|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

TKV ước tính lợi nhuận tăng trưởng 154% năm 2022

19:45 | 03/01/2023
Chia sẻ
Ước tính năm 2022, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của TKV lần lượt tăng 20% và 154% so với năm 2021.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin - TKV) đã tổ chức hội nghị giao ban điều hành sản xuất tháng 12/2022.

Về kết quả kinh doanh năm 2022, toàn tập đoàn ước đạt 165.900 tỷ đồng doanh thu và 8.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 20% và 154% so với năm 2021.

Trong năm 2022, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 131.600 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.500 tỷ đồng. Như vậy với kết quả ước tính trên, tập đoàn đã vượt 26% kế hoạch doanh thu và 131% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Bên cạnh đó, tập đoàn ước tính nộp ngân sách nhà nước trong năm 2022 đạt 21.000 tỷ đồng. 

Kết thúc năm 2022, toàn tập đoàn khai thác được hơn 39 triệu tấn than nguyên khai; nhập khẩu gần 5 triệu thấn than; bốc xúc đất đá đạt gần 158 triệu m3; tổng số mét lò đào 259.390 m và lượng than tiêu thụ là gần 47 triệu tấn.

Về khoáng sản, sản xuất và tiêu thụ Alumina quy đổi cùng đạt gần 1,5 triệu tấn. Sản xuất tinh quặng đồng và đồng tấm lần lượt đạt 105.000 tấn và 30.000 tấn. Lượng điện sản xuất được là hơn 8 tỷ kWh.

Trong tháng 1/2023, tập đoàn đặt mục tiêu sản xuất 2,6 triệu tấn than nguyên khai; tiêu thụ than gần 4 triệu tấn; nhập khẩu 520.000 tấn than và bóc 12 triệu m3 đất; đào 18.000 m lò.

Đồng thời, sản xuất 128.000 tấn Alumina; 6.700 tấn tinh quặng đồng; 2.600 tấn đồng tấm; 1.000 tấn kẽm thỏi; 18.500 tấn phôi thép và sản xuất 700 triệu kWh điện. Sản lượng điện bán cho EVN dự kiến là 620 triệu kWh.

Ảnh: TKV.

Lượng than tồn kho cuối năm của TKV thấp, ảnh hưởng đến khả năng cấp điện trong 2023

Trong tháng 12/2022, TKV và EVN đã có buổi trao đổi về tình hình cung cấp than năm 2022 và kế hoạch cấp than cho phát điện năm 2023.

Tại cuộc họp, phía EVN cho biết, 11 tháng đầu năm 2022, tổng khối lượng than mà TKV đã cấp cho các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) của EVN là gần 16 triệu tấn, bằng 98% tổng khối lượng hợp đồng. Nhưng khối lượng cung cấp than có xu hướng giảm dần vào các tháng cuối năm.

Đồng thời, phía TKV cũng cho biết doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc gia tăng sản lượng bởi giới hạn các giấy phép khai thác. Bên cạnh đó, nhu cầu than cho phát triển kinh tế trong nước cao, giá than nhập khẩu liên tục tăng lên mức kỷ lục gây áp lực lớn cho Tập đoàn.

TKV dự kiến lượng than tồn kho cuối năm 2022 của doanh nghiệp chỉ còn khoảng 1,5 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2021.

Trước tình hình đó, Phó Tổng giám đốc EVN, ông Ngô Sơn Hải cho biết, mức than tồn kho thấp tại TKV và các NMNĐ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng huy động phát điện của các nhà máy, đặc biệt là với nhu cầu cao trong 6 tháng đầu năm 2023.

Theo tính toán về khả năng cấp than cho điện trong năm 2023 của TKV và Tổng công ty Đông Bắc (thuộc Bộ Quốc phòng), tổng khối lượng than cho sản xuất điện năm 2023 là gần 46 triệu tấn.

Riêng đối với các NMNĐ của EVN, khối lượng than dự kiến cấp trong năm 2023 là 18 triệu tấn, thấp hơn hợp đồng than dài hạn khoảng 1,5 triệu tấn.

Theo đánh giá của phía EVN, có nhiều thách thức trong việc cấp than để sản xuất điện trong năm 2023 do khả năng sản xuất than trong nước giảm, trong khi nhu cầu nhiên liệu của các NMNĐ ngày càng tăng.

Bên cạnh đó là yếu tố về chủng loại than. Năm 2023, EVN dự kiến TKV sẽ cấp cho các nhà máy điện hoàn toàn là than pha trộn sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận hành và khả năng cung cấp điện của các NMNĐ.

Lê Đăng