|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tính khí Trump, tính khí đô la Mỹ

10:44 | 30/12/2016
Chia sẻ
Vậy là việc Fed chính thức tăng lãi suất đồng USD lên 0,25 điểm phần trăm vào tháng cuối năm nay đã làm cho giá trị đồng USD tăng vọt trên thị trường toàn cầu. Diễn biến lãi suất USD như thế nào, giờ lại liên quan đến câu hỏi về tính độc lập của Fed trong tương lai.

Vậy là việc Fed chính thức tăng lãi suất đồng USD lên 0,25 điểm phần trăm vào tháng cuối năm nay đã làm cho giá trị đồng USD tăng vọt trên thị trường toàn cầu. Diễn biến lãi suất USD như thế nào, giờ lại liên quan đến câu hỏi về tính độc lập của Fed trong tương lai.

Những nghi vấn của ông Trump về tính độc lập của Fed không phải không có cơ sở khi cho rằng bà Yellen đã cố tình không tăng lãi suất thời gian gần đây (cho dù kinh tế Mỹ có dấu hiệu hồi phục) cốt chỉ để giúp Tổng thống Obama trở thành huyền thoại và cũng là để hỗ trợ đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống.

Và giờ đến lượt ông Trump là Tổng thống, có khi ông lại rơi vào mâu thuẫn do chính mình tạo ra: đó là ông không muốn Fed độc lập. Nhất là khi sắp tới đây ông Trump có cơ hội bổ nhiệm hai ghế còn trống vào hội đồng thống đốc, cộng thêm với việc bổ nhiệm thêm một thống đốc và một phó thống đốc mới khi họ hết nhiệm kỳ vào năm 2018. Thêm bốn người mới của đảng Cộng hòa hoặc cùng hệ tư tưởng với ông trong hội đồng thống đốc (bảy thành viên) sẽ là cơ hội không thể tuyệt hơn để Trump định hình Fed theo cách của mình.

Một khả năng khác là ông Trump có thể sa thải bà Yellen ngay khi nhậm chức Tổng thống và bổ nhiệm một thống đốc mới thuộc trường phái diều hâu bảo thủ. Nhưng để làm được việc này, hiến pháp Mỹ quy định tổng thống phải có lý do chính đáng, đó là phải chứng minh được bà Yellen đã làm một điều gì đó sai trái. Giới quan sát cho rằng khả năng này ít xảy ra vì theo quy định của hiến pháp Mỹ, thực thi chính sách tiền tệ trái với mong muốn của tổng thống không phải là làm điều sai.

Một Fed chỉ toàn là giới học giả, luật sư và chủ ngân hàng

Nhìn vào cấu trúc các thành viên của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) hiện nay, nhiều người không khỏi bất mãn vì toàn bộ các thành viên đều xuất thân từ giới học giả, luật sư, chủ ngân hàng mà thiếu hẳn đại diện của giới (ngành) công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

Các cuộc họp của Fed hoặc các phát biểu của các thành viên của nó đều thuần tính kỹ thuật, đều chứa đựng quá nhiều các mô hình toán phức tạp mà thậm chí những người giỏi toán cũng khó hiểu nổi, huống gì công chúng bình thường. Kết quả là “họ có bao giờ ăn những món do họ nấu đâu”, nhiều người ta thán như vậy!

Các cuộc họp của Fed, cho dù có công khai minh bạch ra công chúng đến đâu, cũng giống như cuộc họp của các dược sĩ nói về bào chế thuốc vậy, ít người hiểu nổi họ muốn nói gì. Mỗi lần họp của Fed, chẳng những báo chí nước Mỹ bình luận, đồn đoán dày đặc mà ở tận phương trời xa như Việt Nam, nhiều tờ báo tuy không hiểu gì mấy lại còn giật tít kịch tính theo kiểu “Nín thở chờ Fed tăng lãi suất”. Thế rồi cuối cùng Fed lại không tăng với đủ mọi lý lẽ mà chắc chỉ có họ mới hiểu. Thế mới có chuyện đã gần một thập kỷ trôi qua mà Fed chỉ mới tăng lãi suất đúng có hai lần.

Nhiều nhà phê bình cho rằng sở dĩ Fed làm như thế là họ muốn làm cho mọi câu chuyện xoay quanh mình trở nên bí hiểm, qua đó chứng minh Fed là một cấu trúc gì đó rất mầu nhiệm, siêu phàm. Chứ còn nếu thấy lạm phát có dấu hiệu tăng lên mà tăng ngay lãi suất thì cũng giống như vở kịch đã kết thúc ngay từ khi mở màn rồi, đâu có gì đáng xem nữa.

Tuy nhiên giới học giả ủng hộ Fed thì lại cho rằng những ai suy nghĩ như thế là quá ngây thơ, không hiểu gì về chính sách tiền tệ. Họ ví hoạt động kinh tế như một cỗ xe đang tăng tốc mạnh về phía trước và vai trò của Fed giống như là người hãm phanh kịp thời.

