|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tín dụng: hiệu quả mới thực là chỉ tiêu đẹp!

07:21 | 06/03/2019
Chia sẻ
Ngân hàng Nhà nước tự tin năm nay tăng trưởng tín dụng ở mức 14% là chỉ tiêu đẹp và sẽ đạt được. Còn ý kiến của các NHTM lại rất khác nhau, phụ thuộc vào khả năng huy động vốn, nâng tỷ trọng cơ cấu mảng dịch vụ và vốn chủ sở hữu hiện có của mỗi đơn vị cũng như diễn biến chung của nền kinh tế.
Tín dụng: hiệu quả mới thực là chỉ tiêu đẹp! - Ảnh 1.

Tăng trưởng tín dụng ở mức 14% là chỉ tiêu đẹp, theo NHNN. Ảnh: Thành Hoa

Tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi sự gắn kết của hai yếu tố: mãi lực thị trường và động thái hành chính. Nhìn từ mãi lực thị trường, Việt Nam là một trong số ít nước còn áp dụng hạn mức tín dụng, thường được cấp cho từng ngân hàng vào ngay đầu năm. Mỗi ngân hàng có một hạn mức nhất định nhưng nó có thể không cố định suốt năm.

Đến quí 4, một số ngân hàng có thể được nới thêm room tín dụng sau khi cơ quan quản lý nhận định, xem xét tình hình kinh tế, chẳng hạn triển vọng tăng trưởng GDP. Nếu ba quí đầu năm GDP chưa tăng được như kế hoạch, Chính phủ có thể chỉ đạo NHNN tạo điều kiện để các ngân hàng cung ứng thêm vốn cho doanh nghiệp. Cũng do tiền lệ này mà không ít ngân hàng kỳ vọng biết đâu sẽ được cấp thêm tín dụng. Tất nhiên những ngân hàng được nới hạn mức tín dụng phải được xếp hạng tín nhiệm cao (dù sự xếp hạng này là bí mật và không công bố công khai) và đã sử dụng hết room rồi.

Ngoài ra, thị trường cũng ghi nhận sự lobby (vận động hành lang) của một số ngân hàng. Tổng giám đốc một ngân hàng bình luận: “Lobby chẳng có gì xấu. Con có khóc mẹ mới cho bú. Chúng tôi là ngân hàng tốt, các chỉ số tài chính an toàn và đã xài hết hạn mức, chúng tôi có thể xin thêm room tín dụng một khi khách hàng vẫn còn có nhu cầu vay vốn và ngân hàng vẫn còn khả năng cho vay”.

Trên thực tế các ngân hàng đều nỗ lực đẩy mạnh tín dụng ngay từ đầu năm để tránh “dồn toa” vào cuối năm. Tháng 1-2019 tín dụng nhiều ngân hàng cổ phần đã tăng trưởng 2% so với cuối năm ngoái. Một số ngân hàng thậm chí đạt 3%. Muốn tín dụng ra, công cụ chủ lực là lãi suất phải hạ để hấp dẫn người vay. Lãi suất đầu ra hạ, lãi suất đầu vào phải giảm. Nhưng năm nay phải tuân thủ chỉ tiêu chỉ được sử dụng 40% vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, thành ra chỉ lãi suất tiết kiệm ngắn hạn giảm, còn dài hạn vẫn tăng so với trước Tết. Bên cạnh đó để cân đối rủi ro kỳ hạn, các ngân hàng tập trung cho vay ngắn hạn. Biên lợi nhuận do đó sẽ thu hẹp, nhưng lúc này phải ưu tiên đảm bảo các quy định về an toàn vốn.

Mảng tín dụng nào đóng góp hiệu quả nhất cho tăng trưởng kinh tế?

