|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tổ chức trong nước chuyển bán ròng trong tuần đỏ lửa, tập trung thoái vốn khỏi DIG sau chuỗi giảm sàn

07:00 | 28/06/2022
Chia sẻ
Trong tuần VN-Index về vùng đáy 1 năm, các tổ chức không bao gồm khối tự doanh công ty chứng khoán bán ròng 81 tỷ đồng. Nếu tính riêng kênh khớp lệnh thì dòng vốn nội mua ròng 194 tỷ đồng.

Đóng cửa tuần giao dịch 20 – 24/6, VN-Index đạt 1.185,48, tương ứng giảm 2,61%, trong khi HNX-Index dừng lại tại mức 275,93 điểm, mất đi 1,47% so với tuần trước đó.

Chỉ số bước vào một nhịp điều chỉnh giảm khá mạnh ngay từ phiên thứ hai đầu tuần này với lực bán áp đảo trên thị trường, trong bối cảnh diễn biến chứng khoán trên toàn thế giới cũng khá tiêu cực. Phe bán hành động tương đối quyết liệt trong tuần, với việc những cổ phiếu vốn giữ vai trò dẫn dắt đà hồi phục của thị trưường trong những tuần trước như VCB, BID, TCB, HPG,… đều quay đầu giảm khá mạnh, theo đó đã khiến chỉ số để mất khá nhiều ngưỡng hỗ trợ quan trọng và thậm chí có thời điểm lùi xuống dưới mốc 1.170.

Mặc dù vậy, dòng tiền bắt đáy được kích hoạt khá mạnh tại ngưỡng hỗ trợ này giúp VN-Index thu hẹp đà giảm trong nửa cuối tuần dù vẫn chưa thể lấy lại mốc 1.200. Điểm đáng chú ý nữa là thanh khoản thị trường tính chung cả tuần có sự sụt giảm đáng kể so với tuần trước, cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư cũng như sự thoái lui rõ rệt của dòng tiền ra khỏi thị trường.

Về giao dịch của nhà đầu tư tổ chức trong nước, dòng vốn này vẫn mua ròng 172 tỷ đồng trong tuần đỏ lửa. Trong đó, khối tự doanh mua ròng trở lại hơn 250 tỷ đồng. Như vậy, các tổ chức không bao gồm khối tự doanh công ty chứng khoán bán ròng 81 tỷ đồng. Nếu tính riêng kênh khớp lệnh thì dòng vốn nội mua ròng 194 tỷ đồng.

Dòng tiền tổ chức trong nước tập trung chốt lời nhóm thép và bán lẻ

Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì chiều mua ròng của các tổ chức trong nước áp đảo khi diễn ra ở 11/18 nhóm ngành.

Mặc dù không thuộc các nhóm ngành giảm sâu nhất tuần, cổ phiếu bán lẻ là nhóm bị bán ròng nhiều nhất trong tuần với gần 80 tỷ đồng, dù tuần trước đó nhóm này vẫn được mua ròng gần 54 tỷ đồng.

Có thể thấy, dòng vốn nội đã chuyển hướng chốt lời cổ phiếu bán lẻ giữa bối cảnh một số cổ phiếu nhóm này chịu áp lực điều chỉnh trong ngắn hạn.

Tương tự, cổ phiếu của các doanh nghiệp thép cũng nằm trong Top bán ròng, dù tuần trước đó nhóm này cũng được dòng tiền của nhà đầu tư tổ chức ưu tiên giải ngân gần 163 tỷ đồng. Tuần qua, tổ chức nội đã bán ròng 58 tỷ đồng ngành thép.

Là nhóm được gom ròng mạnh nhất trong tuần trước với giá trị vào ròng lên tới 673 tỷ, cổ phiếu ngân hàng bất ngờ lọt Top bán ròng tuần này. Dù vậy áp lực bán không đáng kể với giá trị chưa đến 16 tỷ đồng.

Nối tiếp, lực xả nhẹ hơn cũng được ghi nhận ở một số nhóm cổ phiếu, lần lượt là hóa chất, ô tô & phụ tùng, bảo hiểm, truyền thông với giá trị không đáng kể.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp. 

