Tổng cục Hải quan nói lí do khiến loạt cán bộ hải quan bị bắt
Ngày 27/3, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 4 bị can.
Ngày 28/3, Tổng cục Hải quan đã phát đi thông tin nói rõ thêm về vụ việc này. Theo đó, Tổng cục Hải quan là nơi phát hiện và khởi tố vụ án trước khi chuyển cơ quan công an.
Trước đó, ngày 6/8/2019, Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QĐ-ĐTCBL về tội buôn lậu xảy ra tại khu vực cửa khẩu quốc tế Lào Cai và chuyển toàn bộ hồ sơ sang Cơ quan An ninh điều tra (A09) - Bộ Công an để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.
Cụ thể, tháng 8/2019, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Cục Điều tra chống buôn lậu (Đội 7) đã tiến hành điều tra, xác minh đối với Công ty cổ phần Diệp Bảo Anh, địa chỉ tại số 074 đường Sơn Đạo, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai.
Căn cứ kết quả điều tra, toàn bộ số hàng hóa 56,7 nghìn tấn thuộc 79 Tờ khai do Công ty Diệp Bảo Anh làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, xuất khẩu hàng hóa khai báo là “Xỉ có thành phần chính là Fe2O3, SiO2,... thu được từ công nghệ luyện thép đã được tinh chế dạng bột”, thực tế đều là tinh quặng sắt.
Toàn bộ số hàng hóa này không có nguồn gốc hợp pháp. Trị giá hàng hóa vi phạm lớn, khoảng trên 66,5 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Hải quan, Công ty Diệp Bảo Anh đã có nhiều hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Đó là các đối tượng có liên quan thuộc Công ty Diệp Bảo Anh đã có hành vi cố ý khai báo sai về tên hàng, lập khống hồ sơ nguồn gốc đầu vào, sử dụng chứng từ giả mạo đưa vào bộ hồ sơ hải quan để xuất khẩu hàng hóa thuộc diện không được phép xuất khẩu.
Hành vi của các đối tượng có dấu hiệu cấu thành tội Buôn lậu quy định tại Điều 188, Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Ngoài hành vi trên, các đối tượng có liên quan trong Công ty Diệp Bảo Anh và các Công ty khác có liên quan đã có hành vi phát hành, mua bán trái phép hóa đơn... có dấu hiệu cấu thành Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách quy định tại Điều 203, Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Quá trình thụ lý hồ sơ Cơ quan An ninh điều tra (A09) đã bắt tạm giam các đối tượng chính trong Công ty Diệp Bảo Anh, đồng thời có công văn yêu cầu phía Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu) phối hợp để điều tra.
Quá trình phối hợp Cục Điều tra chống buôn lậu đã trao đổi và cung cấp đầy đủ thông tin cũng như bàn giao bổ sung cho A09 những tài liệu quan trọng liên quan đến lĩnh vực về khoáng sản (tinh quặng sắt)
Đề cập công tác xử lý cán bộ, Tổng cục Hải quan cho biết: Trên tinh thần không bao che, xử lý nghiêm cán bộ nếu có sai phạm, căn cứ kết quả điều tra, xác minh ban đầu của Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan tỉnh Lào Cai, Cục Kiểm định Hải quan rà soát, đánh giá, xem xét xử lý đối với các tập thể, cá nhân liên quan trong vụ việc trên.
Ngày 27/3/2020, Tổng cục Hải quan đã tạm đình chỉ công tác đối với 03 công chức Phùng Như Tùng, Hoàng Duy Huân và Lê Khánh Hương thuộc Cục Kiểm định để phục vụ kiểm điểm, xem xét trách nhiệm.
Các bị can bị khởi tố ngày 27/3 gồm:
Hoàng Duy Huân (SN 1980), cán bộ Trung tâm phân tích, Cục Kiểm định Hải quan, Tổng cục Hải quan.
Phùng Như Tùng (SN 1979), Trưởng Trung tâm phân tích, Cục Kiểm định Hải quan, Tổng cục Hải quan.
Lê Khánh Hương (SN 1980), cán bộ Chi cục Kiểm định Hải quan 1, Cục Kiểm định Hải quan, Tổng cục Hải quan.
Lê Thị Thanh Hương (SN 1968), Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ địa chất, khoáng sản – Viện khoa học địa chất và khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường.