|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Top 5 địa phương có GRDP quy đổi bình quân đầu người cao nhất: Bà Rịa - Vũng Tàu quán quân 5 năm liên tiếp

11:01 | 31/03/2022
Chia sẻ
Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương liên tục dẫn đầu trong Top 5 địa phương có GRDP quy đổi bình quân đầu người cao nhất giai đoạn 2016-2020, trong khi đó, Hà Giang luôn là địa phương có mức thấp nhất cả nước.

Theo báo cáo Chỉ số phát triển con người giai đoạn 2016-2020 do Tổng cục Thống kê công bố, trên cơ sở GRDP theo giá hiện hành, GRDP quy đổi bình quân đầu người năm 2020 của tất cả các địa phương đều tăng so với năm 2016.

Cụ thể, GRDP quy đổi bình quân đầu người năm 2020 của một số địa phương đã tăng ở mức cao, gấp trên 1,5 lần năm 2016. Chẳng hạn như Hải Phòng gấp 1,74 lần; Ninh Thuận gấp 1,7 lần; Thanh Hóa gấn 1,66 lần; Quảng Ninh gấp 1,61 lần; Lào Cai gấp 1,57 lần…

 

Trong khi đó, xu hướng tăng GRDP quy đổi bình quân đầu người của một số địa phương có dấu hiện chững lại.

Năm 2020 so với 2016, Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ tăng 8,51% với tốc độ tăng bình quân mỗi năm 2,06%; Đà Nẵng tăng 17,23%, bình quân mỗi năm tăng 4,05%; Bình Dương tăng 22,06%, bình quân mỗi năm tăng 5,12%.

 

Động thái và thực trạng Chỉ số thu nhập của các địa phương trong những năm 2016 - 2020 tương tự như GRDP quy đổi bình quân đầu người với một số địa phương đạt Chỉ số thu nhập cao (Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Quảng Ninh, TP HCM, Bắc Ninh).

 Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Khoảng cách giữa các địa phương đạt mức cao với các địa phương có Chỉ số thu nhập thấp chênh lệch khá lớn. Chỉ số thu nhập của Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2016 gấp 1,54 lần Lai Châu; năm 2017 gấp 1,49 lần; năm 2018 gấp 1,51 lần; năm 2019 gấp 1,52 lần; năm 2020 gấp 1,45 lần.

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cho biết do GRDP quy đổi bình quân đầu người của các địa phương được tính trên cơ sở chuyển đổi GRDP với cùng hệ số, không loại trừ được sự khác biệt về thu nhập ròng của lao động thường trú và thu nhập sở hữu từ bên ngoài giữa các địa phương nên những địa phương có đầu tư lớn từ các địa phương khác trong nước hoặc từ nước ngoài thường có Chỉ số thu nhập cao hơn các địa phương khác, tính so sánh giữa các địa phương bị hạn chế. 

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng chỉ rõ, Chỉ số tổng hợp (HDI) của hầu hết các địa phương năm 2020 cao hơn năm 2016.

Một số địa phương đạt được HDI tăng cao như: Bắc Giang tăng 0,04 (Từ 0,674 năm 2016 lên 0,714 năm 2020); Bình Định tăng 0,038 (Từ 0,664 lên 0,702); Hải Phòng tăng 0,037 (Từ 0,745 lên 0,782); Cần Thơ tăng 0,036 (Từ 0,683 lên 0,719); Trà Vinh tăng 0,035 (Từ 0,637 lên 0,673).

Đáng chú ý là, trong những năm vừa qua, nhiều địa phương có HDI thấp nhưng tốc độ tăng đạt cao hơn địa phương có HDI cao nên khoảng cách chênh lệch HDI giữa các địa phương thu hẹp dần.

 Chỉ số HDI của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2020. (Nguồn: Tổng cục Thống kê).

 

Năm 2020, HDI bình quân của 10 địa phương đạt mức cao nhất là 0,773, tăng 2,71% so với năm 2016; trong khi đó, HDI bình quân của 10 địa phương có mức thấp nhất là 0,626, tăng 5,02%; gấp 1,85 lần tốc độ tăng bình quân của 10 địa phương đạt mức cao nhất.

Do vậy, mức chênh lệch HDI bình quân 10 địa phương đạt cao nhất so với 10 địa phương có mức thấp nhất đã giảm từ 26,38% năm 2016 xuống còn 23,61% năm 2020.  

Đối chiếu với tiêu chuẩn phân nhóm của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc, trong 63 tỉnh, thành phố, những năm 2016 - 2020 không địa phương nào có HDI được xếp vào Nhóm 1, là nhóm đạt mức rất cao với HDI ≥ 0,800; đồng thời cũng không có địa phương nào thuộc Nhóm 4, là nhóm có mức thấp nhất với HDI < 0,550.

Tất cả các địa phương trên địa bàn cả nước đều có HDI thuộc hai nhóm, bao gồm: Nhóm 3, là nhóm đạt mức trung bình và Nhóm 2, là nhóm đạt mức cao.

Sự chuyển dịch số địa phương từ Nhóm 3 lên Nhóm 2 tăng dần qua từng năm càng phản ánh rõ xu hướng tăng HDI của các địa phương.

Nhóm 2 tăng từ 13 địa phương năm 2016 lên 14 địa phương năm 2017; 18 địa phương năm 2018; 21 địa phương năm 2019 và 24 địa phương năm 2020. 

Chỉ số thu nhập sử dụng trong tính HDI được xác định bằng phép toán logarit tự nhiên Chỉ tiêu tổng thu nhập quốc gia (GNI) bình quân đầu người theo sức mua tương đương (PPP); thường được quy về đô la Mỹ (USD - PPP).

Tương tự như tính Chỉ số sức khỏe và Chỉ số giáo dục, để HDI bảo đảm tính so sánh và 8 phù hợp với trình độ phát triển chung của kinh tế thế giới trong giai đoạn hiện nay, Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đã cố định giá trị tối thiểu của chỉ tiêu GNI bình quân đầu người theo sức mua tương đương là 100 USD - PPP, tương ứng với mức thu nhập tự sản tự tiêu; giá trị tối đa ở mức 75000 USD - PPP, biểu đạt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người các quốc gia cần hướng tới.

Theo UNDP, 75000 USD - PPP biểu hiện cho mức đóng góp tối đa của chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người vào HDI. Quốc gia có thu nhập bình quân trên 75000 USD - PPP cũng không làm tăng thêm HDI.

Điều này có nghĩa là, HDI không tăng vô hạn theo tốc độ tăng trưởng kinh tế. Muốn nâng cao HDI, các quốc gia, vùng lãnh thổ không thể chỉ tập trung theo đuổi các mục tiêu kinh tế, mà còn cần phải bảo đảm cả các mục tiêu xã hội như sức khỏe và giáo dục.

Phương Trang

Gần 30 doanh nghiệp lãi ròng trên nghìn tỷ quý I, một đơn vị bất ngờ lọt top sau chuỗi 16 quý thua lỗ
Bảng xếp hạng lợi nhuận quý I ghi nhận sự xáo trộn lớn khi đơn vị từng đứng đầu thị trường về lợi nhuận đã rời top lãi nghìn tỷ. Trong khi đó có đơn vị thua lỗ 16 quý liên tiếp lại bất ngờ đứng thứ 6 về lợi nhuận trên thị trường.