|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tín dụng tăng trưởng cao, ngân hàng có được nới room?

22:30 | 15/06/2022
Chia sẻ
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 9/6, tín dụng tăng trưởng 8,15% so với cuối năm 2021 và tăng 17,09% so với cùng kỳ năm trước. Con số này phản ánh nhu cầu tín dụng rất lớn của nền kinh tế, dù chưa đến mùa cao điểm - thường rơi vào các quý cuối năm.

Tín dụng tăng trưởng cao, phù hợp với diễn biến tích cực của nền kinh tế. Tuy vậy, nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức tín dụng (room) được Ngân hàng Nhà nước cấp hồi đầu năm và đang đồng loạt đề nghị nới room.

Trong đó, có thể kể tới Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) khi đạt mức tăng trưởng tín dụng tới 14,3% ngay sau quý I/2022, gần chạm trần mốc 15% được cấp; Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng đạt mức tăng trưởng tín dụng 8% sau 4 tháng đầu năm 2022, dù room được cấp là 10%.

Tại các ngân hàng khác như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)..., tín dụng cũng tăng ở mức cao và đã đưa ra nhiều kiến nghị nới room. 

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank, tín dụng của ngân hàng đã đạt gần 9% sau 4 tháng đầu năm so với mức tín dụng đã được cấp chính thức là 10%. 

Còn tại BIDV, ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết, nhu cầu vay vốn của khách hàng tăng mạnh kể từ cuối năm 2021 đến nay nên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được cấp ở mức 10% là chưa đủ đáp ứng.

Lãnh đạo các ngân hàng đồng loạt kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sớm nới room tín dụng phù hợp để các ngân hàng chung tay với nền kinh tế, đáp ứng cơn "khát vốn" cho phục hồi tăng trưởng.

Đặc biệt, câu chuyện nới room tín dụng càng trở nên "nóng" hơn khi các ngân hàng đang gấp rút triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp theo gói 40.000 tỷ đồng từ ngân sách.

Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) trong 5 tháng đầu năm 2022, chỉ tính riêng các khoản vay đã cam kết giải ngân thì có tới gần 100.000 tỷ đồng thuộc nhóm 11 đối tượng được ưu tiên hỗ trợ lãi suất. Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng dự kiến sẽ hỗ trợ khách hàng khoảng 6.000 tỷ đồng trong gói 40.000 tỷ đồng nêu trên, kể từ nay đến cuối năm 2023.

Riêng trong năm 2022, Agribank đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt hạn mức hỗ trợ lãi suất 2%/năm với quy mô dự kiến 2.500 tỷ đồng đối với các đối tượng được hỗ trợ lãi suất.

Tại Vietcombank, với tổng dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng, giá trị khoản vay được hưởng hỗ trợ lãi suất 2% ước đạt trên 300.000 tỷ đồng. Tương tự tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng sẽ có khoảng 300.000 tỷ đồng dư nợ thuộc nhóm được hưởng hỗ trợ...

Nhu cầu vốn của khách hàng tăng cao sau 2 năm gần như "đóng băng" vì dịch bệnh, lãnh đạo các ngân hàng nhận định nhiều doanh nghiệp sẽ trả nợ để được hỗ trợ lãi suất và vay mới. Tuy nhiên, nếu không được nới room thì nguồn vốn của ngân hàng cũng khó có thể cho vay để hỗ trợ nền kinh tế.

Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, Vietcombank và MB là 2 ngân hàng có lợi thế về tăng trưởng tín dụng do có kế hoạch tham gia hỗ trợ tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Thậm chí MB còn được Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo nhiều khả năng sẽ được cấp room tín dụng lên tới 30 - 35%.

Dù vậy, nới room không phải là câu chuyện dễ dàng. PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, để đưa ra mức tăng trưởng tín dụng hợp lý còn phải cân đối với lạm phát bởi khi tín dụng tăng nóng, việc kiểm soát lạm phát sẽ gặp khó khăn. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước chủ trương kiểm soát chất lượng tín dụng, đòi hỏi các ngân hàng phải cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích.

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV bày tỏ quan điểm, Ngân hàng Nhà nước nên linh hoạt, xem xét nới room tín dụng cho từng ngân hàng khi có kiến nghị điều chỉnh hoặc cấp hạn mức theo từng tháng nhằm giúp các ngân hàng có dư địa cho vay kịp thời. 

Về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước cần bỏ cấp room tín dụng, thay vào đó có thể quản lý tăng trưởng tín dụng thông qua hệ số an toàn vốn (CAR) kèm điều kiện kiểm soát được việc tăng vốn của các ngân hàng.

Liên quan việc nới room, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, room tín dụng là công cụ điều hành hữu hiệu được Ngân hàng Nhà nước thực hiện từ năm 2011 đến nay. Khi chưa áp dụng cơ chế này, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thường rất cao, vượt xa khả năng quản trị, cân đối vốn, dẫn đến hiện tượng mất khả năng thanh toán của các ngân hàng thương mại. 

"Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện song song, vừa quản trị các ngân hàng thương mại theo chuẩn mực quốc tế, vừa kiểm soát tăng trưởng tín dụng, giám sát từ sớm, đảm bảo hoạt động của ngân hàng thương mại nằm trong tầm kiểm soát của chính họ", Phó Thống đốc cho hay.

Cũng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, mục tiêu tăng trưởng 14% mang tính chất định hướng và Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều chỉnh phù hợp với tình hình kinh tế.

Trước đó, trả lời chất vấn tại Quốc hội về vấn đề tăng trưởng tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thế giới đánh giá nước ta rất phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, gây nguy cơ rủi ro. Từ góc độ của các tổ chức tín dụng, khi thành lập tổ chức tín dụng nào cũng mong muốn được tăng trưởng tín dụng nhiều. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước phải đứng trên góc độ điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Lê Phương