Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: 'Phải tiếp tục cuộc đấu tranh chống tham nhũng'
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận. Ảnh: TTXVN.
Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 14.5, tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước.
Chánh Văn phòng T.Ư Đảng Nguyễn Văn Nên thay mặt lãnh đạo 4 Văn phòng (Văn phòng T.Ư Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ) báo cáo một số tình hình và kết quả công việc tháng 4.2019; đề xuất một số vấn đề cần quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới và các lãnh đạo chủ chốt đã thảo luận.Dự họp có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Bí thư T.Ư Đảng, Chánh Văn phòng T.Ư Đảng Nguyễn Văn Nên.
Thanh Niên điểm lại một số nội dung đáng chú ý đã được ghi và phát trên Đài truyền hình Việt Nam (VTV) vào tối cùng ngày.
Quan tâm nhiều hơn đến Đại hội Đảng bộ các cấp và các tỉnh
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng tháng 4 và tháng 5 có nhiều nhiệm vụ đối nội, đối ngoại quan trọng: "Tất cả những chương trình, kế hoạch dự kiến công tác đã có, ta phải tiếp tục đẩy mạnh và bám sát. Các đồng chí phụ trách các lĩnh vực, các ngành luôn luôn, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu thực hiện cho tốt. Càng kết thúc sớm được những việc dở dang lâu nay thì người ta càng hoan nghênh".
Tổng bí thư, Chủ tịch nước lấy ví dụ: "Vừa rồi quy hoạch báo chí công bố lên là tốt. Luật lao động ta quyết tâm ta làm, công bố công khai lên, tự nhiên rất là tốt".
Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu rà lại tất cả chương trình kế hoạch trong báo cáo đại diện 4 văn phòng đã nêu; phải bám sát, không được chủ quan, thoải mái, nhất là ở các bộ các ngành.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh sự quan trọng của việc chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước lưu ý: “Phải quan tâm nhiều hơn đến Đại hội Đảng bộ các cấp và các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh, kể cả xuống đến cơ sở; không chỉ chăm chăm chuẩn bị cho tỉnh hay là chỉ lo cho T.Ư. Trách nhiệm các địa phương cũng phải tham gia rất lớn vào Đại hội 13 thành công tốt đẹp".
Về công tác chuẩn bị Đại hội 13 của Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu phải chú ý cả hai việc: các chương trình nghị sự, nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhân sự.
"Không phải Đại hội chỉ chăm chăm vào chuẩn bị nhân sự. Chuẩn bị Đại hội các cấp là nhiều việc lắm chỉ đừng chỉ loanh quanh nhân sự", Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhắc lại.
Nêu ví dụ công việc cụ thể ở mỗi địa phương trong việc chuẩn bị đại hội, Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu các địa phương cần phải đưa được nhiều kiến nghị lên T.Ư.
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, những kiến nghị của địa phương sẽ là cơ sở để từ đó T.Ư tập hợp để hình thành kế hoạch cho 5 năm, 10 năm tới.
Lãnh đạo chủ chốt Đảng, Nhà nước tại phiên họp. Ảnh: TTXVN.
Phát huy tinh thần đoàn kết từ T.Ư đến địa phương
Tại cuộc họp, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh về việc phải phát huy tinh thần đoàn kết từ T.Ư đến địa phương.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu: “Phải nêu rất cao tinh thần đoàn kết, thống nhất rất cao trong Đảng, tất cả các cấp các ngành. Lớn nhất là lợi ích của đất nước, của dân tộc. Phải đoàn kết, thống nhất cao, nhất là trên T.Ư. Mỗi ngành một thế mạnh tập hợp lại thành một lãnh tụ tập thể. Địa phương cũng phải thế, tình hình hiện nay là rất cần thiết”.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh việc cần phải tiếp tục đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí: “Phải tiếp tục cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Vừa qua ta làm tốt. Vừa rồi, Ban kiểm tra T.Ư họp, không có dừng lại; cách làm rất chặt chẽ, động viên khuyến khích nhưng phải rất nghiêm không người ta cảm thấy lo lắng, chùng xuống hay thế nọ thế kia; tuyệt đối xóa cái ấn tượng đó đi. Phải làm tiếp một vài vụ cho ra. Các đồng chí không được nghỉ ngơi, không được có cái gì người ta cảm thấy là chùng xuống cả. Có khi phải làm mạnh hơn nữa thì mới tốt”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Văn phòng T.Ư Đảng chủ trì, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tham mưu, đề xuất bố trí các công việc của các lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước; bảo đảm các hoạt động của Đảng, Nhà nước thông suốt, nhịp nhàng, hiệu quả cao.