|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tính đến 30/11, đã có hơn 4.000 lao động tiếp cận gói hỗ trợ 16.000 tỉ đồng

11:05 | 09/12/2020
Chia sẻ
Tại buổi diễn đàn Chính sách Hỗ trợ DNNVV chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19, đại diện NHNN Việt Nam cho biết tính đến ngày 30/11 có 95 doanh nghiệp đi vay gói hỗ trợ 16.000 tỉ đồng và trả lương cho hơn 4.000 lao động.

Từ cuối tháng 1/2020, đại dịch COVID-19 bùng phát trên qui mô toàn cầu đã tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Thực tiễn cho thấy, những doanh nghiệp đang chịu tác động nghiêm trọng nhất từ COVID-19 tại Việt Nam chính là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghề nông nghiệp, địa bàn khó khăn.

Trên thực tế đã có nhiều chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn và khôi phục hoạt động kinh doanh. Đơn cử như Chỉ thị số 11/CT-TTg, các gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng, hay gói hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động trị giá 16.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên việc thực thi một số chính sách còn chưa đáp ứng được kì vọng của cộng đồng doanh nghiệp.

Nhiều bất cập trong tiếp cận gói vay hỗ trợ

Tại diễn đàn Chính sách Hỗ trợ DNNVV chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 với chủ đề "Thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi" tổ chức vào ngày 8/12 tại Hà Nội, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp đều cho rằng việc tiếp cận gói vay từ nhà nước còn gặp nhiều bất cập, một số chính sách chưa đáp ứng được thực tế, thủ tục rườm rà, chậm thực thi.

Chính sách không thể hoàn thiện thì không nên đề xuất - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi diễn đàn Chính sách Hỗ trợ DNNVV chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 với chủ đề "Thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi" tổ chức vào ngày 8/12 tại Hà Nội. (Ảnh: Tường Vy).

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết hiện có khoảng 40.000 doanh nghiệp du lịch nhưng chỉ có lượng ít trong số đó tiếp cận được gói hỗ trợ doanh nghiệp.

Việc vay vốn ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn. Phần lớn ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp. Nhưng với doanh nghiệp lữ hành, đa số không có tài sản thế chấp nên khó tiếp cận gói vay.

Ngân hàng cũng thực hiện một số hoạt động khác như giảm lãi suất cho vay nhưng về tổng thể doanh nghiệp lữ hành tiếp cận sự hỗ trợ rất nhỏ.

Để vượt qua khó khăn do đại dịch, các doanh nghiệp du lịch chủ yếu là "tự thân vận động", triển khai ngay các chương trình kích cầu bất cứ thời điểm nào có cơ hội, đồng thời thực hiện chuyển đổi số thông qua các chương trình Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam (VITM) với chủ đề "Chuyển đổi số để phát triển du lịch".

Theo ông Bình, các chính sách nhà nước đã đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua COVID-19 rất hay nhưng vẫn phải cải thiện một vài điểm: Thứ nhất là tính khả thi, trước khi ban hành chính sách nên tham khảo ý kiến rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp. Thứ hai, những chính sách nào đã ban hành là phải thực hiện.

Chính sách không thể hoàn thiện thì không nên đề xuất - Ảnh 2.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam. (Ảnh: Tường Vy).

Ông Bình cho rằng "chính sách nào không làm được, không thể hoàn thiện được thì đừng làm, đừng đề xuất để các doanh nghiệp khỏi phải hi vọng, kì vọng mà trì trệ cả một nền kinh tế". Ông nêu ý kiến tất cả các ngành đều gặp khó khăn, từ điện lực cho tới du lịch, nên trước khi làm bất cứ việc gì cần phải thẳng thắn với nhau để kịp thời chuyển hướng khác.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, bổ sung thêm rằng các qui định để một doanh nghiệp hưởng lợi chính sách là quá ngặt nghèo, bên cạnh đó, việc sửa đổi chính sách hỗ trợ là quá lâu, gây mất tính thời cơ để doanh nghiệp và người lao động được hưởng lợi.

Ông Cẩm cũng cho rằng một số chính sách hỗ trợ hiện nay cần phải kéo dài hơn nữa bởi tác động của suy thoái tới ngành dự báo sẽ không kết thúc trong năm nay. "Chúng tôi đánh giá rằng khả năng đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng tới ngành dệt may là tới năm 2022, vì vậy chắc chắn doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi đề xuất nhà nước cần rà soát lại các chính sách mà việc thu chỉ để kết dư, hãy dừng lại không thu, thậm chí là miễn cho doanh nghiệp", ông Cẩm phát biểu.

Chính sách không thể hoàn thiện thì không nên đề xuất - Ảnh 3.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam. (Ảnh: Tường Vy).

