|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Room tín dụng có phải là cái áo chật cho nền kinh tế?

15:04 | 15/06/2022
Chia sẻ
Phó Thống đốc Đào Minh Tú, nếu như không có ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 để lại, câu chuyện nới room tín dụng đặt ra rất bình thường khi nhu cầu vốn đầu tư cao hơn nhưng thời điểm hiện tại thì cần cân nhắc nhiều yếu tố.

Tại họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết nhu cầu tín dụng trong thời gian qua ở mức cao sau đại dịch, đặc biệt trong 2 tháng vừa qua.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 5 đạt 8,04%, đến 9/6 đạt 8,15% so với cuối năm 2021, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2021.

Chia sẻ về vấn đề nới room tín dụng cho các ngân hàng thương mại hiện nay, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho hay đến nay mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành vẫn còn khá xa so với mức tăng trưởng mục tiêu là 14%. 

Với các ngân hàng đã gần hết room họ sẽ cân nhắc khẩu vị rủi ro, cân nhắc cấp tín dụng cho các khách hàng tốt hơn theo dạng "gạn lọc khơi trong". Đồng thời, cũng tạo điều kiện cho các khách hàng, đặc biệt là các khách hàng có dư nợ lớn có cơ hội đa dạng hoá quan hệ ngân hàng.  

"Trong thời gian tới, NHNN sẽ theo sát diễn biến của nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chỉ số lạm phát để điều hành tăng trưởng tín dụng ở thời điểm phù hợp, đảm bảo được việc ổn định kinh tế vĩ mô", ông nói.

 

Toàn cảnh họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022. (Ảnh: Diệp Bình).

Vị này cho hay các ngân hàng sẽ được cấp hạn mức tín dụng dựa trên nhiều yếu tố. Ngân hàng nào có tình hình tài chính, khả năng quản trị rủi ro tốt hay tham gia xử lý các TCTD yếu kém, xử lý các quỹ tín dụng nhân dânsẽ được ưu tiên nới room tín dụng.

Ngược lại, cũng sẽ có những điểm trừ. NHNN thường xuyên có những cảnh báo, siết cho vay vào các lĩnh vực rủi ro như kinh doanh BĐS, chứng khoán,... Với những TCTD có tốc độ tăng trưởng lớn vào lĩnh vực tiềm tàng rủi ro như trái phiếu doanh nghiệp, mặc dù NHNN cảnh báo nhưng TCTD vẫn tăng trưởng thì NHNN sẽ trừ hạn mức tín dụng.

Nhiều nước lớn trên thế giới vẫn áp dụng cơ chế kiểm soát tín dụng

Nói thêm về cơ chế cấp hạn mức tín dụng hiện nay, Phó Vụ trưởng cho hay theo thông tin từ IMF, trên thế giới hiện có 11 quốc gia đã và đang cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng đối tượng (cho doanh nghiệp, hộ gia đình, các lĩnh vực đặc thù,...). Hai nền kinh tế lớn trên thế giới như Trung Quốc và Đan Mạch vẫn giữ kiểm soát tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế.

Tại Việt Nam, việc áp dụng cơ chế cấp room tín dụng đã được triển khai 11 năm. Trong suốt thời gian sau đó, NHNN đã liên tục cập nhật và yêu cầu các TCTD tuân thủ các quy định về hệ số an toàn, từ Basel I lên Basel II và sắp tới cao hơn Basel III.

Số liệu thống kê của NHNN cho thấy nhu cầu tăng trưởng tín dụng của các NHTM xấp xỉ trên 20%, vượt xa so với khả năng cân đối vốn. Điều đó kéo theo nhu cầu tìm nguồn vốn huy động là lớn, đẩy lãi suất huy động lên cao, tạo nên vòng xoáy lãi suất dẫn đến áp lực lớn lên lạm phát.

"Với áp lực đó NHNN phải đi hai chân: vừa áp dụng các quy chuẩn quản trị rủi ro vừa quản lý tăng trưởng tín dụng của ngân hàng thương mại", Phó Vụ trưởng cho hay.

Room tín dụng có phải là cái áo chật cho nền kinh tế?

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay nguyên tắc điều hành của NHNN là đặt mục tiêu đầu năm với các con số định hướng phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, từ đó để xác định được khối lượng tiền cung ứng thêm ra nền kinh tế.

Và những năm 2021, 2022 phía sau con số mục tiêu đó luôn có thêm cụm từ "có điều chỉnh linh hoạt tuỳ theo tình hình thực tế của nền kinh tế". Điều đó chứng minh sự linh hoạt trong điều hành chính sách.

Ông nhận định mặc dù cơ chế cấp room tín dụng là công cụ có tính chất hành chính nhưng qua kinh nghiệm của các nước trên thế giới, trong những điều kiện nhất định họ vẫn có thể sử dụng các công cụ như vậy.

 Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú. (Ảnh: SBV).

"Công cụ hành chính nào mang tính chất hiệu quả hơn thì vẫn được ưu tiên sử dụng. Ngược lại, hành chính mà gây khó khăn, chậm phát triển thì nên loại bỏ", Phó Thống đốc nói.

Thời điểm năm 2011 khi NHNN quyết định áp dụng cơ chế cấp room tín dụng cho từng ngân hàng, lúc đó tăng trưởng tín dụng lên tới 53%. 

Theo Phó Thống đốc, nếu như không có ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 để lại, câu chuyện nới room tín dụng đặt ra rất bình thường khi nhu cầu vốn đầu tư tăng cao. Như năm 2016 thị trường cũng đã đặt câu hỏi liệu room tín dụng có phải là cái áo chật cho nền kinh tế?.

Tuy nhiên thời điểm hiện nay lại khác khi có những yếu tố bất thường tác động khiến nhu cầu vốn tăng cao như dịch bệnh thì bối cảnh lại khác.

Trên thực tế, nhu cầu vốn hiện nay cũng bao gồm những lượng vốn đã được chúng ta tái cơ cấu lại để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đáng lẽ không có dịch bệnh thì phần vốn đó đã được trả lại cho ngân hàng và đi vào vòng tín dụng mới, vòng quay của vốn sẽ nhanh hơn trong các năm phải chống dịch.

"Hàng trăm nghìn tỷ đồng đang nằm trong vòng chính sách giãn hoãn nợ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển. Chính phần vốn này đã khiến cho vốn nằm ở đó và chưa được xoay vòng, cho nên nhu cầu vốn vay mới bổ sung tăng thêm, phát sinh những câu chuyện là một số ngân hàng hết room tín dụng", Phó Thống đốc cho biết. 

Phó Thống đốc khẳng định mục tiêu trước hết của việc kiểm soát room tín dụng là nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. 

Tiếp đó là hướng dòng vốn vào những lĩnh vực ưu tiên, những lĩnh vực chịu ảnh hưởng thiệt hại, tạo ra chuỗi hoạt động, có sự cộng hưởng như du lịch, hàng không, vận tải,...Đồng thời, một số lĩnh vực sẽ tiếp tục được kiểm soát có tiềm ẩn hệ số rủi ro cao như đầu tư bất động sản (ở một số lĩnh vực), trái phiếu, chứng khoán.

Ngoài ra là nhằm có thể triển khai được gói hỗ trợ hỗ trợ lãi suất 2% với tổng giá trị 40.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để góp phần phục hồi nền kinh tế.

Diệp Bình