|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tổng Giám đốc SGI Captial chỉ ra 5 điểm chung của nhà đầu tư thua lỗ và kinh nghiệm cho nhà đầu tư F0

11:04 | 24/02/2021
Chia sẻ
Mới đây, ông Lê Chí Phúc - Tổng Giám đốc SGI Captial đã có những chia sẻ về thị trường chứng khoán Việt Nam và mong muốn tham gia đầu tư chứng khoán của các nhà đầu tư, dựa trên tổng hợp từ các thống kê có thể không đầy đủ và kinh nghiệm cá nhân.

1. Mức tăng hợp lý của TTCK?

Trong 10 năm qua, VN-Index (đại diện cho TTCK VN) tăng trung bình 9%/năm (chưa tính 2% cổ tức bằng tiền), bằng với mức tăng EPS. Trên thế giới S & P500 cũng tăng trung bình 9%/năm trong 100 năm qua (tăng cao nhất trong các kênh tài sản tài chính bao gồm vàng, bạc, trái phiếu, tiền gửi, ngoại tệ, hàng hóa khác). Lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng 10 -15%/năm là động lực chính của sự tăng giá dài hạn của TTCK.

Nhưng TTCK không tăng đều 9%/năm. Trong 10 năm (2011-2021), VN-Index có 3 năm giảm (2010, 2011, 2018) và 7 năm tăng. Thị trường có nhiều lần giảm 20 - 40% và tăng 30 - 50% chỉ trong vài tháng. Đây là một rủi ro và cũng là điểm thú vị của TTCK.

2. Định giá thay đổi như thế nào?

VN-Index bị định giá rẻ (P/E 10-14.x) trong các giai đoạn khủng hoảng, bất ổn vĩ mô, tăng trưởng thấp; và được định giá cao (P/E 20 - 3x) trong các giai đoạn tăng trưởng nhanh, lãi suất thấp, đón dòng tiền mạnh từ thăng hạng thị trường. Trong các giai đoạn tăng trưởng bình thường và ổn định, VN-Index có P/E 15-20,x.

Tổng Giám đốc SGI Captial chỉ ra 5 điểm chung của nhà đầu tư thua lỗ và kinh nghiệm cho nhà đầu tư F0 - Ảnh 1.

Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam. Nguồn: NVCC.

Những cuộc khủng hoảng thường đưa thị trường về mức rẻ lịch sử (P/E 10,x) là thời điểm mua tuyệt vời nhất (ví dụ khủng hoảng COVID-19 vào tháng 3/2020). 

Hiện nay, VN-Index đang có P/E 18,x quanh mức trung bình, lợi thế giá rẻ không còn. Triển vọng tăng trưởng tích cực trên một nền lãi suất thấp, vĩ mô ổn định, cộng với khả năng sớm được nâng hạng lên Emerging Market (thị trường mới nổi - PV) có thể nâng định giá P/E của VN-Index lên mặt bằng mới.

Tuy nhiên, khi mặt bằng định giá chung không còn rẻ, lựa chọn cổ phiếu sẽ quyết định hiệu quả đầu tư.

3. Hiệu quả đầu tư cổ phiếu và kỳ vọng nào là hợp lý?

Tính trên số đông, 80% NĐT cả cá nhân và tổ chức đầu tư không hiệu quả hơn Index, và trên 50% số NĐT cá nhân không có lãi ngay cả trong những năm thị trường tăng (thống kê thực tế từ 1 số CTCK lớn trong một số năm). 

Vì vậy, đối với đa số NĐT khi quyết định bỏ tiền vào kênh tài sản này, cần xác định mức lợi nhuận kỳ vọng hợp lý là 10-15%/năm cho trung bình dài hạn. Dù làm được điều này cũng không hề dễ dàng.

4. NĐT thua lỗ có một số đặc điểm chung gì?

- Mua bán quá nhiều (hơn 1 vòng/tháng) và cố gắng kiếm tiền theo các biến động ngắn hạn của thị trường và cổ phiếu.

- Sử dụng đòn bẩy tài chính lớn (thường xuyên vay > 69% vốn tự có).

- Giữ chặt cổ phiếu có chất lượng kém giảm giá, bán sớm cổ phiếu tốt mới tăng.

- Mua bán theo thông tin được "phím", mua đuổi khi có tin tốt, bán theo khi ra tin xấu, mua khi hưng phấn, bán khi sợ, hành động theo tâm lý bầy đàn.

- Không có hiểu biết sâu sắc về thị trường, ngành nghề và doanh nghiệp, không có phương pháp đo lường và quản trị rủi ro, không có có lợi thế đặc biệt trong cả trading (giao dịch - PV) lẫn đầu tư.

Kết quả là chọn cổ phiếu sai, mua cao bán thấp, và trả quá nhiều phí môi giới và lãi vay (10 - 30% vốn/năm).

Lý do các hành động gây thua lỗ kể trên hầu hết phù hợp với các bản năng gốc cơ bản của con người, nên rất dễ mắc nhưng khó thay đổi.

