Tin xấu liên tục ra, tại sao giá cổ phiếu Boeing không giảm mà còn tăng?
Boeing – gã khổng lồ trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ - đồng thời là "con cưng" của thị trường chứng khoán Mỹ.
Trong khoảng ba năm qua, cổ phiếu này đã tăng giá gấp ba lần. Năm 2017, Boeing là cổ phiếu công nghiệp đi lên mạnh nhất nước Mỹ. Năm 2018, cổ phiếu này đứng vị trí số 8.
Nhưng vụ tai nạn máy bay Boeing 737 Max của Ethiopia ngày 10/3 năm nay – vụ tai nạn thứ hai của dòng sản phẩm này trong vòng 5 tháng – đã khiến cho mẫu máy bay này bị cấm bay trên khắp thế giới. Vốn hóa của Boeing cũng vì thế mà bị thổi bay mất 10%, tương đương khoảng 25 tỉ USD.
Trong vài ngày qua, những tin tức về Boeing càng trở nên tiêu cực.
Hôm 4/4, Bộ Giao thông Ethiopia công bố báo cáo điều tra sơ bộ về vụ tai nạn tháng trước. Theo đó, các phi công trên chuyến bay xấu số đã làm đúng theo các bước hướng dẫn mà Boeing khuyến nghị khi xảy ra tình huống khẩn cấp. Báo cáo cũng cho biết, nguyên nhân gây ra vụ tai nạn là hệ thống điều khiển bay của chiếc Boeing 737 Max, không phải là kíp lái. Sau vụ tai nạn với một chiếc 737 Max khác tại Indonesia tháng 10/2018, các điều tra viên cũng cho rằng hệ thống này là nguyên nhân trực tiếp.
Sau đó cùng ngày 4/4, CEO của Boeing – ông Dennis Muilenburg đã lần đầu tiên thừa nhận rằng hệ thống phần mềm của hãng chịu một phần trách nhiệm trong vụ tai nạn và lặp lại rằng "chúng tôi ở Boeing hết sức lấy làm tiếc về những người thiệt mạng trong các vụ tai nạn 737 Max gần đây".
Boeing hứa sẽ sửa lỗi phần mềm này và công bố bản cập nhật vào cuối tuần trước. Thế nhưng bản cập nhật này lại bị hoãn, vì một vấn đề khác - không liên quan tới các vụ tai nạn trước.
Một số nhà bình luận cho rằng giờ đây Boeing có thể mất cả tháng mới có thể hoàn thành khâu sửa chữa phần mềm và đưa các chiếc 737 Max cất cánh trở lại.
Theo lẽ thường, nhiều người sẽ suy luận rằng những tin tức xấu thế này sẽ đẩy giá cổ phiếu Boeing sụt thê thảm. Nhưng thực tế là cổ phiếu này tăng giá 2% trong tuần qua. Theo thống kê của Reuters, có tới 20/25 nhà phân tích được khảo sát đánh giá Boeing là cổ phiếu "Đáng Mua" hoặc "Tăng vượt trội".
Một phần lí do của nhận định này là việc Boeing được xếp vào nhóm "too big to fail" – một tập đoàn quá lớn tới mức không thể để phá sản được, do Bộ Quốc phòng Mỹ cần tới Boeing để sản xuất các máy bay quân sự.
Theo Berenberg Bank, dòng 737 tạo ra 1/3 doanh thu và tới gần một nửa lợi nhuận chung của Boeing. Tuy nhiên một số nhà phân tích, chẳng hạn ông Carter Copeland đến từ Melius Research, cho rằng tổng thiệt hại tài chính có thể chỉ thấp ở khoảng 1 tỉ USD, có nghĩa là nhiều khả năng giá cổ phiếu Boeing đã bị "đè" quá sâu.
Ông Marc Szepan, một cựu lãnh đạo tại hãng hàng không Đức Lufthansa và hiện làm việc tại Đại học Oxford, cho rằng các lãnh đạo và nhà phân tích của Boeing đang đánh giá quá thấp các rủi ro tài chính liên quan đến hai vụ tai nạn.
Thứ nhất, các hãng hàng không đã bắt đầu từ chối nhận bàn giao những chiếc 737 Max vì chúng đang bị cấm bay. Vì Boeing chỉ nhận được tiền khi giao hàng, vấn đề này khiến cho doanh thu của hãng bị thiệt hại.
Hôm 5/4 vừa qua, Boeing cho biết hãng này đã hết chỗ chứa các máy bay mới sản xuất và do vậy đang lên kế hoạch cắt giảm sản lượng từ 52 chiếc một tháng xuống còn 42 chiếc. Ban đầu, hãng này dự tính tăng sản lượng lên 57 chiếc.
Boeing có thể sắp hết chỗ chứa các chiếc máy bay mới sản xuất.
Động thái này cho thấy, các lãnh đạo của Boeing đang nhận định rằng thời gian để hãng có thể quay lại hoạt động như bình thường có thể sẽ kéo dài hơn so với dự tính.
Nhưng chưa hết, Boeing đã bắt đầu bị kiện bởi người thân của các nạn nhân trên hai chuyến bay xấu số. Nếu các vụ kiện này biến thành một vụ kiện tập thể (class-action suit), Boeing có thể sẽ bị thiệt hại hàng tỉ USD. Việc CEO Muilenburg thừa nhận lỗi của hệ thống phần mềm trong các vụ tai nạn chắc chắn sẽ không có lợi đối với quá trình bào chữa.
Ngoài ra, Boeing có thể sẽ bị buộc phải trả tiền bồi thường cho các hãng hàng không đang sử dụng dòng 737 Max vì những thiệt hại do việc bị cấm bay gây ra. TUI, một hãng du lịch lữ hành châu Âu ước tính rằng nếu 15 chiếc 737 Max của công ty này tiếp tục bị cấm bay tới mùa hè thì thiệt hại có thể lên tới 300 triệu euro (337 triệu USD).
Cổ phiếu Boeing tỏ ra hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư không phải vì họ đã cẩn thận đánh giá lợi nhuận – rủi ro liên quan, mà chủ yếu là vì Boeing chi tới 95% lượng tiền mặt mà hãng tạo ra để trả cổ tức và mua lại cổ phiếu.
Theo ông Scott Hamilton tại tổ chức tư vấn Leeham Company: "Đội phân tích tại Wall Street chỉ quan tâm đến cổ tức và mua lại cổ phiếu".
Một ứng dụng (app) đầu tư được nhiều người trẻ và nhà đầu tư nghiệp dư sử dụng cho thấy các khách hàng của app này đã tích cực đổ tiền vào cổ phiếu Boeing sau vụ tai nạn ngày 10/3 vừa qua.
Tuy nhiên, nếu dòng 737 Max bị cấm bay dài dài, dòng tiền của công ty sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến cho cổ phiếu này không còn hấp dẫn như mấy năm vừa qua. Những rắc rối đối với chiếc 737 Max cũng như đối với cổ phiếu Boeing có lẽ còn lâu mới kết thúc.