|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tổ chức trong nước mua ròng gần 230 tỷ đồng khi VN-Index ngược dòng thị trường thế giới, tập trung VNM và một số bluechip

19:56 | 10/10/2022
Chia sẻ
Trong tuần qua, tổ chức trong nước là một trong hai bên xuống tiền mua ròng. Về giá trị, họ mua ròng 226 ròng tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ mua ròng 323 tỷ.

Diễn biến lãi suất căng thẳng, các thông tin tiêu cực trong nước và khối ngoại bán ròng, VN-Index có tuần giao dịch giảm điểm mạnh 8,5%, qua đó duy trì chuỗi 5 tuần giảm liên tiếp. Cụ thể, VN-Index đóng cửa tuần đầu tháng 10 với 4 phiên giảm, 1 phiên tăng, mất đi 96,2 điểm dừng tại 1.035,91 điểm.

Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 12.206 tỷ đồng, giảm 10,6% so với tuần trước đó, giảm 12,36% so với trung bình 5 tuần và 13,67% so với trung bình 20 tuần trước. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng chủ yếu vào nhóm ngân hàng, tài nguyên cơ bản, tăng nhẹ ở dòng dầu khí, trong khi giảm ở nhóm xây dựng và vật liệu, bất động sản, thực phẩm và đồ uống.

Đà giảm bao trùm trên diện rộng với 342/400 cổ phiếu và toàn bộ các nhóm ngành giảm. Các ngành giảm trên 10% gồm hóa chất, dịch vụ tài chính, tài nguyên cơ bản, bán lẻ, ngân hàng và bảo hiểm trong khi các nhóm khác có mức giảm bình quân trên 5%.

Hoạt động thoát vị thế ở cả phía nhà đầu tư trong nước và quốc tế kéo theo diễn biến ảm đạm trên thị trường bất chấp mùa mùa công bố kết quả kinh doanh quý III đang đến gần. Trong tuần qua, tổ chức trong nước là một trong hai bên xuống tiền mua ròng. Về giá trị, họ mua ròng 226 ròng tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ mua ròng 323 tỷ. 

Dòng tiền tổ chức trong nước tập trung rút khỏi nhóm BĐS, thép, chứng khoán

Trong tuần giao dịch đầu tháng 10, cổ phiếu của các doanh nghiệp hàng và dịch vụ công nghiệp thu hút dòng tiền của các tổ chức trong nước với giá trị mua ròng đạt 105 tỷ đồng. Thống kê cho thấy khối này thay đổi vị thế so với hoạt động rút ròng gần 60 tỷ đồng tuần trước.

Lực cầu từ tổ chức trong nước cũng lan tỏa sang nhóm hàng cá nhân và gia dụng, công nghệ thông tin với giá trị vào ròng lần lượt 80 và 61 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền tổ chức nội còn chảy vào các nhóm điện, nước và xăng dầu khí đốt, bảo hiểm, bán lẻ, hóa chất, thực phẩm, y tế,… với giá trị thấp hơn

Ở chiều ngược lại, NĐT tổ chức trong nước bán ròng mạnh nhất cổ phiếu nhóm bất động sản với 363 tỷ đồng. Trong tuần vừa qua, ngành địa ốc vẫn là tâm điểm bán ròng của các tổ chức nội trong bối cảnh ngành này giảm nhẹ nhất toàn thị trường, nhờ xu hướng giao dịch tích cực của các cổ phiếu "họ Vingroup".

Áp lực bán ra cũng chiếm ưu thế tại nhóm thép (182 tỷ đồng), chứng khoán (67 tỷ đồng), dầu khí (60 tỷ đồng),…

Theo thống kê của FiinTrade, nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán là ngành giảm điểm mạnh thứ hai trên thị trường trong tuần này, chỉ số ngành giảm 14,75%, ghi nhận tỷ trọng giá trị giao dịch theo tuần là 11,21%, mức thấp nhất trong 10 tuần liên tiếp.

Giá trị giao dịch của nhóm này hầu như giảm dần đều trong 10 tuần qua. Tính từ đầu năm chứng khoán giảm mạnh nhất thị trường với 54,45%.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Cổ phiếu nào được mua/bán nhiều nhất?

Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước tuần 3 – 7/10 nổi bật nhất là hoạt động giải ngân vào loạt bluechips trong rổ VN30, mặc dù diễn biến của phần lớn các cổ phiếu bluechip vận động kém sắc nhất tuần qua.

Trong đó, cổ phiếu VNM của Vinamilk tiêp tục dẫn đầu với giá trị mua ròng lớn nhất lên tới 102,5 tỷ đồng. Đây cũng là mã duy nhất được dòng tiền tổ chức nội giải ngân trên trăm tỷ đồng.

Nối tiếp, các tổ chức nội gom ròng 75,3 tỷ đồng cổ phiếu GMD của Gemadept và 62,7 tỷ đồng mã ACB.

Cùng chiều, hai đại diện khác từ nhóm VN30 là FPT và PNJ cũng được tổ chức nội gom ròng với giá trị lần lượt là 60,2 tỷ và 51,7 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu HPG của ông lớn ngành thép Hòa Phát chịu áp lực rút vốn mạnh nhất với giá trị xả ròng 146,7 tỷ đồng, kế đó là MSN (79,1 tỷ đồng).

Theo dõi giao dịch của tổ chức trong nước, dòng tiền tiếp tục rút khỏi nhiều cổ phiếu bất động sản, lần lượt là DXG (78,3 tỷ đồng), DIG (64,6 tỷ đồng), KBC (49,6 tỷ đồng). Ba mã này ghi nhận mức giảm 11-20% trong tuần qua, cùng với diễn biến kém tích cực của thị trường chứng khoán trong nước.

Sau đợt giảm sâu của thị trường trong tháng 9 và đầu tháng 10, lực bán chủ động các phiên trong tuần trước gia tăng, tâm lý nhà đầu tư chưa được ổn định.

Theo nhóm phân tích của FiinTrade, những thông tin về kết quả kinh doanh sẽ dần hé lộ trong tuần và là một trong những chỉ báo cho việc lựa chọn nhóm ngành và doanh nghiệp, và có thể là cơ hội cho các nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Linh Chi