Tổ chức nội mua ròng hơn 2.200 tỷ đồng khi VN-Index mất gần 43 điểm, tập trung gom FPT, REE
Đi ngược với diễn biến tích cực thị trường thế giới và hoạt động mua ròng của khối ngoại, VN-Index ghi nhận tuần thứ hai giảm điểm khi mất 4,2%, tương đương 42,62 điểm, dừng tại mốc 954,53 điểm.
Đà lao dốc diễn ra trên diện rộng với 344/401 cổ phiếu và 18/19 ngành giảm điểm. Các ngành tài nguyên cơ bản, xây dựng & vật liệu, dịch vụ tài chính, hóa chất có mức giảm trên 10% trong khi duy nhất ngành tiện ích có mức tăng 0,6%.
Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 10.541 tỷ đồng, giảm 0,5% so với tuần trước đó và giảm 7,6% so với trung bình 5 tuần gần đây.
Theo đánh giá của Chứng khoán BIDV (BSC), nhiều cổ phiếu bất động sản giảm sàn và bị một số công ty chứng khoán cắt margin có thể đã kéo theo hoạt động giải chấp chéo trên thị trường.
Về giao dịch của khối tổ chức nội, họ có tuần mua ròng 2.202 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ mua ròng 814 tỷ đồng.
Tổ chức nội chưa ngừng bán ròng nhóm bất động sản trong tuần nhiều cổ phiếu mất thanh khoản
Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì chiều mua ròng của các tổ chức trong nước có phần ưu thế khi diễn ra ở 13/18 nhóm ngành.
Cổ phiếu bất động sản tiếp tục là nhóm bị bán ròng nhiều nhất trong tuần vừa qua với hơn 150 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu ngành địa ốc có một tuần giảm 7,68%, với tỷ trọng giá trị giao dịch của ngành tăng lên 18,71% toàn thị trường.
Một số cổ phiếu như NVL, PDR bị bán giải chấp mạnh nhưng thanh khoản không có dẫn đến ngày càng nhiều lượng cổ phiếu bị bán ra. Ngoài ra DIG dù được giải cứu có thanh khoản nhưng việc giá liên tiếp giảm sâu cũng làm cho cổ phiếu này chưa dứt chuỗi giải chấp. Một số cổ phiếu bất động sản khác cũng ghi nhận nhiều phiên giảm sàn như DXG, IDC, HQC…
Tương tự, cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản cũng nằm trong Top bán ròng. Về giá trị, tổ chức nội đã bán ròng 46 tỷ đồng nhóm này trong tuần qua. Nối tiếp, lực xả nhẹ hơn cũng được ghi nhận ở nhóm tài nguyên cơ bản với quy mô chưa đến 10 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu hóa chất vươn lên trở thành tâm điểm thu hút dòng tiền của các tổ chức nội. Thống kê của FiinTrade cho thấy nhóm hóa chất ghi nhận tỷ trọng giá trị giao dịch giảm từ 5,83% còn 5,12%.
Bên cạnh đó, hoạt động giải ngân mạnh mẽ của tổ chức nội cũng được chứng kiến ở nhóm công nghệ thông tin (158 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (158 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (143 tỷ đồng) và bán lẻ (102 tỷ đồng).
Dòng tiền của tổ chức trong nước cũng được duy trì ở các một số nhóm cổ phiếu khác như hàng cá nhân & gia dụng (42 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (35 tỷ đồng), ngân hàng (32 tỷ đồng), bảo hiểm (20 tỷ đồng),…
Cổ phiếu nào được mua/bán ròng nhiều nhất?
Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước tuần vừa qua nổi bật nhất là hoạt động giải ngân vào cổ phiếu FPT. Mã này dẫn đầu với giá trị mua ròng lớn nhất với 155,2 tỷ đồng. Đây cũng là mã duy nhất được các tổ chức trong nước rót ròng trên 150 tỷ đồng.
Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán SSI, FPT hiện đang giao dịch ở mức P/E năm 2022 và 2023 hấp dẫn, lần lượt là 15 lần và 12,7 lần, dựa trên mức tăng trưởng EPS lần lượt là 22% và 18% theo kịch bản cơ sở của nhóm phân tích.
Trong khi đó, các công ty cùng ngành có mức tăng trưởng EPS trung bình lần lượt là 6% và 15% trong năm 2022 và 2023, đang giao dịch ở mức P/E trung bình năm 2022 và 2023 lần lượt là 17 lần và 15 lần.
Mặc dù cần phải quan sát thêm về mức chi tiêu cho công nghệ thông tin đang giảm đi, FPT có lợi thế chi phí thấp, tỷ trọng doanh thu từ thị trường EU thấp nhất so với các công ty cùng ngành, tỷ lệ thanh toán lãi vay cao và lượng tiền mặt ròng dồi dào.
Nối tiếp, các tổ chức nội gom ròng 114,2 tỷ đồng cổ phiếu REE của Cơ điện lạnh. Danh mục rót vốn còn có sự góp mặt của các cổ phiếu vốn hóa lớn như CTG (100,5 tỷ đồng), ACB (89,7 tỷ đồng) và MWG (75,1 tỷ đồng).
Trong khi đó, cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) bị bán ròng nhiều nhất với giá trị 102,3 tỷ đồng.
Quan sát giao dịch rút vốn của các tổ chức nội, hai đại diện đến từ nhóm bất động sản là DIG và VHM cũng bị bán ròng lần lượt 79 tỷ đồng và 60,5 tỷ đồng.
Mới đây, DIC Corp vừa có công văn giải trình về việc cổ phiếu DIG đã giảm sàn 5 phiên liên tiếp từ ngày 4/11 đến ngày 10/11.
Công ty cho rằng việc giá cổ phiếu DIG biến động giảm trong các phiên giao dịch gần đây đều do tác động tiêu cực của yếu tố vĩ mô và niềm tin của nhà đầu tư suy giảm.
Ngoài ra, DIC Corp cũng cho biết tình hình sản xuất kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường. HĐQT và ban điều hành vẫn đang nỗ lực tối đa để hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022 đã đề ra.
Hai cái tên cuối cùng trong danh mục rút vốn của tổ chức trong nước là MBB (40,9 tỷ đồng) và STB (37,2 tỷ đồng).