Tổng công ty May 10 đã hết nỗi lo bị thâu tóm?
Thành Thành Công toan tính gì khi quyết 'thâu tóm' Tanisugar? |
Ngày 10/1 vừa qua, toàn bộ 18,9 triệu cổ phiếu M10 của Tổng công ty May 10 – CTCP (Garco10) đã chính thức giao dịch trên UpCOM. Với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 22.800 đồng/cổ phiếu, M10 được định giá gần 431 tỷ đồng. Đây là sự kiện được các nhà đầu tư trông đợi sau sự kiện May Việt Tiến lên sàn thành công năm 2016.
Việc May 10 quyết định niêm yết trên sàn chứng khoán vào thời điểm này cũng khiến nhiều nhà đầu tư khá bất ngờ. Cách đây 2 năm, nhờ hiệu ứng TPP và FTA Việt Nam - EU, các cổ phiếu ngành dệt may được giới đầu tư liên tục săn đón. Năm 2016, việc Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến đưa 28 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM đã khiến cổ phiếu ngành may mặc càng thêm "nóng". Với giá khởi điểm 40.000 đồng/cổ phiếu, toàn bộ số cổ phiếu đã được bán hết với lượng đặt mua cao hơn nhiều số cổ phiếu được phát hành trên thị trường. Mã cổ phiếu này đã có lúc tăng vọt 400% lên mức 160.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, tại thời điểm được coi là "thiên thời địa lợi" đó, May 10 lại chưa chọn "ra quân". Doanh nghiệp may mặc này lo sợ về một kịch bản bị các nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm sẽ không còn là công ty Việt Nam nữa. Trong khi đó, May 10 lại không có nhu cầu huy động vốn trên sàn chứng khoán. Lãnh đạo công ty từng chia sẻ, tuy tài chính của May 10 không dồi dào lắm, nhưng khi cần đầu tư, May 10 có thể vay được khá dễ dàng từ các khách hàng của mình. Mỗi khách hàng có thể cho May 10 vay từ 1-2 triệu USD, lãi suất bằng 0% và trả trong 7 năm.
Quyết định lên sàn, tổng công ty May 10 đã hết nỗi lo bị thâu tóm? |
Theo báo cáo kiểm toán ngày 15/12/2017, May 10 có vốn chủ sở hữu là 189 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ gần gấp đôi so với đầu năm. Tính đến ngày 20/11/2017, đơn vị này có 2 cổ đông lớn nắm giữ 39,55% vốn điều lệ.
Trong đó, tập đoàn Dệt may Việt Nam với 6.392.124 cổ phần nắm giữ tương đương 33,82% do bà Nguyễn Thị Thanh Huyền và ông Phạm Duy Hạnh làm người đại diện phần vốn góp. Cá nhân bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng sở hữu 5,73%, tương ứng 1.083.500 cổ phần. Đặc biệt, tại thời điểm trên, May 10 không có cổ đông nước ngoài nào, 100% cổ đông gồm 1 tổ chức và 1.091 cổ đông cá nhân đều là trong nước.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã công bố, quý 3/2017 doanh thu thuần của May 10 đạt 867,6 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, hai mảng hoạt động mang lại doanh thu chính là hoạt động bán hàng (chiếm 77,6%) và gia công đóng (chiếm 21,73). Sản phẩm chủ lực các năm gần đây của May 10 vẫn là sơ mi với tỷ trọng hơn 42% doanh thu. Do chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng cao nên cuối quý, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 14,1 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Tính đến 2017, cả nước mới chỉ có khoảng 30 trong số 6.000 doanh nghiệp dệt may lên sàn. Tuy không có lợi thế về xuất khẩu như May Việt Tiến nhưng theo các nhà đầu tư cũng như phân tích thị trường, May 10 sẽ là một cổ phiếu khá hứa hẹn.
Tháng 1/2004 Tổng công ty May 10 chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Năm 2010, CTCP May 10 chuyển sang mô hình Tổng công ty và đổi tên thành Tổng công ty May 10 - CTCP. Hoạt động chính của Tổng công ty May 10 - CTCP là sản xuất hàng may mặc, giày dép, hàng da. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng hoạt động trong các lĩnh vực như giáo dục nghề nghiệp, giáo dục mầm non, thủ công mỹ nghệ... Hiện May 10 sở hữu 11 nhà máy trải dọc từ Hà Nội tới Quảng Bình với hơn 7.600 lao động.