Tờ 100 USD lưu hành tràn lan, nghi ngờ liên quan đến tham nhũng toàn cầu
Nguồn: Bloomberg
Với hơn 12 tỉ tờ 100 USD trên toàn thế giới, số lượng tờ ngoại tệ này đã tăng gấp đôi kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, theo dữ liệu mới nhất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
"Số lượng tờ 100 USD đang được lưu hành đã vượt mức 1 tỉ USD", nhà kinh tế trưởng của Deutsche Bank, ông Torsten Slok, cho biết trong một ghi chú gửi đến khách hàng trong tuần này.
Số tờ tiền mệnh giá 100 USD đã tăng gấp dôi kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.
Nhìn chung, các nhà kinh tế tin rằng sự gia tăng trên có liên quan đến những người muốn tích trữ tiền mặt trên thế giới, một lực lượng tương tự thúc đẩy mối quan tâm đến tiền điện tử.
Tờ tiền mệnh giá cao này là hình thức thanh toán yêu thích của bọn tội phạm, do tính ẩn danh, thiếu hồ sơ giao dịch và tương đối dễ mang theo qua biên giới.
Ông Nicholas Colas, đồng sáng lập DataTrek Research, đã nghiên cứu vấn đề trên hơn một thập kỉ qua. Ông cho rằng, việc số lượng lưu hành tiền mệnh giá 100 USD tăng là một dấu hiệu cho thấy thế giới đang phục thuộc vào tờ tiền như một kho lưu trữ giá trị và tội phạm quốc tế vẫn sử dụng nó.
"Không liên quan gì đến nền kinh tế Mỹ cũng như lãi suất",... "Có đủ bằng chứng để nói rằng đó là dấu hiệu của tham nhũng, tuy nhiên, đó cũng có thể là cách người dân lưu giữ tài sản bên ngoài hệ thống tài chính, mặc dù cách này khá phức tạp", ông Colas nói.
Theo ông, số lượng tờ 100 USD ở nước bắt đầu tăng sau Chiến tranh vùng Vịnh cũng như sau khi Mỹ xâm chiếm Afghanistan.
Ổn định khu vực cũng đồng nghĩa với việc thay thế tiền tệ địa phương bằng một thứ gì đó và thứ gì đó chính là đồng USD.
Những mệnh giá lớn hơn có thời hạn sử dụng lớn hơn bất kì loại tiền mặt nào khác của Mỹ. Tuy nhiên, ông Slok của Deutsche Bank cho biết rằng có nhiều yếu tố có thể lí giải cho sự gia tăng của tờ 100 USD.
Vòng đời của các tờ tiền mệnh giá khác nhau.
"Điều này có thể xuất phát từ nỗi lo sợ toàn cầu về loại suất âm ở châu Âu và Nhật Bản, hoặc đó có thể là một phương tiện tiết kiệm cho các hộ gia đình Mỹ lo lắng về một cuộc khủng hoảng tài chính khác, hoặc đó có thể xuất phát từ nhu cầu của nền kinh tế ngầm trên toàn cầu", ông Slok nhận định.
Một nghiên cứu của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Chicago năm 2018 ước tính rằng 60% của tất cả tờ tiền Mỹ và gần 80% của tất cả tờ 100 USD đều đang ở nước ngoài.
Con số này tăng từ mức 15 – 30% vào khoảng năm 1980, theo nghiên cứu từ nhà kinh tế Ruth Judson của Ủy ban Dự trữ Liên bang. Bà nhận thấy rằng sự bất ổn về kinh tế và chính trị đã dẫn đến nhu cầu này.
Việc dự báo về nhu cầu tiền tệ Mỹ trong tương lai là khá thách thức và phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, lãi suất, công nghệ thanh toán mới và liệu người dân ở các quốc gia khác có tiếp tục xem tờ tiền Mỹ là một loại tài sản hữu ích hay không. Theo Ngân hàng Dự trữ Liên bang Chicago, tất cả yếu tố trên đều không chắc chắn.
Sự gia tăng thanh toán kĩ thuật số có thể góp phần làm giảm nhu cầu tờ tiền mệnh giá thấp. Theo một báo cáo gần đây của McKinsey, việc sử dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng, chuyển đổi sang mua sắm trực tuyến và cải thiện bang thông mạng đã thúc đẩy khối lượng thương mại kĩ thuật số toàn cầu vượt mức 3.000 tỉ USD trong năm 2017.
Con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020, theo McKinsey.
Áp lực loại bỏ các tờ tiền mệnh giá cao trong việc kiểm soát tội phạm quốc tế đã xuất hiện. Ông Lawrence Summers, cựu thư kí Bộ Tài chính kiêm giám đốc của Hội đồng Kinh tế Quốc gia tại Nhà Trắng, đã lập luận về việc bãi bỏ tờ tiền 100 USD. Bà Summers đã viết một bài op-ed (bài viết bày tỏ ý kiến) trên tờ Washington Post vào năm 2016 với tiêu đề "Đã đến lúc loại bỏ tờ 100 USD".
"Một lệnh cấm in tiền mệnh giá cao sẽ giúp thế giới trở thành nơi tốt đẹp hơn", ông Summers viết, trích dẫn khả năng phục vụ tội phạm của tờ tiền này. "Đây là một bước đi tích cực với thế giới mà không gây ảnh hưởng đến thương mại hợp pháp hay ngân sách của chính phủ. Bước đi này không miễn phí, nhưng không hề tốn kém".
Ông đã tham khảo một bài nghiên cứu của Harvard được viết bởi cựu Giám đốc điều hành Ngân hàng Standard Chartered Peter Sands – người từng lập luận nhằm loại bỏ tờ tiền mệnh giá cao.
"Bằng cách loại bỏ tờ tiền mênh giá cao, chúng ta có thể cuộc sống của những kẻ trốn thuế, tội phạm tài chính, khủng bố tài chính và tham nhũng trở nên khó khăn hơn", ông Sands viết trong nghiên cứu.
Các dòng tiền bất hợp pháp trên toàn cầu là rất nhiều và thúc đẩy tội phạm buôn bán ma túy, buôn lậu người, trộm cắp và gian lận, ông Sands viết.
Ông Sands đã ước tính rằng tùy thuộc từng quốc gia, trốn thuế "rút ruột" khu vực công từ 6 – 70% những gì chính quyền ước tính có thể thu được. Và mặc dù đầu tư lớn và hệ thống giám sát giao dịch, chưa đến 1% dòng tiền bất chính bị thu giữ.
Ngay sau khi bài nghiên cứu được xuất bản vào năm 2016, Ngân hàng Trung ương châu Âu tuyên bố sẽ ngừng sản xuất tờ 500 euro, với lí do lo ngại tờ tiền này có thể tạo điều kiện cho các hoạt động bất hợp pháp.
Mặc dù gây áp lực tương tự lên Fed, ông Colas không lạc quan rằng Fed sẽ thực hiện các bước đi tương tự miễn là việc phân phối tiền mặt vẫn có lãi. Ông nhận định rằng việc chính phủ Mỹ muốn tiếp tục kiếm tiền từ việc in và bán tiền là điều dễ hiểu.
"Fed và Kho bạc Mỹ kiếm được 99 USD cho mỗi tờ 100 USD họ in và bán ra nước ngoài", ông Colas nói.