|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tổng Thanh tra Chính phủ: Để thu hồi tài sản thất thoát nên ưu tiên xử lý kinh tế, không chuyển từ án kinh tế sang hình sự

16:31 | 05/11/2022
Chia sẻ
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho rằng, để thu hồi tài sản thất thoát nên tập trung ưu tiên xử lý kinh tế, không chuyển từ án kinh tế sang hình sự. Đây là quan điểm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thanh tra Chính phủ cũng quán triệt quan điểm này trong xử lý các vụ việc.

Tham gia chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong tại phiên họp ngày 5/11, đại biểu Phạm Nam Tiến nêu rõ, hiện nay còn 40% đến 50% số tài sản chưa được thu hồi lại trong các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương chỉ đạo. Đây là con số không nhỏ vì một vụ án tham nhũng giá trị có thể lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý mới chỉ kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, còn tài sản do người thân của các đối tượng phạm tội tham nhũng đang đứng tên chiếm hoặc sở hữu vẫn là một khoảng trống rất lớn, khó kiểm soát. Đề nghị Tổng Thanh tra cho biết giải pháp căn cơ nào đặt ra cho việc thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả hơn? 

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng cũng chất vấn về việc thu hồi tài sản bất minh do người khác đứng tên là rất khó, chưa có giải pháp hiệu quả để thu hồi.

Trước vấn đề trên, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho rằng, nên tập trung ưu tiên xử lý kinh tế, không chuyển từ án kinh tế sang hình sự.

"Đây là quan điểm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Thanh tra Chính phủ cũng quán triệt quan điểm này trong xử lý các vụ việc", Tổng Thanh tra Chính phủ nói.

Theo đó, đối với một số vụ việc, sau thanh tra thì vẫn yêu cầu thực hiện kết luận thanh tra. Đối với những vụ việc chưa phân định rõ là hình sự hay kinh tế, thì ưu tiên xử lý kinh tế trong thời hạn thanh tra.

Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng trong một thời hạn nhất định, có thể 1 năm đến 1,5 năm, nếu sau thời gian này không thực hiện được thì sẽ chuyển đến cơ quan điều tra, Tổng thanh tra Chính phủ cho biết.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn (Ảnh: Quốc hội).

Đánh giá việc xử lý thu hồi tài sản tham nhũng  là vấn đề khó, nhất là tài sản kinh tế, thực trạng chưa đạt được như mong muốn, Tổng Thanh tra cho rằng, vừa qua, trước tình trạng thu hồi tài sản tham nhũng kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 04 về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát trong những vụ án về kinh tế.

Kết quả 9 tháng đầu năm 2022, thu hồi tài sản tham nhũng sau kết quả thanh tra đã tăng gần gấp đôi so với năm 2021, thu hồi tài sản tham nhũng tại cơ quan thi hành án cũng tăng gần 3 lần.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngoài việc thực hiện tốt Chỉ thị 04, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về thu hồi tài sản còn bất cập, nhất là quy định về cưỡng chế, xử lý sau thanh tra, cơ chế chính sách về đất đai, bất động sản, trái phiếu chưa đồng bộ, gây khó khăn cho công tác thu hồi. 

Về giải pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, cần hoàn thiện cơ chế thu hồi, tăng cường xử lý sau thanh tra và thi hành án, trong quá trình điều tra và thanh tra, khi phát hiện dấu hiệu tội phạm phải xử lý ngay không để đến lúc truy tố, xét xử thì các đối tượng thường tẩu tán, gây thất thoát tài sản. Trong các trường hợp giải quyết, thu hồi tài sản có yếu tố nước ngoài cần có hợp tác quốc tế để thu hồi.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái (Ảnh: Quốc hội).

Báo cáo thêm về vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, trong quá trình chỉ đạo thanh tra, Chính phủ yêu cầu thường xuyên nâng cao chất lượng hoạt động, xử lý chồng chéo trong kiểm toán, kiểm tra, thanh tra, nhất là ở các doanh nghiệp.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo ngành thanh tra tập trung thanh tra trong một số lĩnh vực quan trọng như: đầu tư, xây dựng, đấu thầu, chứng khoán, ngân hàng… Thủ tướng Chính phủ trực tiếp cho ý kiến chỉ đạo về kết luận thanh tra, nhất là với những vấn đề phức tạp, qua đó nhiều cuộc thanh tra đạt kết quả tốt, xử lý nghiêm các vi phạm. 

Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn ngành thanh tra đã thực hiện trên 5.000 kết luận, trong đó trên 3.000 kết luận thanh tra đã được thực hiện 100%, chiếm trên 61% tổng số kết luận đã được đôn đốc, số tiền thu hồi đạt trên 60% là một nỗ lực rất lớn.

Hạ An

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.