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Vĩnh Phúc, ông Đường Trọng Khang, đề xuất rằng nên giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8%/năm trong vòng 3 - 5 năm và sau thời gian này sẽ điều chỉnh lại phù hợp; giảm thuế TNDN về mức 13% - 15%/năm trong vòng 5 năm bắt đầu từ năm 2021; giảm 50% tiền thuế đất trong năm 2021 - 2022; và nghiên cứu giảm một số loại phí, lệ phí.

"Nếu các chính sách trên được thực hiện tổng thu ngân sách nhà nước có thể bị ảnh hưởng, song các doanh nghiệp có thể bù đắp nguồn vốn sản xuất kinh doanh, tạo động lực để doanh nghiệp duy trì và phát triển trong dài hạn", ông Khang nhận định.

Về tín dụng ngân hàng, ông Khang đề xuất cần điều chỉnh lại Thông tư 01 cho phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp, đồng thời cơ cấu lại các món nợ, khoanh nợ, giãn nợ với thời gian dài hơn, có thể là một đến hai năm.

Ngoài ra, ông cũng đề xuất tiếp tục hạ mức lãi suất cả ngắn, trung và dài hạn từ 1 - 2% tùy vào loại hình. Đồng thời, thủ tục, điều kiện vay cần gọn nhẹ hơn để giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt là điều kiện cho vay thế chấp tài sản, bảo lãnh tín dụng cần linh động, không cứng nhắc, gò bó như hiện nay.

Trên 4.000 lao động đã tiếp cận gói 16.000 tỉ đồng

Để giải quyết các vướng mắc trên, bà Phạm Thị Hồng, đại diện Tổng cục Thuế, chia sẻ hiện nay Bộ Tài chính đang dự thảo trình Chính phủ qui định về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ tài trợ của doanh nghiệp tổ chức các hoạt động tài trợ phòng chống dịch COVID-19 áp dụng cho năm 2020 - 2021.

Đồng thời Bộ Tài chính đang đánh giá, tổng kết các giải pháp đã ban hành, tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch bệnh để phối hợp với các Bộ ngành liên quan để đề xuất các chính sách hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng khó khăn do đại dịch. Về chính sách tài khóa, bà Hồng cho biết dự kiến bổ sung, kéo dài phạm vi và đối tượng thụ hưởng, đơn giản tiêu chí xác định và thủ tục thực thi.

Đại diện NHNN Việt Nam, bà Phạm Thị Thanh Tùng cho biết trong thời điểm COVID-19 ngành ngân hàng đã kịp thời ban hành Thông tư 01 để tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng trong việc trả nợ ngân hàng, đồng thời điều chỉnh lãi suất điều hành một cách linh hoạt.

Chính sách không thể hoàn thiện thì không nên đề xuất - Ảnh 4.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Đại diện NHNN Việt Nam. (Ảnh: Tường Vy).

Về gói tái cấp vốn 16.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp trả lương cho người lao động, đây là gói hỗ trợ có hoàn trả mà NHNN cấp vốn cho vay với mục đích để các doanh nghiệp sử dụng lao động có thể trả lương cho người lao động để họ ở lại với doanh nghiệp.

Với tính chất đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ để điều chỉnh các điều kiện cho vay nhằm giúp cho chương trình hỗ trợ này thực tiễn hơn. "Theo thông tin mới nhất về kết quả cho vay gói 16.000 tỉ đồng, đến ngày 30/11, đã có 95 doanh nghiệp đi vay gói hỗ trợ này và trả cho trên 4.000 lao động. Phải nói là gói hỗ trợ này đã thực sự phát huy tác dụng cho các doanh nghiệp có nhu cầu", bà Tùng chia sẻ.

Bên cạnh đó, NHNN Việt Nam đã chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí và dùng các nguồn đó để chia sẻ cho các doanh nghiệp và khách hàng đang gặp khó khăn...

Trong khuôn khổ chương trình, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chính thức ra mắt trang tin điện tử về các chính sách, giải pháp của Nhà nước nhằm giúp hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận, tận dụng chính sách nhằm ứng phó với dịch COVID-19.

Phát biểu phiên bế mạc của buổi diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, khẳng định: "Các hộ kinh doanh và hợp tác xã phải là đối tượng trong chính sách hỗ trợ DNNVV, và các chương trình hỗ trợ phải kéo dài thêm thời gian. Ngoài ra, cần phải có một chính sách hỗ trợ cho các khu vực doanh nghiệp có tiềm năng đang hoạt động ở các lĩnh vực có thể trụ vững, giúp tăng trưởng mạnh sau dịch COVID-19".

Tường Vy

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.