Top 10 địa phương tăng trưởng GRDP quý I/2022 cao nhất và thấp nhất cả nước
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, GDP quý 1/2022 của nước ta ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021 và 3,66% của quý I năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý I năm 2019.
Về tăng trưởng GRDP của các địa phương trên cả nước trong quý 1/2022, cả nước có 6 tỉnh, thành phố đạt mức tăng trưởng trên 10% và hai địa phương ghi nhận mức tăng trưởng âm.
Cụ thể, Bắc Giang ghi nhận mức tăng trưởng GRDP cao nhất với 14,33%, Hải Dương đứng thứ hai với 14,18% và Thanh Hóa đứng thứ ba với 12,93%. Ngoài ra, các địa phương khác gồm Quảng Nam, Kon Tum, Hải Phòng cũng ghi nhận mức tăng trưởng tấn tượng, lần lượt là 11,24%, 10,64% và 10,04%.
Các tỉnh, thành phố còn lại đều ở mức dưới 8%, trong đó hai tỉnh ghi nhận mức tăng trưởng âm là Trà Vinh (-5,25%) và Hà Tĩnh (-3,15%). Đây là hai địa phương tăng trưởng GRDP thấp nhất cả nước trong quý II/2021.
Đáng chú ý, đầu tàu kinh tế phía Nam như Bà Rịa - Vũng Tàu và TP HCM cũng nằm trong Top các địa phương có mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất cả nước trong quý 1/2022, lần lượt là 0,18% và 1,88%. Bên cạnh đó, TP Đà Nẵng cũng ghi nhận mức tăng trưởng khá thấp 0,89%.
Xét theo phân vùng kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là khu vực ghi nhận mức tăng trưởng GRDP cao nhất với 7,55%. Tiếp theo lần lượt là khu vực miền Trung với 5,03%, Đồng bằng sông Cửu Long với 4,14% và khu vực phía Nam với 2,72%.
Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 5,03%, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng và xuất khẩu tăng cao.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng khá cao khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Hoạt động sản xuất Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý I/2022.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt mức cao, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.
Tuy nhiên, bước sang quý II, kinh tế – xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, giá hàng hóa thiết yếu tăng cao, nguy cơ lạm phát cao trên toàn cầu.
Dịch COVID-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới. Do đó, kinh tế Việt Nam năm 2022 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.