|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tổng đàn heo cả nước sẽ duy trì khoảng 29 - 30 triệu con giai đoạn 2020 - 2030

12:21 | 26/12/2019
Chia sẻ
Định hướng phát triển các đối tượng vật nuôi trong giai đoạn 2020 - 2030 về chăn nuôi heo sẽ duy trì qui mô khoảng 29 - 30 triệu con; đàn gà thường xuyên có khoảng 400- 450 triệu con...

Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết ngày 25/12 tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị “Đánh giá kết quả chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008 - 2018 định hướng phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040”.  

Cụ thể, theo Dự thảo phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040 sẽ có 13 nhóm giải pháp cần tập trung và triển khai đồng bộ, trong đó Nhà nước tập trung xây dựng cơ chế, chính sách để tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển chăn nuôi. 

Theo đó, định hướng phát triển các đối tượng vật nuôi trong giai đoạn 2020 - 2030 về chăn nuôi heo sẽ duy trì qui mô khoảng 29-30 triệu con; đàn gà thường xuyên có khoảng 400- 450 triệu con, chăn nuôi trâu bò ổn định từ 2,4 - 2,6 triệu con; chăn nuôi dê cừu ổn định từ 4 - 4,5 triệu con…

Tầm nhìn đến 2040 ngành chăn nuôi là ngành kinh tế kĩ thuật hiện đại được công nghiệp ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng, giải pháp phát triển chăn nuôi, dự thảo chiến lược đề ra 4 đề án liên quan đến các lĩnh vực cần tập trung nguồn lực để thực hiện thời gian tới.

Cụ thể phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi và công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi, bảo đảm an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực kiểm soát soát dịch bệnh và xử lí chất thải trong chăn nuôi; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực quản lí Nhà nước đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ và xúc tiến thương mại ngành chăn nuôi thú y.

Góp ý cho Dự thảo, nhiều đại biểu cho rằng, cần nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn để các địa phương triển khai trong quá trình thực hiện, đồng thời tháo gỡ những khó khăn về tích tụ đất đai, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, gia tăng qui mô trang trại chăn nuôi khép kín và an toàn. 

Bên cạnh đó có các chính sách thúc đẩy công nghiệp chế biến và liên kết các doanh nghiệp chăn nuôi trong chuỗi giá trị.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi - thú y Hà Nội đề nghị bổ sung chi tiết hơn về qui mô chăn nuôi và chế biến sâu, theo đó nâng qui mô trang trại lên. Về giải pháp cụ thể hóa hơn khi giao cho các địa phương thực hiện, đặc biệt là hệ thống quản lí ngành, có làm được hay không là bộ máy ở cơ sở.

Còn theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, qui mô ngành chăn nuôi còn nhỏ lẻ, triển khai Luật Chăn nuôi cũng như Chiến lược chăn nuôi giai đoạn mới phải có bước đi từng giai đoạn, tuy nhiên, có những vướng mắc phải quyết liệt trong tháo gỡ để đảm bảo cơ cấu và tổng sản lượng thực phẩm phù hợp với từng năm và từng giai đoạn.


Như Huỳnh