỏ. Dẫn đầu nhóm tăng giá là cổ phiếu NFC của Phân lân Ninh Bình và SRA của Sara Việt Nam với tỉ lệ tăng tương ứng 29,51% và 22,76%. 

Kế đến là cổ phiếu NGC của Chế biến Thủy sản Xuất khẩu Ngô Quyền với 4/5 phiên tăng trần tuần qua. Tuy nhiên, mã này đang nằm trong diện kiểm soát trên HNX và chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần cùng thanh khoản không mấy tích cực. 

Nhóm 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất  trên HNX còn có các mã như VE4, SIC, CLM, KMT, PTS, DTD và SEB.

Chiều giảm giá, cổ phiếu PPY của Dầu khí Phú Yên dẫn đầu khi mất 18,83% giá trị trong tuần qua. Theo sau, hai mã VTC và BKC giảm lần lượt 18,18% và 16,42%. 

Những trường hợp giảm giá từ 10 - 15% tuần qua còn có các cổ phiếu như SLS, WSS, BXH, HKB, LM7, DZM và PGT.

MVY kéo dài chuỗi phiên tăng trần trên UPCoM

Top10 tăng/giảm tuần 19 - 23/10: AMD gây ấn tượng, nhiều cổ phiếu bước vào giai đoạn phân phối - Ảnh 3.

Nguồn: LG tổng hợp từ FiinPro

Bắt đầu chuỗi phiên tăng trần từ ngày 9/10, cổ phiếu MVY của Môi trường và Dịch vụ Đô thị Vĩnh Yên tiếp tục dẫn đầu tỉ lệ tăng giá trong tuần qua. Đóng cửa phiên 23/10, giá mã này dừng tại 16.100 đồng/cp, tức tăng 71,28% so với tuần trước. 

Cổ phiếu CTN và V11 đứng thứ hai về tỉ lệ tăng giá trên thị trường UPCoM với 50%. Tuy nhiên, đây là hai mã bị hạn chế giao dịch do công ty kinh doanh thua lỗ từ những năm trước.

Top10 mã tăng giá mạnh nhất còn có các cổ phiếu thị giá nhỏ khác như DRI, CHC, KGM, PKR, V15, ACS và SAP.

Ngược lại, hai cổ phiếu PND của Xăng dầu Dầu khí Nam Định và SPB của Sợi Phú Bài dẫn đầu chiều giảm giá khi cùng mất 40% giá trị. Các mã giảm giá mạnh nhất trên thị trường UPCoM còn có TR1, H11, TOT, MTG, SHC, AG1, HPW và ABR với tỉ lệ dưới 30%.

Linh Giang