|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công là điểm sáng, kì vọng đạt tỉ lệ cao năm 2020

18:44 | 30/10/2020
Chia sẻ
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kì diễn ra chiều 30/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ cung cấp nhiều thông tin quan trọng về tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm.

Chiều 30/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kì tháng 10.

Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công là điểm sáng, kì vọng đạt tỉ lệ cao năm 2020 - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng tăng trưởng khá

Trong tháng 10, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH-ĐT), tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có sự cải thiện hơn so với tháng các trước khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, đến nay gần 60 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước đã có tăng trưởng khá.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2020 cùng mức tăng 0,09% so với tháng trước và so với tháng 12 năm trước - đều là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Bình quân 10 tháng năm 2020, CPI chỉ tăng 3,71% so với cùng kì năm trước.

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa là một điểm sáng với mức xuất siêu kỉ lục, trên 18,7 tỉ USD. Nông nghiệp tiếp tục giữ ổn định thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Giá cả nông sản cơ bản ổn định; an ninh lương thực quốc gia được bảo đảm.

Sản xuất công nghiệp tháng 10 tiếp tục khởi sắc, mở ra hi vọng sớm phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2020; đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo với mức tăng 8,3% so với cùng kì năm trước. Thương mại dịch vụ trong tháng 10 tiếp tục xu hướng tăng (tháng 10 tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kì năm trước).

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tháng 10 khởi sắc, tăng 18,4% so với tháng trước. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 10,4% so với cùng kì.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 10 ước tính đạt 52.000 tỉ đồng, tăng 42,2% so với cùng kì năm trước.

Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 10 ước tính đạt 14.800 lượt người, tăng 7,6% so với tháng trước (do nước ta chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế nên đối tượng khách quốc tế hiện là chuyên gia, lao động kĩ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam).

Lần đầu tiên nước ta hứng chịu lũ chồng lũ, bão chồng bão

Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công là điểm sáng, kì vọng đạt tỉ lệ cao năm 2020 - Ảnh 2.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại phiên họp Chính phủ sáng 30/10, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ dành một phút mặc niệm đến cán bộ, chiến sĩ hi sinh và nạn nhân thiệt mạng do mưa lũ. Từ đầu tháng 10 đến nay, tình hình mưa lũ phức tạp, thiệt hại vô cùng lớn, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Theo ông Mai Tiến Dũng, đây có thể coi là lần đầu tiên nước ta hứng chịu các trận lũ chồng lũ, bão chồng bão. Đến nay, các cơ quan đã thống kê được hàng trăm người chết và mất tích, 122.000 ngôi nhà hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại là 2.700 tỉ đồng.

Kì vọng về tỉ lệ giải ngân cao trong năm 2020

Trả lời về tình hình giải ngân vốn đầu tư công và giải pháp cho 2 tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết theo như báo cáo kết quả tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công có sự tăng mạnh. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hiện tại đã đạt 68%, cao hơn so với cùng kì năm ngoái hơn 10 điểm %.

"Điều này thể hiện kết quả của một loạt giải pháp, chính sách mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thực hiện từ đầu năm đến nay. Đây là kết quả đáng khích lệ và cũng là điểm sáng trong báo cáo kinh tế xã hội 10 tháng mà Bộ KH-ĐT đã trình bày tại phiên họp Chính phủ sáng nay", ông Phương nói.

Về giải pháp giải ngân từ nay đến cuối năm, ông Phương nhấn mạnh các giải pháp đã đưa ra là hoàn toàn đúng đắn. Trong báo cáo của Bộ KH-ĐT, Bộ đã có kiến nghị với Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp đã đề ra. Bộ cũng kì vọng về tỉ lệ giải ngân cao trong năm 2020.

Tuy nhiên, theo ông Phương, khu vực miền Trung - một trong ba khu vực kinh tế trọng điểm lớn của đất nước, vừa qua chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ, nhiều công trình hạ tầng kinh tế xã hội tại đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tiến độ thi công cũng như công tác về đầu tư công đối với khu vực này cũng bị ảnh hưởng nhiều. 

Việc này ảnh hưởng đến kết quả giải ngân đầu tư công của các địa phương trong vùng, qua đó tác động phần nào đó đến kết quả giải ngân của cả nước. 

"Tuy nhiên với những kết quả khả quan trong 10 tháng qua, chúng ta có thể tin tưởng rằng, tỉ lệ giải ngân sẽ đạt kết quả tích cực", ông Phương nói.

Không công trình nào chịu nổi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất

Trả lời về biện pháp chống chọi đối với các hình thái mưa lũ cực đoan, Thứ trưởng bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết các công trình nhà dân chủ yếu vẫn chống chọi được, các thiệt hại chủ yếu là mái tôn, cổng và vách kính. 

Về chống chọi với lũ lụt, ông cho biết các địa phương đã áp dụng xây dựng các loại nhà chống lũ cao 10-15 m, hoàn toàn có thể vượt qua các đỉnh lũ lịch sử. Các hộ dân có thể tích trữ lương thực và sống an toàn tại các nhà chống lũ trong nhiều ngày.

Tuy nhiên, đối với lũ quét, lũ ống và sạt lở đất, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng gần như không có giải pháp, công trình nào chịu được. Ông Thăng cho rằng quan trọng nhất là lựa chọn địa điểm, người dân không xây mới ở những nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

“Chúng ta đã có bản đồ về lũ quét, lũ ống, sạt lở đất nhưng tỷ lệ là 1/20.000 đến 1/50.000, mỗi xã chỉ là một chấm nhỏ. Vấn đề là làm sao đưa về tỷ lệ 1/500 thì mới ứng dụng được vào thực tiễn”, ông Hùng cho hay.

Anh Đào