|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tình trạng phá ATM cướp tiền gia tăng tại Đức

15:51 | 20/12/2020
Chia sẻ
Số lượng cây rút tiền tự động (ATM) ở Đức bị các đối tượng tội phạm cho nổ tung để cướp tiền xảy ra ngày càng nhiều và cuộc khủng hoảng do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lại càng khiến xu hướng này tăng mạnh.

Tờ WamS ngày 20/12 dẫn số liệu của giới chức Đức cho biết trong năm 2020, số cây ATM bị cho nổ tung đã tăng lên mức cao kỷ lục với 390 vụ nổ tính đến ngày 16/12. 

Năm trước đã ghi nhận 349 vụ, trong khi năm 2018 xảy ra 369 vụ. Tuy nhiên, trong nhiều vụ phá nổ cây ATM, các đối tượng vẫn không thể lấy được tiền, chẳng hạn như trong năm 2020 chỉ có thể lấy được tiền trong 160 vụ. Một trong những lý do khiến tình trạng phá nổ cây ATM gia tăng trong năm nay được cho một phần là do dịch COVID-19.

Việc áp đặt các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh đã khiến nhu cầu về tiền mặt tăng mạnh, do vậy các cây ATM luôn được bổ sung đầy tiền và điều này vô tình khiến những cây ATM thành "miếng mồi ngon" cho các đối tượng tội phạm. 

Phá cây ATM để cướp tiền là hiện tượng khá mới ở Đức với trường hợp đầu tiên được ghi nhận hồi năm 2005.

Trong năm 2020, bang Nordrhein-Westfalen đứng đầu cả nước với 174 vụ nổ cây ATM, tiếp theo là các bang Niedersachsen với 45 vụ, Baden-Württemberg (36 vụ) và Rheinland-Pfalz (34 vụ). 

Theo cảnh sát Đức, nhiều khả năng có một băng nhóm tội phạm xã hội đen gồm hàng trăm người đến từ thành phố Utrecht và thủ đô Amsterdam của Hà Lan đã thực hiện các vụ phá cây ATM ở Nordrhein-Westfalen. 

Trước tình trạng trên, các ngân hàng của Đức đang tích cực nâng cấp trang bị tốt hơn cho các cây rút tiền như lắp thêm các lớp thảm chống nổ, tuy nhiên tội phạm lại sử dụng ngày càng nhiều thuốc nổ mạnh và điều này cũng gây thiệt hại lớn hơn cho các công ty bảo hiểm khi phải thay thế cây ATM hoặc sửa chữa những khu vực có cây ATM bị phá hoại.

Mạnh Hùng

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.