Tình trạng lấn chiếm đất công ở Bình Thuận có chiều hướng gia tăng
Ngày 14/4, Tỉnh ủy Bình Thuận có công văn gửi các đơn vị liên quan yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Bình Thuận, trong thời gian qua, tình trạng lấn chiếm đất công, đất chuẩn bị giao, đất đã giao cho các dự án, đất lâm nghiệp vẫn còn xảy ra, có nơi lấn chiếm đất quy mô diện tích lớn.
Đối tượng lấn chiếm thường có mối quan hệ trong xã hội, có tổ chức, gây mất an ninh, trật tự tại địa phương, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực tài nguyên, đất đai.
Cấp ủy các cấp chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những nội dung nêu trong công văn số 488-CV/TU (tháng 6/2022) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Thường trực Tỉnh ủy đề nghị cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nội dung Công văn số 488-CV/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lấn chiếm đất công, đất chuẩn bị giao, đất đã giao cho các dự án, đất lâm nghiệp như nêu trên; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý đất đai tại địa phương; chịu trách nhiệm theo phân cấp quản lý, xử lý kiên quyết, triệt để việc lấn chiếm đất, sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch, để xảy ra điểm nóng về tranh chấp đất đai trên địa bàn.
Theo Công văn số 488-CV/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tình trạng lấn chiếm đất công, lấn chiếm đất các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất; lấn chiếm, tái lấn chiếm đất sau khi đã đền bù, giải phóng mặt bằng diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng; một số trường hợp mang tính chất côn đồ, có tổ chức, gây mất an ninh, trật tự tại địa phương, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên, đất đai.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận định để xảy ra tình trạng trên, có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các địa phương chưa quan tâm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; năng lực và hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã còn yếu.
Lực lượng công an các địa phương chưa tích cực, quyết tâm trong đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm có tổ chức, có tính chất côn đồ, gây mất an ninh, trật tự trên lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai.
Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự đảng Ủy ban Nhân dân lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh triển khai nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn toàn tỉnh.
Ủy ban Nhân dân cấp huyện nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý chặt chẽ đất đai trên địa bàn; đôn đốc, kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, phê bình, xử lý các trường hợp thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, để tình hình lấn chiếm đất đai trên địa bàn diễn biến phức tạp.
Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh lãnh đạo Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương nắm chắc địa bàn, đối tượng cộm cán, băng nhóm hoạt động có tổ chức, lập chuyên án đấu tranh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi lấn, chiếm đất công, lấn chiếm đất dự án đã được cấp chủ trương đầu tư, các hành vi tái lấn chiếm đất đai sau khi đã đền bù, giải phóng mặt bằng, nhất là các trường hợp vi phạm nhiều lần, vi phạm có tổ chức, có tính chất côn đồ, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp, làm mất an ninh, trật tự tại địa phương.
Trong năm 2022, tỉnh Bình Thuận đã xử lý nhiều vụ lấn chiếm đất công và tổ chức cưỡng chế trả lại hiện trạng ban đầu. Trong số đó, điển hình là vụ bà Trần Thị Ngọc Nữ lấn chiếm 15.817m2 đất công tại khu phố Long Sơn, phường Mũi Né (thành phố Phan Thiết). Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận có quyết định xử phạt bà Nữ 100 triệu đồng; lực lượng chức năng đã tiến hành cưỡng chế, thi hành quyết định xử phạt.
Những tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cũng xảy ra hàng chục vụ lấn chiếm đất công. Tình trạng tái lấn chiếm, xây dựng công trình không phép trên đèo Đại Ninh (Quốc lộ 28B, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) gây bức xúc trong dư luận, đang được cơ quan chức năng xử lý.
Tình trạng người dân tự ý chiếm đất, rồi xây dựng công trình không phép diễn ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Vấn đề này nếu không được xử lý dứt điểm sẽ ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, gây khó khăn trong kêu gọi, thu hút đầu tư vào tỉnh.