Tổng chi phí tăng hơn 7.200 tỷ đồng, EVN đang xây kịch bản giá điện 2017
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu EVN xây dựng giá điện theo nguyên tắc tính đủ, đúng chi phí trong giá thành, đảm bảo có lợi nhuận phù hợp, tạo dư địa thu hút đầu tư.
Xây dựng giá điện theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ
Chiều nay (26/4), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (DN) đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tình hình sản xuất, kinh doanh của tập đoàn này trong giai đoạn 2017- 2020.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ Hội nghị Trung ương 5 diễn ra vào đầu tháng 5/2017 sẽ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 Khóa XI về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN. “Trong giai đoạn hiện nay, đây là một trong 5 trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế cần được các Bộ, ngành, địa phương và các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty lớn như EVN thực hiện hiệu quả”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng liên quan tới khung giá điện tới 2020, cơ chế điều hành giá bán lẻ điện bình quân. Chính phủ cũng đang chỉ đạo EVN xây dựng kịch bản điều hành giá điện năm 2017 trình Thủ tướng phê duyệt.
Trước bối cảnh trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Tập đoàn EVN cần làm rõ kết quả sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp trong thời gian qua và kế hoạch sắp tới, trong đó có các vấn đề về cổ phần hóa, thoái vốn, xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh, tái cơ cấu tài chính, quản trị, nhân lực, công nghệ,...
Về nhiệm vụ ban hành kịch bản giá điện năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu EVN xây dựng giá điện theo nguyên tắc tính đủ, đúng chi phí trong giá thành, đảm bảo có lợi nhuận phù hợp, tạo dư địa thu hút đầu tư, đảm bảo an ninh năng lượng, nhất là đảm bảo thu hút đầu tư năng lượng điện gió, mặt trời và kiềm chế lạm phát.
Đến thời điểm này, EVN đã hoàn thành xây dựng và phát triển thị trường điện cạnh tranh theo lộ trình được Thủ tướng phê duyệt và vận hành theo đúng quy định. Đến cuối năm 2016 có 73 nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường điện với tổng công suất 17.929 MW, chiếm 46% tổng công suất đặt toàn hệ thống.
Tổng doanh thu của EVN năm 2016 tăng 14% so với năm 2015. |
Có thể cơ cấu lại các chủ đầu tư tại một số dự án điện
Năm 2016, tổng doanh thu toàn EVN đạt 278.031 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2015. Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2016 của EVN và các đơn vị đều có lãi.
Trong năm 2017, theo tính toán của EVN, tổng chi phí sản xuất kinh doanh tăng thêm do biến động các yếu tố đầu vào (giá than, khí, dầu,…) là hơn 7.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, EVN cũng đặt ra một loạt các giải pháp giảm chi phí sản xuất để giảm gần 3.000 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm.
Ghi nhận những thành quả mà EVN đạt được trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, “nếu tập đoàn, tổng công ty nhà nước mạnh lên thì góp phần làm cho đất nước mạnh lên”.
Giao nhiệm vụ cho EVN, Phó Thủ tướng yêu cầu tập đoàn này tập trung chỉ đạo trọng tâm, trọng điểm thực hiện các dự án nguồn, lưới điện quan trọng; xây dựng kịch bản, cân đối nguồn vốn, từng năm một trong giai đoạn 2017- 2020 và xa hơn nữa; tiết kiệm chi phí tối thiểu 10%.
Bộ Công Thương tiếp tục rà soát quy hoạch phát triển điện lực của các tỉnh, thành phố để có kế hoạch phù hợp, sẵn sàng giải pháp cung ứng điện để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, nhất là với các dự án trong sơ đồ Quy hoạch điện 7; đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cơ cấu lại các chủ đầu tư tại một số dự án điện nếu thấy cần thiết.
Về cổ phần hóa, thoái vốn, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương, tập đoàn EVN phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa tại các Tổng công ty phát điện, cố gắng thực hiện được trong Quý III/2017.