|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tổ chức trong nước bán ròng gần 190 tỷ đồng tuần VN-Index mất gần 31 điểm

15:32 | 26/09/2022
Chia sẻ
Giao dịch đồng thuận với khối tự doanh và nhà đầu tư nước ngoài tuần 19 – 23/9, tổ chức trong nước duy trì bán ròng 186 tỷ đồng, quy mô giảm 40% so với phiên trước. Tính riêng khớp lệnh họ bán ròng nhẹ 23 tỷ đồng.

VN-Index đóng cửa tuần thứ 39 của năm 2022 với 3 phiên giảm, 2 phiên tăng, mất đi 30,75 điểm tương đương 2,49% đóng cửa tại 1.203,28 điểm.

Trước những thông tin bất lợi của thị trường thế giới, và thông tin trong nước về nghị định 65 và NHNN tăng lãi suất điều hành thêm 1%, đà giảm trên diện rộng đã quay trở lại với 16/19 ngành và cổ phiếu giảm gấp 2.7 lần số cổ phiếu tăng. Các ngành có tỷ trọng vốn hóa lớn như dầu khí, hóa chất, ngân hàng, bán lẻ giảm trên 3% kéo theo mức giảm sâu của VN-Index.

Chỉ số đã phản ứng tích cực sau khi chạm ngưỡng tâm lý 1.200 điểm và hình thành vùng tích lũy tạm trên ngưỡng này. Dù vậy, nguy cơ giảm điểm của chỉ số qua đó hình thành vùng tích lũy thấp hơn vẫn đang chiếm ưu thế trong bối cảnh thanh khoản suy yếu và thị trường không có thông tin hỗ trợ

Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 12.107 tỷ đồng, giảm 6,3% so với tuần trước đó, giảm 18,9% so với trung bình 5 tuần và 14,5% so với trung bình 20 tuần gần đây.

Giao dịch đồng thuận với khối tự doanh và nhà đầu tư nước ngoài tuần qua, tổ chức trong nước duy trì bán ròng 186 tỷ đồng, quy mô giảm 40% so với phiên trước. Tính riêng khớp lệnh họ bán ròng nhẹ 23 tỷ đồng.

Cổ phiếu bán lẻ, thực phẩm hút tiền, nhóm ngân hàng bị bán ròng mạnh nhất

Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì chiều mua ròng của các tổ chức trong nước có phần nhỉnh hơn khi diễn ra ở 13/18 nhóm ngành.

Trong đó, ngành thực phẩm và đồ uống được dòng tiền của các tổ chức nội hướng sự chú ý trong tuần 19 – 23/9 với giá trị gần 120 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tổ chức trong nước cũng duy trì mua ròng hơn 111 tỷ đồng ở nhóm bán lẻ, hàng cá nhân & gia dụng (61 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (45 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (36 tỷ đồng).

Ngoài ra, nhóm công nghệ thông tin, bảo hiểm, xây dựng & vật liệu… cũng thu hút sự chú ý của dòng tiền với giá trị thấp hơn.

Nhóm cổ phiếu xây dựng và vật liệu có tuần giao dịch sôi động hơn với tỷ trọng giá trị giao dịch đã được cải thiện lên 10,27% toàn thị trường, cao nhất trong 10 tuần liên tiếp, chỉ số giá ngành giảm 1,42%.

Trong tuần, nhóm xây dựng và vật liệu có những biến động mạnh, cả bên mua và bên bán cùng tích cực tham gia, nhiều cổ phiếu liên quan đến đầu tư công tăng điểm, tuy nhiên áp lực chốt lời xuất hiện trong phiên cuối tuần khiến nhóm này giảm điểm. Tính từ đầu năm, xây dựng và vật liệu vẫn giảm 28,28%.

Dòng tiền tập trung vào các mã VCG, CII, HHV, FCN, LCG, HBC, SCG, VGC, PC1, HUT, trong đó 5/10 mã giảm điểm trong tuần. Tuy nhiên, nhóm tăng điểm tăng mạnh hơn cho thấy có sự phân hóa trong nhóm ngành này.

 Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Cổ phiếu của các nhà băng vẫn là nhóm bị bán ròng nhiều nhất trong tuần với 161 tỷ đồng, tăng gần 43% so với tuần trước đó

Tương tự, cổ phiếu bất động sản cũng nằm trong Top bán ròng. Tuần qua, tổ chức nội đã bán ròng 42 tỷ đồng ngành hàng cá nhân & gia dụng.

Nối tiếp, lực xả nhẹ hơn cũng được ghi nhận ở một số nhóm cổ phiếu, lần lượt là dịch vụ tài chính (67 tỷ đồng), hóa chất (59 tỷ đồng), dầu khí (37 tỷ đồng) và du lịch & giải trí.

Dòng tiền tổ chức nội tập trung xả TCB, VND

Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước tuần qua không thật sự nối bật khi không mã nào hút ròng hơn 100 tỷ đồng. Cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động được tổ chức trong nước mua ròng mạnh nhất với 97,8 tỷ đồng.

Nối tiếp, các tổ chức nội gom ròng 81,3 tỷ đồng cổ phiếu VNM của Vinamilk. Mới đây, đại diện của Vinamilk đã có báo cáo về tình hình triển khai dự án Nhà máy sữa Hưng Yên, theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Hưng Yên.

Cụ thể, dự án Nhà máy sữa Hưng Yên có tổng mức đầu tư 4.600 tỷ đồng, được triển khai xây dựng trên địa bàn phường Phùng Chí Kiên, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Dự án được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn I từ quý IV/2021 đến năm 2028; giai đoạn II từ năm 2028 đến năm 2030.

Theo kế hoạch, dự kiến tháng 9 này, Vinamilk sẽ triển khai lập đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 dự án Nhà máy sữa Hưng Yên và đến ngày 28/12, công ty sẽ khởi công xây dựng nhà máy. Quý IV/ 2025, công ty với thị phần sữa dẫn đầu sẽ đưa toàn bộ nhà máy giai đoạn I vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng PNJ (67,9 tỷ đồng), REE (61,2 tỷ đồng) và SAB (35,8 tỷ đồng).

  Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 


Trở lại chiều bán ròng, danh mục bán ròng của tổ chức trong nước có sự góp mặt của TCB (79,6 tỷ đồng). Đây cũng là cổ phiếu duy nhất bị khối này rút ròng mạnh nhất tuần qua, đối ứng với lực cầu từ phía các nhà đầu tư cá nhân.

Một số cổ phiếu tài chính - ngân hàng cũng nằm trong danh mục rút vốn gồm VND (69,3 tỷ đồng) và MBB (44,3 tỷ đồng). Cuối cùng, Top5 bán ròng còn có các đại diện như VSC (50,7 tỷ đồng) và NLG (44,1 tỷ đồng).

Linh Chi