Tín dụng cho nông nghiệp, vẫn nặng về hỗ trợ
Khu vực nông nghiệp, nông thôn của nước ta đang có 23 triệu người lao động, đóng góp tỷ trọng 17% vào GDP cả nước năm 2015. Với vai trò quan trọng như vậy, khu vực nông nghiệp - nông thôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và dòng vốn của các ngân hàng vào khu vực này cũng đang quan tâm hơn đến khu vực này. Nếu trước kia, gần như Agribank “độc quyền” với tín dụng nông nghiệp – nông thôn thì vài năm gần đây, đã có sự tham gia của một loạt ngân hàng vào lĩnh vực này như SHB, LienVietPostBank, Vietcombank, BIDV…
Một lãnh đạo cao cấp VietinBank cho biết: “Định hướng trong thời gian sắp tới, VietinBank sẽ tiếp tục trở thành ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam trong việc phục vụ các cá nhân, tổ chức hoạt động trong ngành nông nghiệp, đặc biệt là các chủ thể tham gia trực tiếp vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc (chưa bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) đến 30/9/2016 đạt trên 925.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cuối năm 2015 và tăng 13,43% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 18% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế (tương ứng với đóng góp của ngành nông nghiệp trong GDP) với hàng triệu hộ nông dân và doanh nghiệp được tiếp cận. Bình quân trong 5 năm 2010 - 2015, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn là 17,4%/năm (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân của cả hệ thống ngân hàng là 13,39%).
Tuy vậy, tại Hội thảo “Tín dụng ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng, thực tế, việc tiếp cận tín dụng vẫn còn khó khăn, gây cản trở đến thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp cũng như hạn chế hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp đã và đang hoạt động trong lĩnh vực này.
Theo TS. Tuấn, cách tiếp cận cho tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn vẫn nặng về hỗ trợ lãi suất theo kiểu xin - cho, không tính tới nhu cầu của khách hàng. Trong khi đó, nông dân và doanh nghiệp cần nguồn vốn vay kịp thời, linh hoạt, phù hợp với chu kỳ sản xuất - kinh doanh.
Bên cạnh đó, nhiều quy định về đảm bảo an toàn vốn hoặc nghiệp vụ của các tổ chức tín dụng chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường tài chính hiện đại. Khung pháp lý và chính sách về tài chính tín dụng chưa tạo được điều kiện thuận lợi cho các dịch vụ và công cụ tài chính mới phát triển.
“Thủ tục vay vốn vẫn còn phức tạp, khả năng xử lý rủi ro tín dụng của các ngân hàng vẫn còn thấp”, TS. Tuấn nhận xét.
Để tháo gỡ nút thắt về tín dụng cho nông nghiệp, TS. Anh Tuấn cho rằng, trong chính sách cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn, cần làm rõ vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị để áp dụng các phương thức cho vay và cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp. Về đối tượng được tham gia/hưởng ưu đãi trong các chương trình cho vay lĩnh vực ưu tiên thuộc nông nghiệp, nông thôn, cần được tiếp tục điều chỉnh theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng để nâng cao khả năng tiếp cận các dòng vốn tín dụng của doanh nghiệp và hỗ trợ phát triển lĩnh vực này một cách hiệu quả.
Trong khi đó, đại diện Vietcombank đề xuất, cần nghiên cứu việc triển khai rộng rãi chính sách bảo hiểm nông nghiệp để tạo điều kiện cho ngân hàng và doanh nghiệp trong việc triển khai các dự án liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chính sách bảo hiểm đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo BIDV khuyến nghị các ngân hàng, cần xây dựng đổi mới chính sách và quy trình cấp tín dụng nông nghiệp - nông thôn đối với từng phân khúc khách hàng (đảm bảo đúng quy định nhưng đơn giản hóa thủ tục, dễ hiểu); thiết kế các sản phẩm đặc thù, nhất là tài trợ chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; hỗ trợ nông dân trong tiếp cận thông tin và nâng cao hiểu biết về dịch vụ tài chính - ngân hàng; cơ cấu lại mạng lưới, kênh phân phối hoạt động, phù hợp hơn đối với khu vực nông nghiệp - nông thôn.
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh: “Cần đem quan hệ sản xuất, tư duy sản xuất công nghiệp vào nông nghiệp, như vậy mới tạo được sự bình đẳng giữa các tổ chức tín dụng với người nông dân. Người nông dân khi đó mới có tiếng nói đối trọng với thực thể nhà đầu tư ngân hàng”.