|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tổng Cục Thống kê: Sản lượng tiêu 2021 đạt gần 272.000 tấn, cao gấp rưỡi so với ước tính của VPA

08:34 | 02/07/2021
Chia sẻ
Theo Tổng Cục Thống kê sản lượng tiêu trong 6 tháng đầu năm 272.000 tấn tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cao gấp rưỡi so với ước tính của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đưa ra trước đó.

Con số của Tổng Cục Thống kê và VPA chênh lệch gần 100.000 tấn

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, sản lượng tiêu trong 6 tháng đầu năm đạt gần 272.000 tấn tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cao hơn nhiều so với ước tính của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đưa ra trước đó.

Theo đó, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho rằng sản lượng tiêu năm nay có thể giảm 25-30% còn khoảng 180.000 tấn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu 2020.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết số liệu của Tổng Cục Thống kê là tổng hợp từ các địa phương và được coi là con số pháp lý. 

"Số liệu của Hiệp hội chỉ là ước tính còn số liệu của số liệu của Tổng Cục Thống kê được tổng hợp theo hệ thống số liệu của địa phương và mang tính pháp lý. Chúng tôi sẽ làm việc lại với phía VPA để thống nhất về con số", ông Cường cho biết.

Về phía hiệp hội, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VPA cho rằng con số thực tế thấp hơn so với nhiều so số liệu thống kê của Tổng Cục Thống kê bởi diện tích co hẹp do chịu tác động của giá thấp và thời tiết không thuận lợi.

Hồi đầu năm VPA đã khảo sát diện tích và sản lượng. Đối với hai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai, theo đánh giá của các nông hộ địa phương, sản lượng hồ tiêu niên vụ 2020 - 2021 có thể giảm 30-40% so với năm trước do nắng hạn đột ngột xảy ra vào thời điểm cây ra bông và sự thiếu đầu tư khiến chuỗi bị răng cưa và thưa trái. 

Tuy nhiên, đoàn khảo sát của VPA đánh giá sản lượng hồ tiêu ở 2 tỉnh có thể giảm từ 20-25%.

Còn tại Đắk Nông, nơi được cho là thủ phủ tiêu của Việt Nam, VPA cho biết phần lớn diện tích là vườn tiêu trẻ dưới 10 năm, đang trong giai đoạn cho năng suất tốt. 

Tuy nhiên, thời tiết cực đoan đã khiến các vườn tiêu ở Đăk Nông bị ảnh hưởng tương tự các vùng khác như chuỗi ngắn và răng cưa. Thậm chí một số vườn được quan sát cho thấy cây phát triển rất tốt nhưng không ra chuỗi. 

Qua thông tin khảo sát, năng suất hồ tiêu vụ 2020 - 2021 giữa các huyện Tuy Đức, Đắk R'Lấp, Đăk Song và Đăk Mil giảm với mức độ khác nhau tuy nhiên con số giảm bình quân từ 15-20% của tỉnh Đăk Nông được đánh giá thấp nhất trên cả nước.

Ông Nguyễn Nam Hải cho hay hiệp hội đã hỏi Sở NN&PTNT một số tỉnh xác định diện tích tiêu chết ở địa phương nhưng các cơ quan này vẫn chưa công bố.

"Việc dự báo phải dựa trên số liệu dựa diện tích của các Sở NN&PTNT mới chính xác được. Nếu dựa vào cuộc đi khảo sát thì không được chuẩn. Nếu thuê đơn vị độc lập khảo sát thì chi phí cao, Hiệp hội không đáp ứng được", ông Hải nói.

Con số sản lượng hồ tiêu liên tục gây tranh cãi

Đây không phải là lần đầu tiên con số về sản lượng hồ tiêu niên vụ 2020 - 2021 gây tranh cãi. Trong lần khảo sát thứ nhất diễn ra vào tháng 6/2020, VPA đưa ra dự báo sản lượng hồ tiêu năm 2021 tiếp tục giảm mạnh 20.000 tấn, tương đương 8,3% so với năm 2019 xuống còn 220.000 tấn.

Thế nhưng con số này vấp phải nhiều ý kiến phản đối dẫn đến VPA phải khảo sát lại lần 2.

Đại diện VPA cho biết cho biết thực chất đoàn khảo sát vừa qua chỉ đi một số vùng sát đường lộ. Tình hình tiêu chết hoặc người dân chuyển đổi sang cây trồng khác ở các vùng còn lại thế nào thì VPA chưa nắm được hết.

Tại cuộc họp ban chấp hành VPA diễn ra trong quý I/2021, ông Nguyễn Tấn Hiên Phó TGĐ Công ty Cổ phần TM DV XNK Trân Châu, đồng thời là Phó Chủ tịch VPA cho rằng sản lượng năm 2021 giảm nhưng không đến mức 30% như các dự báo khác.

"Đợt khảo sát hồ tiêu của VPA vừa qua tập trung quá nhiều vào các vùng tiêu chết, thậm chí có vườn chết cách đây nhiều năm.

Do đó, Hiệp hội cần lên kế hoạch khảo sát riêng, không nên quá phụ thuộc vào người địa phương để kết quả mang tính khách quan hơn", ông Hiên cho biết.

H.Mĩ

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.