Tổ hợp khoan dầu với hệ thống dẫn khí dài nhất thế giới nằm ở độ sâu 2.000 dưới mặt biển
Đây cũng là tổ hợp hợp khoan dầu đầu tiên trên thế giới có hệ thống ống dẫn khí đốt dài tới 300 km, nằm ở độ sâu 2.000 m dưới mặt biển.
Tổ hợp giàn khoan mang tên Kaombo có sản lượng khai thác ở mức 230.000 thùng dầu/ngày, chiếm 15% tổng sản lượng khai thác dầu hàng ngày của quốc gia Tây Phi này. Đây là dự án liên doanh đa quốc gia bao gồm Sonangol - công ty dầu khí thuộc sở hữu nhà nước của Angola, Total của Pháp, Sinipec của Trung Quốc, Esso của Mỹ và Galp của Bồ Đào Nha.
Giám đốc điều hành tập đoàn Total Patrick Pouyanne cho biết với sản lượng khai thác trên, tổ hợp Kaombo sẽ giúp nâng tổng sản lượng khai thác của Total trên toàn thế giới lên 600.000 thùng/ngày vào năm 2030. Chính vì vậy, theo ông Patrick, mỏ Kaombo đóng vai trò quan trọng trong đường hướng phát triển của tập đoàn. Hiện tại, 40% sản lượng khai thác dầu tại Angola do Total đảm nhiệm.
Nằm cách thủ đô Luanda của Angola 250km, tổ hợp Kaombo bao gồm hai giàn khoan nổi với tổng chiều dài lên tới 600m sẽ khai thác dầu thô từ 6 giếng dưới đáy biển trải dài trên 800 km2 - tương đương với diện tích thủ đô Paris của Pháp.
Từng chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 con số trong những năm 2000 nhờ vào xuất khẩu dầu thô - lĩnh vực kinh tế đóng góp tới 70% tổng thu ngân sách quốc gia, từ năm 2014, kinh tế Angola rơi vào suy thoái trầm trọng do giá dầu giảm mạnh. Mặc dù giá dầu phục hồi trong thời gian gần đây phần nào giúp vực dậy nền kinh tế nhưng Angola vẫn nằm trong danh sách những quốc gia nghèo nhất châu Phi với hơn nửa số dân hiện đang sống dưới mức nghèo khổ.