|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tốc độ tăng nợ công gấp 3 lần GDP

17:15 | 25/10/2016
Chia sẻ
Nợ công tính đến năm 2015 bằng 62,2% GDP tuy vẫn trong giới hạn cho phép song tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn (18,4%/năm) là khá cao, gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP, Ủy ban Tài chính Ngân sách đánh giá.
toc do tang no cong gap 3 lan gdp
Tăng nợ công gấp 3 lần tốc độ tăng GPD. Minh hoa: VTC News.

Đó là nhận xét tại báo cáo Thẩm tra về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụn vốn vay và quản lý nợ công của Ủy ban Tài chính Ngân sách trình bày trước Quốc hội mới đây. Báo cáo của Chính phủ cho biết, nợ công tính đến năm 2015 là 2.608 tỉ đồng, bằng 62,2% GDP vẫn trong giới hạn cho phép (65% GDP).

Tuy nhiên, Ủy ban này nhận định, thực chất dư nợ công sẽ tiệm cận hoặc vượt giới hạn cho phép. Bởi, báo cáo của Chính phủ đã không tính đến các khoản nợ có tính chất nợ công, các khoản nợ khác của ngân sách nhà nước như nợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho 2 ngân hàng chính sách, nợ khối lượng xây dựng cơ bản...

Hơn nữa, tốc độ tăng bình quân nợ công cả giai đoạn khá cao (18,4%/năm), gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Tỷ lệ nợ Chính phủ/ GDP tăng từ 39,3% năm 2011 lên 50,3% năm 2015. Đặc biệt, chỉ tiêu nợ Chính phủ so với GDP năm 2015 là 50,3% đã vượt giới hạn trần cho phép (50%).

Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng lo lắng trước tình trạng, doanh nghiệp Nhà nước vay nợ không có khả năng tự trả sẽ chuyển thành nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ. Nếu quản lý không chặt chẽ sẽ chuyển thành nợ chính thức của Chính phủ, tạo thêm áp lực cho ngân sách.

Do đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ báo cáo, đánh giá rõ hơn về mức dư nợ công sau khi tính cả các khoản nợ có tính chất nợ công, các khoản nợ khác của ngân sách nhà nước.

Đồng thời, Chính phủ phải cung cấp số liệu liên quan đến nợ của doanh nghiệp Nhà nước, đánh giá sâu hơn về khả năng nợ xấu của các doanh nghiệp này có nguy cơ chuyển thành nghĩa vụ nợ dự phòng và số đã chuyển từ nợ dự phòng thành nợ chính thức của Chính phủ.

Cũng theo báo cáo thẩm tra, vốn vay trong nước ngắn hạn chiếm tỷ lệ cao, lãi suất cao, thời gian trả nợ ngắn nhưng lại được sử dụng cho các công trình, dự án có đầu tư và thu hồi vốn dài.

Tỷ lệ nghĩa vụ nợ gồm cả đảo nợ đã vượt giới hạn cho phép. Theo đó, nếu tính cả nghĩa vụ trả nợ phải đảo nợ thì tổng nghĩa vụ nợ đã ở mức 27,4% tổng thu ngân sách nhà nước vào năm 2015. Còn khi tính cả các khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh và các khoản vay về cho vay lại đang tiềm ẩn nguy cơ không có khả năng trả nợ, chuyển thành nợ trực tiếp của Chính phủ thì tỷ lệ nghĩa vụ nợ tiếp tục tăng.

Ủy ban này cho rằng, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ (bao gồm cả đảo nợ và cho vay lại) trên tổng thu ngân sách nhà nước khi chỉ số này đang có xu hướng tăng nhanh, vượt mức trần 25%, ảnh hưởng tới an ninh tài chính quốc gia. Chỉ số này tăng từ mức 21,7% năm 2013 lên mức 28,2% năm 2014 và 29,2% năm 2015.

Lo ngại ảnh hưởng tới nợ công mà báo cáo thẩm tra này nêu ra là tình trạng huy động và sử dụng vôn vay ODA. Tình trạng kiểm soát vốn ODA chưa nghiêm, nhiều năm bố trí dự toán thấp, giải ngân vượt dự toán dẫn đến tăng bội chi ngân sách, vượt mức Quốc hội giao.

Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, khi Việt Nam dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội phát triển Quốc tế (IDA), nợ công sẽ căng thẳng trong 10 năm tới.

Thái Hoàng