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu nhóm công nghệ thông tin bất ngờ được mua gom nhiều nhất với giá trị gần 87 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hoạt động giải ngân của tổ chức nội cũng được chứng kiến ở nhóm thực phẩm & đồ uống (77 tỷ đồng).

Dòng tiền của tổ chức trong nước cũng được duy trì ở các một số nhóm cổ phiếu lớn gồm hàng & dịch vụ công nghiệp (64 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (46 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (39 tỷ đồng), bất động sản (15 tỷ đồng),…

Theo thống kê, nhóm cổ phiếu bất động sản có tuần giao dịch sôi động hơn với tỷ trọng giá trị giao dịch đã được cải thiện lên 17,3% toàn thị trường, và là nhóm có tỷ trọng giá trị giao dịch tăng mạnh nhất tuần.

Với lợi thế dòng tiền đang ở mức thấp, nếu dòng tiền chảy vào nhóm bất động sản sẽ làm cầu tăng nhanh. Tuy nhiên, bối cảnh vĩ mô hiện tại đang là siết tín dụng với bất động sản nên khó có dòng tiền mạnh vào nhóm này.

FPT tiếp tục hút tiền, DIG bị bán mạnh sau chuỗi giảm sàn

Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước tuần qua nổi bật nhất là hoạt động giải ngân vào cổ phiếu FPT. Mã này dẫn đầu với giá trị mua ròng lớn nhất lên tới 86,3 tỷ đồng.

Nối tiếp, các tổ chức nội gom ròng 55 tỷ đồng cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Cùng chiều, dòng tiền tổ chức trong nước cũng thực hiện gom ròng các mã VCI (40,9 tỷ đồng), PNJ (34,8 tỷ đồng) và VSC (32 tỷ đồng).

Trở lại chiều bán ròng, danh mục bán ròng của nhà đầu tư cá nhân có sự góp mặt của DIG với giá trị 102,1 tỷ đồng. Đây cũng là mã duy nhất bị các NĐT tổ chức rút ròng trên trăm tỷ tuần qua.

Giao dịch này nhiều khả năng lên quan đến cổ đông lớn của DIC Corp. Vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Thiên Tân vừa thông báo đã bán hơn 1,15 triệu cổ phiếu DIG vào ngày 21/6. Sau giao dịch, sở hữu của Thiên Tân tại Tập đoàn DIC giảm từ 85,58 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 17,11%) xuống còn 84,42 triệu đơn vị (tương ứng 16,89%). DIG phải công bố kết quả giao dịch này vì tỷ lệ sở hữu giảm qua ngưỡng 17%.

Theo báo cáo kết quả giao dịch lần gần đây nhất vào ngày 18/5, Thiên Tân đang sở hữu 88,51 triệu cổ phiếu DIG, tương đương tỷ lệ 17,7%. Như vậy, trước khi bán 1,15 triệu cổ phiếu vào ngày 21/6 như vừa nói ở trên, Thiên Tân đã bán ra khoảng 2,93 triệu cổ phiếu DIG trong giai đoạn 18/5 – 20/6. Do tỷ lệ sở hữu không biến động quá các ngưỡng tròn 1% nên Thiên Tân không có nghĩa vụ công bố thông tin.

Tổng cộng trong khoảng một tháng từ 18/5 cho đến 21/6, Thiên Tân đã bán ra hơn 4 triệu cổ phiếu DIG. Giao dịch được thực hiện trong bối cảnh giá DIG liên tục lao dốc, hiện nay đang ở vùng thấp nhất kể từ tháng 10/2021.

Một đại diện ngân hàng là SSB cũng chịu áp lực chốt lời từ các cá nhân như SSB (97,5 tỷ đồng). Tuần qua, khối này còn thoái vốn lần lượt tại các cổ phiếu vốn hóa lớn như MWG (90,2 tỷ đồng), HPG (89,5 tỷ đồng), DGC (52,2 tỷ đồng).

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Thảo Bùi

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast và cá nhân tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.