|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tổ chức trong nước mua ròng khớp lệnh 775 tỷ đồng khi VN-Index để mất hơn 34 điểm

20:30 | 26/12/2022
Chia sẻ
Trong bối cảnh VN-Index có tuần điều chỉnh thứ hai liên tục, tổ chức trong nước tiếp tục mua ròng 347 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ mua ròng 775 tỷ đồng.

Trong tuần 19 - 23/12, VN-Index đã tiến sát về mốc 1.000 khi chạm ngưỡng 1.003, sau đó chỉ số đã hồi phục và chốt tuần tại 1.020,34 điểm, để mất 34,14 điểm, tương đương giảm 3,05% so với tuần trước đó.

Các cổ phiếu trụ cột suy yếu, kéo theo đà sụt giảm trên diện rộng của 18/19 ngành và 75% số cổ phiếu giảm điểm. Chỉ số giảm sâu và thanh khoản thu hẹp cũng lấy đi cơ hội luân chuyển của dòng tiền theo ngành và theo các cổ phiếu có câu chuyện của những tuần trước đó.

Chiều ảnh hưởng tiêu cực đến VN-Index, VIC dẫn dầu khi lấy đi 3,2 điểm, cùng với HPG ảnh hưởng giảm 3 điểm. NVL để mất 17% trong tuần và là cổ phiếu giảm mạnh nhất trong top 10. Chiều tăng điểm, VHM và MSN với mức tăng 1% và 1,6% trong tuần cùng tác động giúp VN-ndex tăng 0,5 điểm.

Khối ngoại có tuần thứ 7 liên tiếp mua ròng với giá trị gần 1.400 tỷ đồng, tuy nhiên hơn 50% giá trị mua ròng đến từ giao dịch thỏa thuận VPD. Giao dịch cùng chiều với nhóm nhà đầu tư ngoại, tổ chức trong nước tiếp tục mua ròng 347 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ mua ròng 775 tỷ đồng.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Cổ phiếu dịch vụ tài chính thu hút dòng tiền tổ chức nội

Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì mua ròng của các tổ chức trong nước áp đảo khi diễn ra ở 15/18 nhóm ngành.

Trong đó cổ phiếu dịch vụ tài chính vươn lên trở thành tâm điểm thu hút dòng tiền của các tổ chức nội với quy mô lên tới gần 316 tỷ đồng. Tuần qua, nhóm dịch vụ tài chính có tuần giao dịch mạnh với tỷ trọng giá trị giao dịch tăng lên 16,71% toàn thị trường, cao nhất trong 10 tuần liên tiếp, tuy nhiên chỉ số giá giảm 7,88% và mức giảm lớn nhất trong tất cả các nhóm ngành.

Các mã có giao dịch nhiều nhất trong tuần đều thuộc nhóm chứng khoán, bao gồm VND, SSI, SHS, HCM, VCI, VIX với 6/6 mã giảm điểm từ 8,4% đến 16,4%.

Chỉ số dòng tiền tích lũy của nhóm dịch vụ tài chính giảm mạnh trong tuần, chỉ số dòng tiền của ngành so với tổng thanh khoản tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao cho thấy so với thị trường chung nhóm này thu hút dòng tiền mạnh hơn.

Lực cầu từ tổ chức trong nước cũng lan tỏa sang nhóm ngân hàng, bán lẻ với giá trị vào ròng lần lượt là 198 tỷ đồng và 91 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hoạt động giải ngân của tổ chức nội cũng được chứng kiến ở nhóm thực phẩm & đồ uống (88,9 tỷ đồng), hóa chất (74 tỷ đồng), dầu khí (35 tỷ đồng), …

Ở chiều ngược lại, NĐT tổ chức trong nước bán ròng mạnh nhất cổ phiếu nhóm bất động sản với 119,8 tỷ đồng. Hai hóm ngành còn lại chịu áp lực bán ròng là hàng & dịch vụ công nghiệp, du lịch và giải trí với quy mô chưa đến 10 tỷ đồng.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Tập trung gom FUEVFVND song bán ròng mạnh nhất TPB

Giao dịch mua ròng của tổ chức trong nước tuần chủ yếu tập trung ở chứng chỉ quỹ FUEVFVND với quy mô 204,1 tỷ đồng. Tương tự, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 cũng được rót ròng 74,4 tỷ đồng trong tuần vừa qua.

Nối tiếp, các tổ chức nội gom ròng nhiều cổ phiếu lớn trong rổ VN30 như STB (96,5 tỷ đồng), MWG (89,8 tỷ đồng) và MBB (81,3 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu TPB của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) chịu áp lực rút vốn mạnh nhất với giá trị xả ròng 407,6 tỷ đồng.

Theo báo cáo cập nhật TPBank, SSI Research nhận định tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của ngân hàng trong quý IV/2022 sẽ tăng nhẹ so với quý III nhưng sẽ giảm vào năm 2023.

Cụ thể, các chuyên gia cho biết lãi suất tiền gửi đã tăng khoảng 2 điểm % trong tháng 11/2022 (so với số liệu quý III/2022), trong khi lãi suất cho vay cũng có mức tăng tương tự. Ngoài ra, với hạn mức tín dụng mới được đưa ra vào tháng 12, SSI Research kỳ vọng NIM trong quý IV sẽ tăng nhẹ so với quý III, nâng tỷ lệ NIM năm 2022 lên 3,97%.

Ngoài ra, trong năm 2023, các chuyên gia cho rằng tác động của việc tăng lãi suất huy động sẽ được phản ánh rõ hơn. Mặc dù lãi suất cho vay cũng sẽ tăng tương ứng nhưng mức tăng này còn phụ thuộc vào khả năng trả nợ của khách hàng. Lãi suất cho vay mua nhà hiện tại (sau thời gian ưu đãi) của TPBank nằm trong khoảng 15,2-15,5%, do đó SSI Research dự báo NIM sẽ giảm 0,15 điểm % so với cùng kỳ xuống 3,82% vào năm 2023.

Theo dõi giao dịch của tổ chức trong nước, dòng tiền tiếp tục rút khỏi loạt cổ phiếu bất động sản trong tuần qua như NVL (84,5 tỷ đồng), SZC (43,5 tỷ đồng), VHM (41,2 tỷ đồng), …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.  

Linh Chi

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.