|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tín dụng tiêu dùng tăng 40%, phần nhiều vào bất động sản

10:00 | 11/11/2016
Chia sẻ
Ông Phước nói hiện nay cho vay bất động sản tăng 12%, giảm 16% so với năm ngoái; tín dụng tiêu dùng cũng tăng cao đến 40% mà phần nhiều trong đó cũng liên quan đến dịch vụ bất động sản.

Đây là nội dung được ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia trình bày tại Hội thảo "Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam năm 2016".

Đánh giá chung về hệ thống tài chính, ông Phước cho biết GDP tăng từ 6% - 8%, nhưng quy mô thị trường tài chính tăng trung bình khoảng 12 -16%. Năm 2015, quy mô thị trường tăng khoảng 13%, tương đương khoảng 380 tỷ USD, xấp xỉ 190% GDP. Tuy nhiên, tài sản của hệ thống ngân hàng chiếm phần lớn với 96%, tương đương 175% GDP của nền kinh tế.

Như vậy, có thể thấy tuy quy mô hệ thống tài chính khá lớn nhưng dòng tiền phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng. Do đó, nếu Chính phủ và NHNN không giải quyết tốt những vấn đề của hệ thống ngân hàng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường tài chính nói chung và nền kinh tế nói riêng.

Tín dụng tiêu dùng tăng 40%, phần nhiều liên quan tới bất động sản

Năm nay, tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế khoảng 78%, tăng 5% so với năm ngoái. Bên cạnh đó đầu tư tài chính tăng 2% và các tài sản khác giảm, tức là hệ thống ngân hàng Việt Nam đã sử dụng vốn để đưa vào nền kinh tế nhiều hơn.

Ông Phước chia sẻ, tín dụng phân bổ vốn hợp lý hơn, đi vào thực chất hơn cho sản xuất kinh doanh nhưng nhưng còn tồn tại nhiều vấn đề, đặc biêt liên quan đến bất động sản. Dòng vốn đi vào bất động sản đang khá nhiều, nếu nền kinh tế không kiểm soát chặt chẽ sẽ gây hiện tượng bong bóng thị trường giống như 5 – 7 năm về trước. Hiện, cho vay bất động sản tăng 12%, giảm 16% so với năm ngoái; tín dụng tiêu dùng cũng tăng cao đến 40% mà phần nhiều trong đó cũng liên quan đến dịch vụ bất động sản.

Ông Phước nói chất lượng tín dụng cũng đã được cải thiện. Tỷ lệ nợ xấu hiện nay đã ở mức dưới 3%, khoảng 2,8%. Điểm khác biệt trong công tác xử lý nợ xấu năm nay so với các năm trước ở chỗ, xử lý nợ xấu quá VAMC chỉ dừng ở mức 20%, còn lại chủ yếu là các tổ chức tín dụng tự xử lý qua trích lập dự phòng và bán tài sản đảm bảo. Tỷ lệ nợ nhóm 1 đang ở mức 2,8%, tương đối hợp lí nhưng việc ghi nhận sớm các khoản thu hồi nợ vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây ra nợ xấu.

Cũng theo ông Phước, khả năng sinh lời của hệ thống ngân hàng trong năm nay ước tính khoảng 120.000 tỷ đồng, nhưng trích lập dự phòng trên 70 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 40 nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy, khoản mục chi phí khác chiếm 2/3 lãi thực mà yếu tố chính là do nợ xấu. Do đó, ông Phước cho rằng cần nâng cao hệ thống phân loại, quản lý chặt chẽ và cần phối hợp tốt hơn giữa các bộ, ban ngành nhằm sớm đưa ra phương án giải quyết triệt để vấn đề nợ xấu.

15/92 tổ chức tín dụng chưa đạt tỷ lệ CAR 9%

Ông Phước cho biết, từ đầu năm đến giờ, NHNN đã thực hiện bơm hút tiền Đồng qua kênh tín phiếu tương đối hiệu quả. Bên cạnh đó, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp và chính sách tỷ giá ổn định giúp thanh khoản đang được duy tri khá dồi dào, khoảng 84%.

Huy động vốn trong kì tăng 19%,trong đó VNĐ tăng 23% còn ngoại tệ lại giảm 10%. Lý giải điều này, theo ông Phước, lạm phát tăng lên không phải do chi phí đẩy hay cầu kéo mà là Nhà nước chủ động điều chỉnh thị trường hàng hóa, y tế và giáo dục, giúp người dân có thêm niềm tin vào đồng nội tệ trong khi ngoại tệ đứng yên do NHNN chỉ cho phép điều chỉnh tỷ giá trung tâm 1% và lãi suất huy động 0% với đồng USD.

Về vấn đề an toàn vốn, ông Phước nói, hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của hệ thống năm nay khoảng 11,3%, giảm 0,3% so với năm ngoái. Tuy nhiên trong số 92 tổ chức tín dụng (TCTD) trong toàn hệ thống có tới 15 TCTD chưa đạt được tỷ lệ 9% như yêu cầu của NHNN.

Theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, trong nhiều tháng gần đây lãi suất cho vay đã giảm đáng kể. Ông Phước cho biết, lãi suất cho vay bình quân trong hệ thống khoảng 8,5%/năm. Trái lại, lãi suất huy động vẫn chưa có điều chỉnh giảm, ngược lại còn có xu hướng tăng lên trong bối cảnh lạm phát cũng đang dâng cao những tháng cuối năm.

Đầu năm 2017, các TCTD sẽ buộc phải theo chuẩn Basel II để tiếp cận dần với yêu cầu của thế giới, trong đó, chủ yếu nghiêng về việc huy động vốn có kì hạn nhiều hơn và quy định về tỷ lệ CAR cũng chặt chẽ hơn. Vì thế, các ngân hàng cần nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của NHNN để hệ thống ngân hàng vận hành ổn định hơn.

Nam Đức

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.