|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

TKV cam kết đủ than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN, dự kiến quý II cấp vượt số lượng EVN đề xuất

20:41 | 24/04/2022
Chia sẻ
Trong quý I, TKV chỉ đáp ứng được khoảng 77% lượng than cung cấp cho EVN. Trong quý II, TKV dự kiến cấp 5,1 triệu tấn than, vượt số EVN đã đề xuất (4,8 triệu tấn) đồng thời cũng lên kế hoạch nhập khẩu khoảng 4,8 triệu tấn cho năm nay.

Ngày 23/4, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký thỏa thuận hợp tác đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN.

Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn TKV cho biết hiện nay, tỷ lệ than khai thác hầm lò của TKV chiếm khoảng 70% và trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ than khai thác hầm lò.

Lãnh đạo TKV cũng cho biết năm 2022, do nhu cầu than tiêu thụ trong nước tăng cao, điều kiện sản xuất khó khăn, thách thức do nguy cơ thiếu hụt lao động vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, cùng với đó, bất ổn chính trị do xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng năng lượng thế giới, đẩy giá xăng dầu, sắt thép… và các chi phí đầu vào tăng cao, làm chi phí sản xuất than tăng…,

Khẳng định cam kết của TKV cung cấp đủ than cho các nhà máy điện của EVN, Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho biết, TKV đã đẩy mạnh sản xuất, tập trung các nguồn lực, huy động công nhân thêm ca, thêm giờ, làm cả ngày lễ để tăng sản lượng than khai thác, chế biến than.

Nếu như năm 2021, trung bình sản xuất trên 3 triệu tấn/tháng thì năm 2022 đã tăng lên trên 4 triệu tấn/tháng, các mỏ than của TKV đã sản xuất vượt công suất.

Hiện, than tồn kho của TKV được huy động tối đa, tăng cường chế biến tại mỏ để nâng phẩm cấp, bù đắp nguồn than nhập khẩu thiếu hụt. Đồng thời, có kế hoạch đẩy mạnh nhập khẩu than khi thị trường hạ nhiệt, xây dựng kế hoạch nhập khẩu than 6 tháng đầu năm là 2,8 triệu tấn và 6 tháng còn lại khoảng 2 triệu tấn.

Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải nhấn mạnh, TKV cam kết đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN vận hành, trong quý II/2022 cấp 5,1 triệu tấn, vượt số EVN đã đề xuất (4,8 triệu tấn) cũng như đảm bảo cấp than trong những tháng cao điểm. Đồng thời, đề nghị Chính phủ xem xét điều tiết, điều chỉnh giá điện để tăng giá bán than cấp cho điện, bù đắp chi phí, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1.  (Ảnh: PV Power).

Trước đó, EVN cho biết, các nhà máy nhiệt điện hiện đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất vì thiếu than. Số liệu tổng hợp đến ngày 30/3 cho thấy, tình hình cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN vẫn đang tiếp tục có nhiều khó khăn và thiếu hụt rất lớn so với hợp đồng cung cấp than đã ký. 

Trong quý I/2022, tổng khối lượng than đã được cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN là 4,49 triệu tấn trên tổng số 5,85 triệu tấn theo hợp đồng đã ký, tương ứng tỷ lệ 76,76%. Như vậy, lượng than được cung cấp đã thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng.

Do lượng than cung cấp thiếu và tồn kho ở mức thấp nên đến cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát. 

Các nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 thời điểm cuối quý I chỉ đủ than vận hành một tổ máy ở mức 60-70% công suất. Trong khi đó, nhà máy nhiệt điện Hải Phòng chỉ đủ than vận hành cho một trong 4 tổ máy.

Theo tính toán của EVN, toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than do thiếu than cho sản xuất điện.

Tại buổi họp Đại hội đồng cổ đông của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power - Mã: POW) ngày 19/4 vừa qua, ông Lê Như Linh, thành viên HĐQT cũng cho biết hiện tại than đang rất khan hiếm, nhà máy Vũng Áng 1 chỉ đủ than cho 5 ngày dữ trữ, thấp hơn rất nhiều theo quy định dự trữ là 1 đến 2 tháng. Phần than thiếu do TKV cung cấp, PV Power đã chủ động tìm nhiều nguồn như nhập khẩu nước ngoài trong đó có Lào (đối tác thân thiết và đang đàm phán) hay Nga. 

Vấn đề nan giản được lãnh đạo PV Power chia sẻ là nhà máy phải tự lo than còn thiếu nhưng giá lại không được cao hơn giá của TKV cấp. Để có nguồn than, PV Power bắt buộc phải đi nhập khẩu trong khi giá nhập khẩu than cao hơn TKV 3-4 lần.

Không có một nhà bán than nào chấp nhận bán than thấp hơn giá TKV dẫn tới các nhà máy điện than đang kêu gào. Lãnh đạo PV Power mong muốn EVN tháo gỡ khó khăn và cố gắng tìm đủ nguồn than để chạy, nhất là trong năm nay. Hiện nhà máy của PV Power vẫn đủ nguồn than, chưa phải dừng như một số nhà máy khác.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hoàng Kiều

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.