|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Tín dụng đổ vào bất động sản tăng đột biến vì Chính phủ thay đổi cách tính

17:40 | 23/10/2019
Chia sẻ
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết tín dụng bất động sản những tháng đầu năm 2019 tăng đột biến vì Chính phủ thay đổi cách tính. Những năm trước Chính phủ thống kê riêng tín dụng cho doanh nghiệp BĐS một mục và một mục là tín dụng tiêu dùng cho người mua, sửa nhà...

Tại phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội Quốc hội chiều 22/10, ông Hoàng Quốc Thưởng – Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Hải Dương nêu vấn đề số liệu dư nợ tín dụng đổ vào bất động sản đang tăng, lên tới 1,5 triệu tỉ đồng.

Ông Thưởng cho rằng, tiền nếu chỉ đổ vào bất động sản mà không vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thì khi thị trường bất động sản gặp vấn đề, nền kinh tế sẽ bất ổn.

bds9

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, bất động sản vẫn còn là lĩnh vực có nhiều rủi ro nên Chính phủ không chủ quan khi kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực này. Ảnh minh họa: Thời báo Chứng khoán.

Với số liệu 1,5 triệu tỉ đồng dư nợ tín dụng đổ vào thị trường địa ốc, ông Thưởng nói rằng ông "thấy lo lắng".

Trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, tín dụng bất động sản những tháng đầu năm 2019 tăng đột biến vì Chính phủ thay đổi cách tính.

"Những năm trước Chính phủ thống kê riêng tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản một mục và một mục là tín dụng tiêu dùng cho người mua nhà, sửa chữa nhà ở... Từ năm vừa rồi Chính phủ yêu cầu tổng hợp hai chỉ số này vào để không chủ quan là tỉ lệ tín dụng bất động sản thấp", Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế đã "đảo chiều" trong thời gian qua.

Trước đây, tăng trưởng tín dụng 33%/năm, nhưng GDP chỉ tăng từ 5-6%. Những năm gần đây, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, Chính phủ kiểm soát chặt chẽ chính sách tín dụng, nhất là tín dụng bất động sản, chỉ tập trung vào lĩnh vực sản xuất, nên tín dụng nói chung tăng khoảng 14%, nhưng tăng trưởng kinh tế cao hơn trước.

"Bất động sản vẫn còn là lĩnh vực có nhiều rủi ro nên Chính phủ không chủ quan khi kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực này", ông Vương Đình Huệ nói.

Theo Phó Thủ tướng, doanh nghiệp bất động sản có số dư nợ tín dụng từ 5.000 tỉ đồng trở lên thì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 3 tháng/lần và chịu trách nhiệm về báo cáo đó.

Ở cấp của Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp bất động sản có dự nợ từ trên 1.500 tỉ đồng để Thống đốc kiểm soát để bảo đảm sự chặt chẽ.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản, các dự án qui mô lớn, chỉ xem xét các dự án vay vốn khả thi, thận trọng cho vay nhà đầu tư thứ cấp.

Báo cáo gửi tới Quốc hội của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến hết tháng 8/2019, tín dụng đổ vào bất động sản (gồm cả mục đích kinh doanh và sử dụng) chiếm hơn 19% tổng dư nợ nền kinh tế. Với tăng trưởng tín dụng khoảng 7,82 triệu tỉ đồng, ước tính tín dụng đổ vào bất động sản là 1,5 triệu tỉ đồng.

K.Hà