|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tôi đi học startup

10:17 | 04/02/2019
Chia sẻ
Startup nghe cũng đã quen tai ở Việt Nam từ vài năm nay, nhưng bắt tay vào làm mới thấy cũng chả dể chơi. Chỉ mấy thuật ngữ như mentor, pitching, venture capital, angel network, rồi incubators... nghe đã đủ loạn óc. Nhưng vừa hay thấy trên Facbook có chương trình đào tạo kiến thức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn Hà Nội năm 2018, đánh liều đăng ký và ghi danh ai dè được ban tổ chức chấp nhận cho học...

Khởi nghiệp hay lập nghiệp?

toi di hoc startup

Điều mà nhiều người (trong đó có tôi) hay bị nhầm lẫn về mặt khái niệm, đó là cụm từ khởi nghiệp, hay gọi đầy đủ hơn là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (tiếng Anh gọi là startup, hay startup) dễ bị nhầm lẫn với lập nghiệp (tức là quá trình thành lập một công ty, có thể là công ty gia đình, hay một doanh nghiệp vừa và nhỏ) của một/hay vài cá nhân nào đó.

Bài tập nhóm đầu tiên của chúng tôi được thầy Phạm Tuấn Hiệp (Giám đốc dự án của BK Holdings, một chuyên gia giảng dạy về startup) yêu cầu làm là nêu ra các đặc tính cơ bản của một doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Lớp học được chia ra làm 4 nhóm, và mỗi nhóm đưa ra các khái niệm mà các thành viên trong nhóm đề xuất. Cuối cùng, giảng viên tóm tắt lại như sau: Doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) là doanh nghiệp vừa và nhỏ được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng rất nhanh. Sở dĩ startup có khả năng tăng trưởng nhanh là vì nó có tính mới, tính sáng tạo ưu việt (đột phá), có thể giải quyết cung cầu một cách hiệu quả nhất và thúc đẩy (đánh thức) nhu cầu mới.

Những cái tên startup thành công ở Việt Nam được thầy Hiệp nhắc tới cho đến nay là Vinagame, Topica, VnExpress…

“Nếu cả Việt Nam hiện nay có khoảng 650.000 doanh nghiệp đang hoạt động với giá trị vốn hóa cỡ 160-180 tỷ USD thì hệ sinh thái khởi nghiệp ở nước ta hiện tập trung cỡ 3.000 công ty khởi nghiệp sáng tạo, với giá trị vốn hóa cỡ 1 vài tỷ USD, chiếm cỡ 0,5% tổng giá trị vốn hóa toàn bộ doanh nghiệp ở Việt Nam”, thầy Phạm Tuấn Hiệp cho biết.

Như vậy, nếu tính từ thời điểm thuật ngữ startup được nhắc tới nhiều ở Việt Nam (năm 2015), cũng là năm đầu tiên Techfest Vietnam (Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì) được tổ chức thì đến nay đã có 20 trường đại học trên cả nước có vườn ươm (incubators), nhưng cộng đồng các cố vấn (mentors) hay cộng đồng các nhà đầu tư (investors) cũng mới qua giai đoạn số 0, vẫn theo thầy Phạm Tuấn Hiệp.

Việt Nam khởi nghiệp

Nếu so với một Quốc gia Khởi nghiệp (Startup Nation) như Israel, thì Việt Nam mới đang mò mẫm và hình thành các hệ sinh thái cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Điều này có vẻ cũng đúng khi lớp học của chúng tôi bao gồm khá nhiều thành phần, từ đại diện các doanh nghiệp nhỏ (làm bia rượu, đồ nội thất, rau hữu cơ, buôn bán, trung tâm dạy tiếng Anh…), đến các giảng viên đại học (nơi đã và sẽ có mô hình vườn ươm), các nhà tư vấn doanh nghiệp (coach) và cả nhà báo như tôi… Các lớp khác cũng trong chương trình học này của Hà Nội còn có đại diện cán bộ sở, ngành liên quan.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc BK Holdings, Đại sứ Đổi mới sáng tạo của Việt Nam cho biết sở dĩ có “cơn cuồng” về khởi nghiệp hiện nay một phần là do lỗi của… truyền thông. Tinh thần khởi nghiệp được truyền thông “thổi lửa” cháy ầm ầm trong những năm qua nhờ hàng loạt các chương trình ăn khách như “Thương vụ bạc tỷ”, “Cà phê khởi nghiệp” trên tivi, cùng hàng loạt các chuyên mục, bài viết trên báo chí ngày đêm nhắc tới khởi nghiệp ở Việt Nam, cũng như các thương vụ, kinh nghiệm về startup trên thế giới.

Thực tế thì sao? “Theo đánh giá của các chuyên gia Israel, trên 95% các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam chưa phải là các startup đúng nghĩa”, chuyên gia về khởi nghiệp Nguyễn Trung Dũng nói và đưa ra thêm câu hỏi: Tại sao chưa có một startup thực sự thành công ở Việt Nam?