Từ ba năm nay NHNN luôn nhận được chỉ đạo giảm mặt bằng lãi suất. Là một thành viên của “nội các”, NHNN không thể không chấp hành chỉ đạo trên. Thêm nữa NHNN đang quản lý bốn ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh, chiếm hơn nửa thị phần thị trường tiền tệ, nên khi NHNN nói hạ lãi suất, các ngân hàng cổ phần có thể hưởng ứng có chừng mực, còn ngân hàng quốc doanh về bản chất phải thực hiện. Đầu năm nay khi NHNN “kêu gọi” giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên, ngay lập tức Vietcombank, BIDV, VietinBank đã “đáp lời” hạ về 6%/năm. Riêng Agribank lãi suất cho vay tam nông vốn đã thấp từ trước.

Hiện nay, khác với 3-4 năm trước, đang có những thay đổi trong quan điểm của các chủ thể thị trường về tín dụng. Mảng nào của tín dụng đóng góp hiệu quả nhất cho tăng trưởng kinh tế? Những ngân hàng đang mở rộng cho vay tiêu dùng lập luận tín dụng chảy vào tiêu dùng một cách nghiêm túc, đúng đắn sẽ giúp kinh tế tăng trưởng tốt hơn. Về lý thuyết các nhà sản xuất đều hướng đến tiêu dùng. Bất kỳ nguồn tín dụng nào cung cấp cho doanh nghiệp sản xuất đều cần dẫn đến tiêu dùng của người dân.

Người dân khi tiêu thụ sản phẩm đoán định được rõ ràng nhu cầu của họ là gì. Anh mua cái ti vi, anh không thể nói là tôi không biết tôi có cần nó không. Chắc chắn anh cần xài nó, anh mới mua. Tương tự người ta mua nhà, ô tô là người ta có nhu cầu sử dụng hoặc đầu tư cho thuê, hoặc đầu cơ chờ thời. Ngân hàng có trách nhiệm nhận biết mục đích vay vốn và quản lý việc sử dụng vốn. Hiện tại vay vốn để đầu tư đang bị hạn chế mạnh. Nhưng cho vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu thiết yếu thì không hạn chế.

Sự khác biệt giữa cho vay người tiêu dùng và cho vay nhà sản xuất là người tiêu dùng xác định nhu cầu của họ chính xác hơn. Một khi người tiêu dùng được vay tiền, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp giảm bớt. Giả sử nhà sản xuất ô tô cho đại lý bán hàng nợ, đại lý ô tô thu được tiền bán xe cho người tiêu dùng mới mang trả doanh nghiệp. Nay người mua xe hơi được vay tiền ngân hàng, người ta không mua chịu ô tô nữa, mà trả tiền liền, đại lý nhờ đó cũng trả luôn tiền cho nhà sản xuất dẫn đến doanh nghiệp giảm vay tín dụng.

Cho vay tiêu dùng cứ đường đường chính chính như trên thì ngân hàng quá khỏe. Tuy nhiên, năm 2017-2018 một số ngân hàng chạy theo tăng trưởng lợi nhuận, quản lý sử dụng vốn vay không chặt, nên cho vay tiêu dùng biến tướng ngoài tầm kiểm soát. Xu hướng cho vay tiêu dùng, cho vay cá nhân giờ vẫn đang thịnh hành. Nó là một trong những điểm then chốt của hoạt động bán lẻ mà ngành ngân hàng hướng tới. Ngay cả Vietcombank cũng lên kế hoạch nâng mảng bán lẻ lên 50%. Bán lẻ hiện chiếm tỷ trọng cao trong tín dụng nói chung tại VIB, VPBank, Techcombank, ACB, MBB, OCB...

Thủ tướng chỉ đạo mở rộng tín dụng, giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên ngay trong tháng 3Thủ tướng chỉ đạo mở rộng tín dụng, giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên ngay trong tháng 3 Khái niệm Khái niệm 'tín dụng xanh' ngày càng mở rộng ADB hỗ trợ tín dụng 188 triệu USD kết nối giao thông các tỉnh, huyện Tây Bắc với Hà NộiADB hỗ trợ tín dụng 188 triệu USD kết nối giao thông các tỉnh, huyện Tây Bắc với Hà Nội

Hải Lý