|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Top 10 tăng/giảm tuần đầu năm 2022: Cổ phiếu bất động sản tăng nóng, L14 vững 'ngôi vương' thị giá cao nhất tam sàn

11:32 | 08/01/2022
Chia sẻ
Tuần đầu năm 2022, cổ phiếu thuộc hệ sinh thái FLC và ngành bất động sản chiếm sóng trên sàn HOSE với tỷ lệ tăng ấn tượng. Trong khi đó, mã L14 tăng lên 371.200 đồng/cp, mức giá cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

VN-Index bước vào phiên giao dịch đầu năm mới hết sức lạc quan với sắc xanh trải đều ở nhiều nhóm ngành. Trong những phiên sau đó, chỉ số thị trường ít biến động và giao dịch thận trọng quanh vùng đỉnh 1.530 điểm. Tính chung cả tuần, VN-Index tăng 2,02% lên 1.528,48 điểm trong khi HNX-Index dừng tại 493,84 điểm, tương ứng tỷ lệ tăng 4,19%.

Thanh khoản chứng kiến sự cải thiện tốt trên toàn thị trường với khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt hơn 966 triệu cp/phiên, tăng 20,4%. Sàn HNX đạt trung bình hơn 128 triệu cp/phiên, tăng 19,2% so với tuần giao dịch trước đó

HOSE: Họ FLC tím trần hàng loạt trên, BAF tăng mạnh nhờ xuất hiện tay chơi mới

Là một "tân binh" mới lên sàn HOSE từ 3/12 năm ngoái nhưng cổ phiếu BAF của CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam dẫn đầu danh sách tăng giá trên sàn HOSE với tỷ lệ 30,7%. Trong cả 4 phiên giao dịch tuần này, cổ phiếu BAF đều tăng kịch trần với giá trị giao dịch trung bình đạt 237 tỷ đồng/phiên.

Trong phiên 4/1 khối lượng khớp lệnh tăng đột biến lên tới 17,4 triệu cổ phiếu. Đây chủ yếu là giao dịch của CTCP Siba Holdings. Cụ thể, tổ chức này đã mua vào 15,99 triệu cổ phiếu BAF để nâng tỷ lệ sở hữu từ 0% lên 20,5% vốn điều lệ tại doanh nghiệp.

Theo tìm hiểu, Siba Holdings có địa chỉ tại tầng 5, Tòa nhà Diamond Flower, 48 Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội và mới thành lập ngày 14/10/2021. Như vậy, công ty mới thành lập gần 3 tháng trước khi trở thành cổ đông lớn tại BAF.

Trái ngược với sắc đỏ của VN-Index và VN30-Index trong phiên giao dịch cuối tuần, cổ phiếu đầu cơ lại tím trần hàng loạt, trong đó có đại diện họ FLC. Trong tuần đầu năm 2022, cổ phiếu FLC tăng hơn 25% lên thị giá 22.550 đồng/cp, mức cao nhất trong gần 10 năm trở lại đây. 

Cùng với đó, cổ phiếu AMD của CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone cũng ghi nhận tuần giao dịch tích cực với tỷ lệ tăng 25%. Cổ phiếu cùng "họ" như HAI của CTCP Nông dược HAI và ROS của FLC Faros cũng tăng kịch trần trong phiên cuối tuần, nối dài thành tích trước đó. 

Các mã còn lại trong danh sách tăng giá trên sàn HOSE tuần này điều là những đại diện đến từ ngành xây dựng và bất động sản như UDC (tỷ lệ tăng 30%), NVT (30%), QCG (30%), LDG (27%), NHA (26%), CII (25%) và DRH (24%).

Top tăng/giảm tuần đầu năm - Ảnh 1.

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp).

Theo thống kê của Algo Platform, cổ phiếu ACC của Đầu tư và Xây dựng Bình Dương ACC giảm giá mạnh nhất trên sàn HOSE với tỷ lệ gần 39%. Thực tế, đà giảm của mã này không liên quan đến nội tại doanh nghiệp hay thông tin tiêu cực mà do công ty thực hiện phát hành cổ phiếu trong tuần qua. 

ACC đã thực hiện chào bán 75 triệu cổ phiếu trong tuần này với giá phát hành 10.000 đồng/cp. Tỷ lệ phát hành thêm là 1:2.5, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận quyền mua thêm 2,5 cổ phiếu mới. 