Theo tiến sĩ Dũng, đó là bởi vì để xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho khởi nghiệp, các nước thường mất thời gian cỡ 10-15 năm, trong khi tất cả mới chỉ là bắt đầu ở Việt Nam (rộ lên từ 3-4 năm nay).

“Các thương vụ bạc tỷ vốn chủ yếu các các show diễn ăn khách trên truyền hình. Tỷ lệ “xuống tiền” (đầu tư) thực tế mới chỉ cỡ 30% ở Việt Nam, trong khi đó ở Mỹ là 60%”, tiến sĩ Dũng nói.

Thời gian gần đây, nhiều quĩ đầu tư nước ngoài lớn cũng đã xuất hiện ở Việt Nam, nhưng họ chưa thể tìm các startup có qui mô (phát triển) lớn đủ tầm để họ đầu tư, cỡ vài triệu đô la, thậm chí vài chục triệu USD.

Vietnam Silicon Valley (VSV), một chương trình ươm tạo và đầu tư khá thành công cho các startup ở Việt Nam hiện nay cũng thường dừng lại ở mức đầu tư mồi cỡ 20.000 USD. “Chúng tôi mỗi năm nhận cỡ 200 đến 250 hồ sơ startup nhưng chỉ đầu tư cỡ 10-15 dự án, mỗi dự án đầu tư khoảng 20.000 USD mồi cho chương trình ươm tạo 4 tháng”, anh Phạm Ngọc Huy, Acceletor Bootcamp Manager của VSV cho biết.

Nhưng cũng không phải toàn bộ các startup được lựa chọn ươm tạo thành công sau chương trình ươm tạo và tư vấn 4 tháng này. “1/3 số dự án chết ngay trong quá trình ươm tạo, 1/3 số startup khác có phát triển nhưng không có đột biến, và chỉ có cỡ 38% số startup được ươm tạo có khả năng gọi vốn ở vòng sau, tức là có thể bán lại với giá trị cao”, anh Huy cho biết và nhấn mạnh rằng: “Đây là con số trong mơ và VSV hiện dẫn đầu thị trường đầu tư mạo hiểm (cho các startup) ở Việt Nam”.

Thất bại thông minh

Đối với những người hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thất bại (fail) là một điều quá bình thường đối với một startup. Anh Mai Duy Quang, Giám đốc The Founder Institut (FI) thuộc Topica trong buổi nói chuyện về chủ đề Pitching (Thuyết trình gọi vốn) với chúng tôi cho rằng khi bắt đầu một startup, những người khởi sự cần chuẩn bị tâm thế cho sự thất bại.

“Cần chuẩn bị 99,99% cho sự thất bại, cho việc ‘ra đi thanh thản’ của một startup. Nhưng những người làm startup đừng coi thất bại là một sự xấu hổ. Ngược lại, nên coi đó là một sự trải nghiệm hay và thú vị”, anh Quang nói.

Đó có thể là một đánh giá tích cực về sự thất bại (appreciate the fail), hay nói cách khác là một thất bại thông minh (smart fail). “Quan trọng nhất là đừng thất bại 2 lần giống nhau là được”, anh nói. Bởi, người làm startup thất bại sẽ rút ra được những bài học kinh nghiệm quí giá để có thể tiếp tục khởi nghiệp cho lần kế tiếp. Sau thất bại thì làm gì? Hãy tìm cách xả, đi chơi, tìm các trò thú vị để tạm thời quên đi thất bại. Sau đó hãy bình tâm và thật tâm phân tích tại sao mình thất bại để chuẩn bị cho cuộc chơi tiếp theo.

“Hãy nhớ thất bại (cho startup) ở Việt Nam quá rẻ, nhiều thì chỉ cỡ vài trăm nghìn USD. Trong khi thất bại cho một startup ở Mỹ hay các nước phát triển khác đều cỡ vài triệu USD”, anh Quang nhấn mạnh và nói thêm: Với tinh thần kiểu “nhìn đâu cũng ra tiền, nhìn cái gì cũng có thể kiếm tiền” thì chúng ta lại dễ dàng startup, vấn đề có dám làm hay không mà thôi.

Theo tiến sĩ Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), “trong vòng 2-3 năm, chúng ta có thể có hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ chứ không thể có hàng nghìn startup” vì vẫn cần thời gian và chính sách cụ thể cho loại hình doanh nghiệp mới, nhưng cực kỳ quan trọng cho nền kinh tế cho giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai”. Nhưng nếu Việt Nam tạo lập được nền tảng tốt (cơ chế, chính sách và hệ sinh thái) thì chắc chắn sẽ có nhiều startup xuất hiện tại Việt Nam.

Xem thêm

Hà Thanh

[LIVE] ĐHĐCĐ bất thường Eximbank: Ông Nguyễn Hồ Nam và bà Lương Thị Cẩm Tú nói về đề xuất bãi nhiệm
Tại đại hội lần này, cổ đông ngân hàng xem xét các tờ trình như chuyển trụ sở từ TP HCM ra Hà Nội, miễn nhiệm thành viên Ban Kiểm soát và hai thành viên HĐQT.