Tổng thống Trump: Nước Mỹ chăm chút cho Apple nhưng Apple lại cự tuyệt nước Mỹ
Trên trang Twitter cá nhân ngày 14/1, ông Trump viết: "Nước Mỹ lúc nào cũng giúp đỡ Apple về thương mại và vô vàn lĩnh vực khác. Vậy mà Apple lại từ chối mở khóa những chiếc điện thoại của bọn giết người, bọn buôn bán ma túy và nhiều thành phần tội phạm tàn ác. Apple sẽ phải đứng ra và làm tròn bổn phận của mình với đất nước, luôn và ngay. Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Hôm 13/1, Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ William Barr cho biết Apple đã "không cung cấp sự hỗ trợ đắc lực" trong nỗ lực mở khóa hai chiếc iPhone của kẻ tình nghi xả súng ở Florida.
Trong một thông cáo gửi đi cùng hôm 13/1, Apple cho biết đã cung cấp cho các cơ quan thực thi pháp luật nhiều gigabyte dữ liệu liên quan tới vụ xả súng tại Pensacola, Florida. Tuy nhiên tập đoàn này cũng khẳng định sẽ không lập ra "cửa sau" hoặc phần mềm chuyên biệt để giúp cơ quan điều tra truy cập vào điện thoại cá nhân.
"Chúng tôi cực lực phản đối lập luận rằng Apple không hỗ trợ đắc lực trong vụ điều tra ở Pensacola. Mọi yêu cầu giúp đỡ của các cơ quan chức năng đều được chúng tôi đáp ứng một cách kịp thời, đầy đủ và hiện vẫn đang được thực hiện", Apple nêu rõ trong thông cáo.
Đoạn tweet của ông Trump (được gửi đi từ một chiếc iPhone) còn có hàm ý rằng Apple lẽ ra phải hợp tác với FBI tích cực hơn nữa bởi vì chính quyền của ông Trump "lúc nào cũng giúp đỡ Apple trong vấn đề thương mại".
CEO Tim Cook của Apple đã dành nhiều năm để vun vén mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Trump, hi vọng có thể thuyết phục ông Trump và các quan chức trong chính phủ hạn chế áp dụng thuế quan. Đại đa phần sản phẩm của Apple đều được sản xuất ở Trung Quốc nên nếu bị đánh thuế, hoạt động kinh doanh của Apple sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.
Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Trump dự kiến áp thuế quan 15% đối với khoảng 160 tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ, trong đó có các mặt hàng điện tử như iPhone của Apple, từ ngày 15/12/2019. May mắn cho Apple là đến ngày 13/12/2019, hai nước đạt được thỏa thuận sơ bộ và kế hoạch đánh thuế bị hủy bỏ.
Năm 2016, Apple từng từ chối đề nghị của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Bộ Tư pháp Mỹ về việc mở khóa chiếc iPhone của hung thủ xả súng tại thành phố San Bernardino, bang California, làm 14 người thiệt mạng.
Về sau, Apple vẫn không chịu nhượng bộ nhưng FBI tìm được một công ty bí mật giúp bẻ khóa chiếc iPhone này.
Đầu năm 2019, Apple cho biết để mở chiếc iPhone này, Apple sẽ cần xây dựng một phần mềm hoặc hệ điều hành riêng biệt. Lỡ như hệ điều hành này lọt vào tay kẻ xấu, tính bảo mật thông tin của hàng triệu người dùng thiết bị Apple sẽ bị đe dọa.