|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tổ chức trong nước mua ròng gần 120 tỷ đồng khi VN-Index lấy lại ngưỡng 1.000 điểm, tâm điểm MWG, GAS

21:14 | 31/10/2022
Chia sẻ
Trong tuần qua, tổ chức trong nước là một trong ba bên xuống tiền mua ròng. Về giá trị, họ mua ròng 118 ròng tỷ đồng, tuy nhiên tính riêng kênh khớp lệnh họ bán ròng 106 tỷ đồng.

VN-Index đóng cửa tuần thứ 44 của năm 2022 với 3 phiên giảm, 2 phiên tăng, có thêm 7,54 điểm và dừng chân tại 1.027,36 điểm. Dù biến động mạnh trong tuần, VN-Index vẫn kịp tăng 0,74% qua đó lấy lại ngưỡng tâm lý 1.000 điểm.

Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 11.432 tỷ đồng, tăng 11,82% so với tuần trước đó, nhưng giảm 5,9% so với trung bình 5 tuần và 16,5% so với trung bình 20 tuần trước.

Thị trường đã chiết khấu sâu giai đoạn trước, do đó khi Ngân hàng nhà nước công bố tăng lãi suất điều hành thêm 1%, VN-Index lại có diễn biến hồi phục. Thị trường nỗ lực cân bằng nhưng chỉ có 7/19 ngành tăng điểm. Trong đó, ngân hàng và bảo hiểm có mức tăng trên 6% trong khi dầu khí, bất động sản, xây dựng & vật liệu có mức giảm từ 4% đến 6,5%.

Nhìn chung thị trường đang dần ổn định và có sự phân hóa trong nhịp hồi phục. Bất động sản và ngành liên quan vẫn đang chịu tác động từ thông tin trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành.

Trong tuần qua, tổ chức trong nước là một trong ba bên xuống tiền mua ròng. Về giá trị, họ mua ròng 118 ròng tỷ đồng, tuy nhiên tính riêng kênh khớp lệnh họ bán ròng 106 tỷ đồng.

Dòng tiền tổ chức trong nước tập trung rút khỏi nhóm BĐS, ngân hàng, chứng khoán

Trong tuần giao dịch cuối tháng 10, cổ phiếu của các doanh nghiệp điện, nước, xăng dầu khí đốt thu hút dòng tiền của các tổ chức trong nước với giá trị mua ròng 177 tỷ đồng.

Lực cầu từ tổ chức trong nước cũng lan tỏa sang nhóm bán lẻ, thực phẩm & đồ uống với giá trị vào ròng lần lượt là 140 tỷ đồng và 111 tỷ đồng.

Ngoài ra, dòng tiền tổ chức nội còn chảy vào các nhóm bảo hiểm, chứng khoán, hóa chất, hàng & dịch vụ công nghiệp, hàng cá nhân & gia dụng,… với giá trị thấp hơn.

 Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Ở chiều ngược lại, NĐT tổ chức trong nước bán ròng mạnh nhất cổ phiếu nhóm bất động sản với 387 tỷ đồng. Trong tuần vừa qua, ngành địa ốc vẫn là tâm điểm bán ròng của các tổ chức nội trong bối cảnh ngành này chưa ngừng điều chỉnh. Áp lực bán ra cũng chiếm ưu thế tại nhóm ngân hàng (317 tỷ đồng), thép (104 tỷ đồng),…

Theo thống kê của FiinTrade, cổ phiếu ngành ngân hàng có một tuần tăng 1,83%, là nhóm tăng mạnh nhất thị trường khi tỷ trọng giá trị giao dịch cũng cải thiện.

Chỉ số dòng tiền tích lũy của nhóm ngân hàng tăng trong tuần và đang thoát ra khỏi mức thấp nhất trong vòng một năm, chỉ số giá tăng điểm. Điều này cho thấy áp lực bán đã giảm mạnh và cầu nhỏ cũng đủ đẩy giá tăng.

Chỉ số dòng tiền của nhóm ngân hàng so với thanh khoản toàn thị trường tăng và duy trì ở vùng cao của một năm cho thấy so với thị trường chung nhóm này giao dịch mạnh hơn.

Với nhóm thép, kết quả kinh doanh sa sút trong quý III gây ra hiệu ứng tâm lý kém tích cực với cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành. Gần đây, Tập đoàn Hòa Phát bất ngờ báo lỗ kỷ lục 1.786 tỷ đồng trong quý III, đánh dấu quý thua lỗ đầu tiên kể từ năm 2008.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Hoa Sen, Thép Nam Kim, Thép Pomina, VNSteel đều ghi nhận khoản lỗ quý III cao chưa từng thấy trong lịch sử. Giá bán thép giảm do nhu cầu yếu trong khi chi phí đầu vào cao là những nguyên nhân chính ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh ngành thép. Ngoài ra, chi phí lãi vay và chênh lệch tỷ giá cũng có tác động tiêu cực.

Hoạt động mua bán ròng tập trung ở nhóm cổ phiếu lớn

Giao dịch lớn của tổ chức trong nước tuần 24 – 28/10 chủ yếu tập trung ở loạt bluechips trong rổ VN30. Tại chiều mua, cổ phiếu MWG của Đầu tư Thế giới Di động dẫn đầu với giá trị mua ròng lớn nhất lên tới 96,5 tỷ đồng.

Nối tiếp, các tổ chức nội gom ròng 78,6 tỷ đồng cổ phiếu GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam và 73,5 tỷ đồng mã NLG. Cùng chiều, hai đại diện khác từ nhóm VN30 là KDH và VCB cũng được tổ chức nội gom ròng với giá trị lần lượt là 57,3 tỷ và 51,1 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) chịu áp lực rút vốn mạnh nhất với giá trị xả ròng 162 tỷ đồng, theo sau là VHM (143,8 tỷ đồng).

Theo dõi giao dịch của tổ chức trong nước, dòng tiền tiếp tục rút khỏi cổ phiếu DIG khi mã này chưa dứt đà giảm và nằm sàn liên tục 3 phiên đầu tuần. Tính trong tuần qua, cổ phiếu của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng mất thêm 19,3% giá trị.

Danh mục top 5 bán ròng còn có hai đại diện là quen thuộc là HPG (109,4 tỷ đồng) và TCB (102,8 tỷ đồng).

 Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Linh Chi