Động thái tăng lãi suất mới đây của Fed chính là cú hãm phanh cần thiết và đúng lúc. Nếu hãm phanh sớm quá (tăng lãi suất) cũng không tốt mà nếu trễ quá thì cỗ xe có khả năng rơi xuống vực sâu không biết bao giờ mới thoát ra được. Nói ngắn gọn, cái khó nhất của Fed là xuất hiện đúng lúc để kết thúc buổi tiệc khi nó đang ở lúc vui nhất. Mà chuyện này thì đâu phải dễ nên Fed phải thận trọng là đúng rồi.

Cải tổ Fed và tương lai của đồng đô la Mỹ?

Trong quá trình tranh cử ông Trump đã công khai quan điểm sẽ tháo bỏ tất cả dơ bẩn khỏi đầm lầy từ nền tảng chính trị hiện thời của nước Mỹ. Những người ủng hộ ông Trump cho rằng danh sách số 1 của tối hậu thư này, không ai khác phải là Fed.

Giới quan sát vì vậy chờ xem liệu ông Trump có từng bước, từng bước bổ nhiệm các thành viên của Fed giống như cách ông đã làm với việc bổ nhiệm hàng loạt các tỉ phú thân hữu vào nội các mới của mình, để qua đó làm một cuộc đại phẫu trong điều hành chính sách tiền tệ và cấu trúc của Fed.

Hãy còn quá sớm để đoán ông Trump có thể làm gì với Fed, nhưng nhìn lại những gì mà những người Cộng hòa đã từng đề xuất để làm cho Fed là một cái gì đó rõ ràng hơn, dễ hiểu hơn và do đó dễ kiểm soát hơn, sẽ là một cách tiếp cận tốt để đoán định tương lai của Fed và của đồng đô la Mỹ sắp tới.

Theo đó, có thể những người Cộng hòa và ông Trump sẽ khởi động lại đạo luật minh bạch Fed (Federal Reserve Transparency Act). Đây là đạo luật đã từng được đảng Cộng hòa đề xuất năm 2015 nhưng chưa được Quốc hội chấp nhận. Một khuyến nghị của đạo luật này là lãi suất phải được tuân thủ theo quy tắc Taylor (Taylor Rule).

Tinh thần cơ bản của quy tắc này là nếu như lạm phát kỳ vọng tăng một điểm phần trăm thì lãi suất phải tăng nhiều hơn một điểm phần trăm để chế ngự lạm phát. Rất đơn giản và dễ đoán định.

Còn nếu như lãi suất của Fed không tuân thủ theo quy tắc này và được cho là vượt khỏi một biên độ nhất định thì phải bị kiểm soát theo điều luật “auditing the Fed”, tức là Fed phải bị kiểm toán. Cần biết thêm, Taylor hiện là Giáo sư của Đại học Stanford và là một trong những ứng viên hàng đầu cho chức vụ Thống đốc Fed dưới thời ông Trump.

Nếu khả năng này trở thành hiện thực thì lãi suất đồng đô la Mỹ sắp tới sẽ như thế nào cũng không khó để trả lời. Nhìn vào ấn phẩm triển vọng đầu tư 2017 của tập đoàn Goldman Sachs vừa công bố mới đây sẽ thấy không phải ngẫu nhiên mà họ đã bắt đầu công việc “cầm đèn chạy trước ô tô” khi mạnh dạn đưa ra triển vọng lãi suất hàm ý theo quy tắc Taylor.

Lãi suất theo quy tắc Taylor mà Goldman Sachs dự báo khoảng 3-4%, cao hơn rất nhiều so với các dự báo của Fed hiện tại. Cũng cần biết thêm, một trong những lãnh đạo cấp cao của tập đoàn Goldman Sachs trước đây là ông Steven Mnuchin mới được ông Trump bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính. Biết thế để hiểu thêm vì sao lại có chuyện Goldman Sachs bỗng dưng lại dùng quy tắc Taylor như một kịch bản dự báo lãi suất 2017.

Nhưng nếu như lãi suất đồng đô la Mỹ được điều hành một cách đơn giản và dễ đoán định như thế liệu có đúng với tính khí bốn mùa thất thường của ông Trump? Chẳng lẽ ông Trump lại tự bó tay mình khi mà tăng lãi suất theo cách này sẽ ảnh hưởng lớn đến chính sách tài khóa mở rộng đầy tham vọng mà ông đã hứa hẹn với cử tri Mỹ? Hay liệu ông Trump của trước và sau khi trở thành Tổng thống Mỹ là khác nhau? Đến giờ này tất cả vẫn là ẩn số.

Chỉ có một điều rõ ràng là quốc gia nào liên tục thâm hụt kép (thâm hụt mậu dịch và ngân sách), vay nợ nước ngoài quá nhiều, quá lệ thuộc vào dòng vốn nước ngoài, mà đồng bản tệ lại cứ neo chặt theo đồng đô la Mỹ thì sẽ phải lãnh đủ câu chuyện “tính khí Trump, tính khí đô la Mỹ” ở xứ cờ hoa.

Trần Ngọc Thơ

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.