5. Như thế nào là NĐT thành công?

NĐT thành công có thể phân nhóm theo lợi nhuận trung bình dài hạn (trên 10 năm):

Tốt: 10%-20%/năm - thuộc top 10% chiến thắng thị trường,

Giỏi: 20%-30%/năm - thuộc top 3% chiến thắng thị trường,

Xuất sắc: >30%/năm - thuộc top 1% chiến thắng thị trường.

Những NĐT này có phương pháp và hệ thống đầu tư/giao dịch khác biệt và xây dựng được lợi thế rõ ràng so với phần đông NĐT trên thị trường.

6. Học đầu tư và đầu tư hiệu quả có dễ?

Có nhiều phong cách đầu tư mang lại hiệu quả tốt. Nhưng quan trọng nhất, NĐT cần tìm được phương pháp phù hợp với tính cách và điều kiện của mình để có thể dễ dàng học, áp dụng và kiên trì theo đuổi.

Những guru đầu tư thành công nhất trên thế giới đa phần đều rất cởi mở trong việc chia sẻ về triết lý và phương pháp đầu tư của mình. Mọi người đều có thể dễ dàng tìm đọc các sách và notes (ghi chú - PV) họ viết, hoặc theo dõi các video các cuộc phỏng vấn, trao đổi của các top investors/traders này để học hỏi.

Các phương pháp đầu tư hiệu quả hầu hết không quá phức tạp để tìm hiểu nhưng luôn khó để thực hiện tốt. Nó yêu cầu sự tuân thủ và kỷ luật hành động nhiều khi đi ngược lại bản năng của chúng ta. Bởi vậy tìm được phương pháp đầu tư hiệu quả và phù hợp là không dễ dàng. Và kết quả vượt trội thường không dành cho số đông.

7. Nhà đầu tư F0 nên làm gì?

Với những ai không có điều kiện dành hết thời gian và tâm sức cho nghề đầu tư, lựa chọn tốt khi muốn phân bổ tài sản vào kênh chứng khoán là:

- Mua các Chứng chỉ Quỹ chỉ số,

- Ủy thác cho các NĐT chuyên nghiệp đã có uy tín và record tốt.

- Dành một phần tiền tự đầu tư cho những cổ phiếu mà mình đã lựa chọn kỹ và đặc biệt hiểu rõ.

Điều rất quan trọng là có một kỳ vọng lợi nhuận hợp lý để tránh bị cuốn vào những rủi ro quá lớn, duy trì được sự bền bỉ để tận hưởng sức mạnh lãi kép của quá trình đầu tư lâu dài.

8. TTCK VN - 10 năm khói lửa 2011 - 2021 đã mang lại gì cho NĐT?

Tổng Giám đốc SGI Captial chỉ ra 5 điểm chung của nhà đầu tư thua lỗ và kinh nghiệm cho nhà đầu tư F0 - Ảnh 2.

Nguồn: NVCC.

VN-Index hiện đang ở quanh mốc cao lịch sử 1.200 điểm sau khi tăng 130% trong 10 năm qua. Trong đó không ít lần thị trường chịu tác động xấu khiến Vnindex giảm giá mạnh 20-40% rồi tăng mạnh 30-50% chỉ trong vài tháng.

Nhưng điều thú vị của TTCK không chỉ nằm ở biến động của VN-Index. Giá trị lớn nhất TTCK mang lại cho NĐT nằm ở câu chuyện của từng cổ phiếu. Có thể phân loại cổ phiếu thành 4 nhóm theo mức độ tăng/giảm giá 10 năm qua:

- Nhóm Tuyệt vời - tăng 8 - 12 lần, 25%-30%/năm: HPG PNJ VNM MWG (Một số midcap như VCS, PTB tăng giá 30 lần).

- Nhóm Tốt - tăng 5-6 lần, 20%/năm: FPT VIC MBB VCB...

- Nhóm Trung bình - tăng 2-3 lần, 6%-12%/năm: CTG SSI MSN...

- Nhóm Tồi - lỗ 15 - 85%: BVH FLC SJS, PVX, HAG....

9. Vật đổi sao rời, rủi ro và cơ hội

HAG, BVH, SJS, PVX đã từng là những cổ phiếu tuyệt với tăng giá rất tốt trong giai đoạn 2006-2010. VNM và CTD là 2 cổ phiếu tốt nhất Việt Nam trong giai đoạn 2010 - 2016, nhưng 5 năm qua giá VNM chỉ còn tăng thấp hơn lãi suất ngân hàng, còn CTD lỗ 50%. 

Rất nhiều sự đổi ngôi đã, đang, và sẽ diễn ra. Điều đó tạo ra rủi ro, đồng thời cũng chính là vẻ đẹp và sự quyến rũ của thị trường chứng khoán.

10. Kết bài:

Công việc chính của mọi NĐT nằm ở hai quyết định: lựa chọn thời điểm, và lựa chọn cổ phiếu. Chọn thời điểm tốt giúp giảm rủi ro và mang lại lợi thế, còn chọn cổ phiếu tốt giúp mang lại gia tài.

Nhìn sang các nền kinh tế đi trước Việt Nam để thấy hai xu hướng dài hạn:

Thứ nhất, mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục giảm.

Thứ hai, đầu tư tài chính là con đường tất yếu trong quá trình tích lũy và phát triển tài sản cá nhân.

Lê Chí Phúc - Tổng Giám đốc SGI Captial

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.