Chấm dứt đà tăng gấp 12 lần trong năm 2021, cổ phiếu LCM của Khai thác và Chế biến Khoáng sản Lào Cai bắt đầu quá trình phân phối với 4/4 phiên giảm, trong đó có một phiên giảm sàn. Hiện giá cổ phiếu LCM đang giao dịch dưới mệnh giá tại 9.580 đồng/cp và là mã có thị giá nhỏ nhất trên sàn HOSE.

Danh sách giảm giá còn có sự xuất hiện của những cái tên quen thuộc như FRT (tỷ lệ giảm 11%), MSN (10%) hay hai đại diện nhà băng là SSB (7%) và MSB (6,5%). 

HNX: L14 giữ vững "ngôi vị" thị giá cao nhất 3 sàn, CEO chưa dừng đà tăng

Sau giai đoạn điều chỉnh, cổ phiếu VXB của Vật liệu Xây dựng Bến Tre tăng tốc trở lại với tỷ lệ 46%. Cả 4/4 phiên giao dịch của mã này đều chìm trong sắc tím, tuy nhiên khối lượng giao dịch trung bình không quá 50.000 cp/phiên. 

Cùng với đó, cổ phiếu L14 ghi nhận tỷ lệ tăng gần 43%. Chốt phiên 7/1, cổ phiếu L14 tăng trần lên 371.200 đồng/cp, mức giá cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. So với thời điểm đầu năm 2021, mã này tăng gấp 7 lần, theo đó vốn hóa đạt 9.961 tỷ đồng.

Một cổ phiếu cùng hệ sinh thái là L18 cũng có một tuần giao dịch tích cực khi tăng 28% lên 73.400 đồng/cp.

Cùng với "họ FLC", cổ phiếu KLF của CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS tăng trần 9,6% lên 10.300 đồng/cp trong phiên 7/1, mức giá cao nhất kể từ tháng 5/2014.

Danh sách tăng giá trên sàn HNX một năm qua cũng đã "quen mặt" với cổ phiếu CEO. Mã này tiếp tục lập đỉnh tại 92.500 đồng/cp bất chấp kết quả kinh doanh thua lỗ và đà bán ròng của khối ngoại. Chỉ riêng trong tháng 12/2021, Pyn Elite Fund 24,8 triệu cp và thu về 1.172 tỷ đồng.

Top tăng/giảm tuần đầu năm - Ảnh 2.

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp).

Top 10 mã giảm giá mạnh nhất trên sàn HNX không quá nổi bật với tỷ lệ giảm giá đều dưới 15%. Dẫn đầu chiều giảm là cổ phiếu VC6 của Xây dựng và Đầu tư Visicons khi mất hầm 14% giá trị tuần qua xuống còn 12.400 đồng/cp.

Bên cạnh đó, hai mã GDW và BXH cũng trượt dốc trong tuần này với tỷ lệ giảm tương tự. Một số cổ phiếu khác giảm giá nhẹ trên sàn HNX khác là VMS (12%), PPY (12%), API (10%), CLM (9%)...

"Tân binh" SZG dẫn đầu tỷ lệ tăng giá trên UPCoM

Top tăng/giảm tuần đầu năm - Ảnh 3.

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp).

Chào sàn từ ngày 27/12, SZG của Sonadezi Giang Điền thu hút sự chú ý của nhà đầu tư với chuỗi tăng trần 7 phiên liên tiếp. Chốt phiên cuối tuần, mã này dừng tại 73.900 đồng/cp, tuy nhiên thanh khoản chỉ dừng ở mức vài trăm đơn vị khớp lệnh mỗi phiên.

Theo tìm hiểu, đây là doanh nghiệp thuộc sở hữu của hai "cá mập" lĩnh vực KCN, xây dựng là Tổng Công ty cổ phần Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi) và CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc. Hiện hai tổ chức này đang sở hữu lần lượt 46,45% và 32,79% vốn cổ phần tại đây.

Một số cổ phiếu khác cũng ghi nhận mức tăng trên 35% tuần qua như H11, MCT, SDJ, USC, RAT, HD2, VRG, BMJ và PTO. 

Với thị giá ấn tượng 213.400 đồng/cp, cổ phiếu CMF của Thực phẩm Cholimex giảm hết biên độ 40% chỉ trong một phiên 5/1. Các ngày giao dịch còn lại, mã này hầu như đứng giá tham chiếu và trắng thanh khoản. 

Lọt top giảm giá còn có các cổ phiếu khác như DAR (32%), NAU (32%), DMN (30%), KTL (25%)... Đây đều là những cổ phiếu thị giá nhỏ và giao dịch với thanh khoản rất thấp.

Bảo Ngọc