|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tổ chức nào giải chấp cổ phiếu của cổ đông lớn thứ hai tại Novaland và lý do phía sau là gì?

00:27 | 26/05/2023
Chia sẻ
Thông tin công bố mới đây, cổ đông tổ chức lớn thứ hai của Novaland (Mã: NVL) là CTCP Diamond Properties bị bán giải chấp cổ phiếu NVL. Vậy tổ chức nào đã thực hiện bán giải chấp cổ phần của cổ đông lớn này?

Hai đợt bán cổ phần tại Novaland củaDiamond Properties

Trong công bố thông tin chiều này 25/5, CTCP Diamond Properties cho biết đã bán 92.802 cổ phiếu NVL trong khoảng thời gian từ ngày 19/5 đến ngày 23/5 theo phương thức khớp lệnh. Sau giao dịch, tổ chức này còn sở hữu hơn 202 triệu cổ phiếu NVL, tương đương 10,359% vốn điều lệ của Novaland.

CTCP Diamond Properties là cổ đông tổ chức lớn thứ hai tại Novaland, xếp sau NovaGroup. Đây là tổ chức có liên quan đến ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Novaland.

Theo công bố thông tin tại ngày 28/4, Diamond Properties đăng ký bán 18.430.590 cổ phiếu NVL trong khoảng thời gian từ ngày 8/5 đến ngày 8/6 nhằm mục đích cân đối danh mục đầu tư và hỗ trợ cơ cấu các khoản nợ, nghĩa vụ khác. Nếu hoàn tất giao dịch này, cổ đông lớn thứ hai của Novaland còn sở hữu gần 183,67 triệu cổ phiếu NVL, tương đương 9,418% vốn.

Giao dịch công bố trên chưa được công bố thông tin về kết quả.

Lần thực hiện bán ra gần nhất trước đó, Diamond Properties bán ra 1 triệu cổ phiếu NVL trong khoảng thời gian từ ngày 15/2 đến ngày 12/3 theo phương thức khớp lệnh trên sàn.

Vì sao cổ đông lớn thứ hai của Novaland phải bán ra cổ phiếu?

Tìm hiểu của người viết, trong thông báo mới nhất của Chứng khoán Dầu khí (Mã: PSI) ký ngày 17/5, tổ chức này cho biết sẽ bán ra cổ phiếu NVL được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu NVLH2123014 (theo kế hoạch Novaland thanh toán số tiền gốc 1.000 tỷ đồng và lãi 62,9 tỷ đồng cho lô trái phiếu này vào ngày 18/5/2023).

Văn bản tại ngày 17/5 của Chứng khoán Dầu khí nêu, PSI thực hiện xin ý kiến của người sở hữu trái phiếu về việc ủy quyền cho công ty xử lý tài sản theo điều khoản tại Hợp đồng Cầm Cố, phương án bán theo thông báo ngày 31/3, thời gian lấy ý kiến từ ngày 3 – 14/4.

Theo nghị quyết người sở hữu trái phiếu số 57/NQ – ĐDNSHTP ngày 19/4, kết quả tỷ lệ biểu quyết thông qua không đủ 75% theo quy định của văn kiện trái phiếu để phê duyệt phương án xử lý tài sản bảo đảm. Do vậy, PSI không đủ cơ sở để thực hiện bán xử lý tài sản đảm bảo trọn lô tài sản bảo đảm.

“Nay, bằng thông báo này, Tổ chức Nhận Tài Sản Bảo Dảm thông báo tới CTCP Đầu tư Địa ốc No Va – Tổ chức Phát hành, CTCP Diamond Properties – Bên Bảo Đảm, người sở hữu trái phiếu và các bên liên quan, PSI sẽ thực hiện các thủ tục bán cổ phiếu cầm cố của bên cầm cố theo chỉ định xử lý tài ản đảm bảo của từng người sở hữu trái phiếu thay cho việc thực hiện và thanh toán các nghĩa vụ được đảm bảo theo quy định” văn bản tại ngày 17/5/2023 của PSI nêu.

Theo phương án xử lý tài sản đảm bảo, PSI sẽ bán lượng cổ phần trong tổng số 20.986.200 cổ phiếu NVL thuộc sở hữu của CTCP Diamond Properties cầm cố tại Chứng khoán Dầu khí. Thời gian xử lý từ ngày 17/5 đến ngày 17/6 hoặc cho đến khi có thông báo phương án xử lý khác. Với vùng giá quanh 13.000 đồng/cp, giá trị tài sản đảm bảo hiện đạt trên 270 tỷ đồng.

Nguyên tắc phân bổ tài sản bảo đảm được PSI đưa ra là người sở hữu 1 trái phiếu (100.000 đồng) được quyền nhận 2,09862 cổ phiếu cầm cố (hiện khoảng 27.000 – 28.000 đồng). Sau khi bán khớp lệnh toàn bộ, số tiền trừ đi khoản phí giao dịch sẽ được PSI chuyển đến người sở hữu trái phiếu.

“Việc xử lý bán tài sản bảo đảm không thu đủ số tiền để đáp ứng đầy đủ các nghĩa vụ được bảo đảm thì tổ chức phát hành vẫn chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ các khoản nghĩa vụ được bảo đảm còn chưa được thanh toán cho người sở hữu trái phiếu”, trích văn bản của PSI.

Trước đó ngày 22/2, Chứng khoán Dầu khí thông báo sự kiện vi phạm chéo với lô trái phiếuNVLH2123014 khi tổ chức phát hành – Tập đoàn Novaland không thanh toán đúng hạn.

Lợi Hoàng

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.