|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tổng Giám đốc Viconship: Doanh nghiệp logistics Việt Nam đang làm thuê ngay trên sân nhà

19:26 | 11/05/2023
Chia sẻ
Ông Cáp Trọng Cường - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Container Việt Nam (Viconship) cho rằng nếu nhìn nhận tổng thể các doanh nghiệp logistics đang làm thuê trên chính sân nhà. Theo đó, các doanh nghiệp FDI chủ yếu đầu tư vào công nghệ và nhân lực sau đó thuê ngoài.

Tại tọa đàm giới thiệu Triển lãm quốc tế logistics quốc tế Việt Nam 2023, ông Cáp Trọng Cường - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Container Việt Nam (Viconship) nhận định các doanh nghiệp logistics nội địa nếu chẻ ra theo từng lĩnh vực chuyên biệt thì mạnh, không hề thua kém các doanh nghiệp FDI. 

 Ông Cáp Trọng Cường - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Container Việt Nam. (Ảnh: H.Mĩ)

Tuy nhiên, nếunhìn nhận tổng thể thì họ lại đang làm thuê trên chính sân nhà. Theo đó, các doanh nghiệp FDI chủ yếu đầu tư vào công nghệ và nhân lực sau đó thuê ngoài.

"Chúng tôi có rất nhiều khách hàng nước ngoài lớn nhưng thực tế chúng tôi vẫn là người làm thuê. Chúng tôi có hạ tầng, nhân lực, quy trình nhưng chúng tôi vẫn đang làm thuê cho họ", ông Cường nói.

Ngoài ra, ông cho rằng tính tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng doanh nghiệp logistics Việt Nam từ nhỏ đến lớn đều rất yếu khiến ngành chưa phát triển theo đúng tiềm năng hiện có.

"Có một nghịch lý là chúng ta đang cạnh tranh với nhau bằng việc hạ giá để ủng hộ các đối tác nước ngoài.Tuy nhiên chúng ta lại đưa ra mức phí cao đối với các doanh nghiệp nội địa. Cá nhân tôi không tán thành việc cạnh tranh bằng giá. Chúng ta làm tốt việc giảm giá nhưng đến ngưỡng giới hạn nào đó, nếu tiếp tục hạ giá thì sẽ có doanh nghiệp phá sản. Ngoài ra, hạ giá mãi thì cũng không có tích luỹ để tái đầu tư công nghệ mới. Việc theo đuổi chiến lược giá là điều ngớ ngẩn nhất nhưng doanh nghiệp logistics Việt Nam vẫn đang làm", ông Cường cho biết. 

Còn về vấn đề cảng biển, ông cho biết mức giá của Việt Nam đang ở "vùng trũng" so với thế giới trong khi chi phí của các doanh nghiệp lại cao: "Khi đề cập đến lĩnh vực cảng biển, nói thật, tôi cảm thấy xấu hổ vì giá của Việt Nam ở vùng trũng nhất thế giới, đặc biệt là cảng Hải Phòng. Chúng ta thua cả Campuchia, Myanma, Malaysia, Singapore…"

Để khắc phục những điểm tồn tại và phat triển ngành logistics, ông Cường cho rằng các doanh nghiệp cần chú trọng việc phát triển công nghệ và bổ sung thêm những dịch vụ giá trị gia tăng. 

Hiện, nhiều doanh nghiệp còn đang quá quan tâm đến mảng kinh doanh cốt lõi mà chưa để ý nhiều đến những dịch vụ gia tăng thêm giá trị cho bạn hàng của mình. Vị dụ với những doanh nghiệp khai thác kho họ chỉ quan tâm một ngày có bao nhiêu CBM (Cubic Meter: mét khối) hay có bao nhiêu container vào kho. Nhưng khi khách hàng có nhu cầu dịch vụ khác, dù nhỏ như thay tem, gắn tem thì lại không đáp ứng được, làm mất tính cạnh tranh.

Hoặc với mảng cảng biển, một số doanh nghiệp chỉ đầu tư thiết bị nâng hạ nhưng khi có lo hàng siêu trường, siêu trọng (OOC: Oversized,Overweight Cargo) thì lại phải thuê các đối tác bên ngoài, mất nhiều thời gian và chi phí. Trong khi đó, chi phí đầu tư cũng không hề lớn. 

"Ví dụ như khách hàng của chúng tôi là Maersk Line, mỗi mùa họ thông quan 6.000 FEU hàng OOC. Trước đây, có những trường hợp chúng tôi phải thuê phương tiện bên ngoài nâng hạ hàng OOC với giá tới 20.000 USD/lô.

Tuy nhiên sau đó, chúng tôi đầu tư vài triệu USD để mua phương tiện nâng hạ trọng tải 100 tấn và thu phí của khách hàng chỉ vài trăm USD/lần thì đơn hàng OOC củaMaersk Line và các khách hàng khác tăng khủng khiếp. Chỉ đúng một năm sau chúng tôi hoà vốn", ông Cường nói. 

Ông cho rằng doanh nghiệp logistics còn nhiều cơ hội, điều quan trọng là cần phải thay đổi và tương trợ lẫn nhau.

H.Mĩ